Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...
Điều kiện bắt buộc
Năm 2023, huyện Thanh Oai khởi công 3 cụm công nghiệp làng nghề: Thanh Thùy giai đoạn 2, làng nghề Phương Trung và Hồng Dương. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng thông tin, 3 cụm công nghiệp trên có quy mô 17,14ha, tổng đầu tư hơn 500 tỷ đồng, dự kiến thu hút hơn 100 doanh nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, đóng góp vào ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là cơ hội để Thanh Oai mở rộng thị trường lao động, đất đai, nhà ở và dịch vụ đi kèm, tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đáng chú ý, các cụm công nghiệp trên được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc hiện đại, đáp ứng quy trình sản xuất khép kín; hệ thống phòng cháy, chữa cháy, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, mức phát thải ít, theo tiêu chí khu công nghiệp xanh, sạch, thân thiện môi trường. Các cụm công nghiệp được hình thành còn giúp các làng nghề có nơi sản xuất tập trung, góp phần gìn giữ nghề truyền thống, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế. Thanh Oai được quy hoạch 10 cụm công nghiệp, trong đó có 5 cụm công nghiệp đã hoạt động, 5 cụm công nghiệp còn lại đang được khởi công xây dựng...
Tương tự, được mệnh danh là "đất trăm nghề", những năm qua, huyện Thường Tín đẩy mạnh xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong năm 2023, huyện đã khởi công xây dựng cụm công nghiệp Ninh Sở giai đoạn 2; hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp Văn Tự giai đoạn 2. Trong năm nay, huyện tiếp tục đôn đốc tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp: Thắng Lợi, Ninh Sở, Tiền Phong giai đoạn 2, tạo điều kiện cho làng nghề có nơi sản xuất, phát huy tối đa nguồn lực địa phương...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp của huyện đạt hơn 20.424 tỷ đồng. Kết quả này phần lớn đến từ phát triển kinh tế tại các cụm công nghiệp làng nghề.
Thực tế cho thấy, phát triển cụm công nghiệp làng nghề đang là điều kiện bắt buộc đối với các địa phương có làng nghề truyền thống. Toàn thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha. Trong đó, có 1.392ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Các cụm công nghiệp thu hút 4.169 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với gần 80.000 lao động...
"Đòn bẩy" cho kinh tế nông thôn
Trong 3 tháng đầu năm 2024, Hà Nội tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp: Đông Phú Yên (huyện Chương Mỹ); Tam Hiệp, Liên Hiệp - giai đoạn 2 (huyện Phúc Thọ); Xà Cầu (huyện Ứng Hòa). Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đang tạo tác động kép hiệu quả cho các địa phương có làng nghề, khi vừa tạo nguồn lực kinh tế, giải bài toán lao động nông thôn, vừa khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường... Đây cũng là những vấn đề khó khăn, vướng mắc của thành phố lâu nay.
Thực tế, việc quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp những năm qua luôn gắn với địa phương có nghề, làng nghề truyền thống. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, các làng nghề tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và xuất khẩu qua các năm. Trong đó, khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm, khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương.
“Việc phát triển các cụm công nghiệp được coi là giải pháp tối ưu cho kinh tế làng nghề, kinh tế nông thôn và là nội dung quan trọng giải quyết hiệu quả tiêu chí môi trường tại các địa phương”, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Để thúc đẩy kinh tế nông thôn, hoàn thành nhiều tiêu chí trong thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ đẩy nhanh thủ tục giải phóng mặt bằng, xin giao đất để khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã được phê duyệt; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp đã được xây dựng.
Đặc biệt, thành phố tiếp tục giao các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp khởi công năm 2024 nhằm tạo "đòn bẩy" cho kinh tế làng nghề, kinh tế nông thôn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.