Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắp sáng truyền thống hiếu học

Nam Phong| 02/12/2012 07:02

(HNM) - Tiếng lành đồn xa, tiếng thơm về truyền thống hiếu học của xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất) được nhiều người biết đến từ lâu. Để hiểu rõ về địa danh này, chúng tôi về Hương Ngải vào những ngày cuối tháng 11, khi mà không khí kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam vẫn còn vương vấn trong mỗi cô cậu học trò.

Bà Đỗ Thị Từ Tâm năm nay đã bước sang tuổi 74 nhưng người ta vẫn gọi bà là cô giáo Từ Tâm. Có lẽ đã từ rất lâu rồi, thương hiệu "cô giáo Từ Tâm" đã ăn sâu vào tiềm thức, vào tâm trí của mỗi người dân Hương Ngải. Trong căn nhà của cô giáo Từ Tâm mọi đồ vật được sắp đặt rất ngăn nắp và có chủ ý của gia chủ. Bà nói: "30 năm làm giáo viên biết bao nhiêu kỷ niệm với học trò không thể nào quên. Đó là những lúc cùng các em xuống hầm tránh máy bay ném bom những ngày cuối năm 1972; là những lúc cô trò chia nhau củ sắn, củ khoai cho qua cơn đói để tiếp tục tiết học…". Bà Từ Tâm là một giáo viên yêu nghề, dạy học bằng cái tâm. Trong 30 năm đứng trên bục giảng, nhiều thế hệ học trò của bà đã thành đạt. Bà tự hào kể về những trò hiện nay đã, đang giữ những trọng trách quan trọng của TP Hà Nội và ở nhiều cơ quan, đơn vị khác như học trò Phí Quốc Tuấn (đang là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô); nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình. Nhiều cái tên khác cũng được bà Từ Tâm nhắc tới như Phùng Khắc Đăng, Đỗ Vinh, Đặng Thái Bình, Trần Ngọc Tiến… Bà Đỗ Thị Từ Tâm bộc bạch: "Bây giờ đã già rồi, được học sinh ở khắp nơi gọi điện hỏi thăm tôi thấy trong lòng rất vui và phấn khởi vì biết các em đã thành đạt. Đã chọn nghề "trồng người" là phải biết hy sinh, biết tận tụy thì mới giữ được ngọn lửa yêu nghề bền lâu".

Bà giáo Đỗ Thị Từ Tâm và cháu nội Nguyễn Thục Anh. Ảnh: Đỗ Chí


Truyền thống dạy học của gia đình bà Đỗ Thị Từ Tâm đã trải qua 5 đời, từ đời ông nội đến thế hệ cháu của bà Từ Tâm bây giờ. Bốn người con (hai trai, hai gái) của bà Từ Tâm hiện đang là giáo viên, gồm cô Nguyễn Thị Cẩm Thi, giáo viên Trường THPT Thạch Thất; thầy Nguyễn Đỗ Thế Cường, giáo viên Trường THCS Thạch Thất; thầy Nguyễn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Tảo (Phúc Thọ) và cô Nguyễn Đỗ Lan Hương, giáo viên Trường THCS Minh Hà (xã Canh Nậu). Ngoài ra, hai người con dâu của bà Từ Tâm và cháu ngoại Phí Mạnh Tiến cũng là giáo viên; cháu nội Nguyễn Anh Tú hiện đang du học tại TP Thượng Hải (Trung Quốc) theo chương trình học bổng đào tạo giảng viên của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Thôn 8, xã Hương Ngải nơi bà Đỗ Thị Từ Tâm sinh sống có đến hơn 70 giáo viên đương chức và gần 20 giáo viên về hưu, là thôn có số lượng giáo viên đông nhất huyện Thạch Thất và cũng ít có thôn nào trên địa bàn TP sánh bằng. Trong đó có nhiều đôi vợ chồng làm giáo viên, nhiều giáo viên giữ vị trí lãnh đạo như có 2 cô giáo làm hiệu trưởng khối mầm non; 3 phó hiệu trưởng khối tiểu học; 2 hiệu trưởng khối trung học cơ sở; 1 hiệu trưởng khối THPT và 1 cô giáo đang làm Phó phòng Giáo dục đào tạo huyện Thạch Thất. Cô giáo Nguyễn Thị Vân với thâm niên 31 năm làm giáo viên dạy môn địa, Trường THCS Hương Ngải cho biết, chỉ riêng xóm Mới, thôn 8 (xã Hương Ngải) cũng đã có đến 24 giáo viên các cấp. Nhà cô giáo Vân có 2 con học rất giỏi, con đầu đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân và đi làm, con thứ hai đang học năm thứ 4 Đại học Y Hà Nội. Cô Vân chia sẻ: "Nghề giáo viên không giàu về vật chất nhưng để lại cho đời chữ tâm, chữ trí cho con, cho cháu và cho hàng nghìn học trò nên rất đáng trân trọng".

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải Vương Duy Bính, chỉ tính riêng giáo viên đang dạy học trên địa bàn xã hiện nay cũng có đến gần 200 người (cả nghỉ hưu) là con em Hương Ngải, ngoài ra còn hàng trăm giáo viên đang dạy học ở nơi khác trong huyện Thạch Thất và trên địa bàn TP Hà Nội mà xã chưa thể thống kê hết. Với truyền thống hiếu học, khoa bảng được hun đúc trong từng con người, từng gia đình, từng dòng họ từ hàng trăm năm trước, nhiều người Hương Ngải đã học hành thành đạt và có vị trí cao trong xã hội. Chỉ tính từ năm 1995 đến nay, xã Hương Ngải đã có hơn 800 người đỗ đại học, cao đẳng. Nhiều gia đình đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn nuôi con ăn học thành tài như gia đình ông Phí Đình Lân (thôn 4) làm ruộng nhưng có 15 người con (con dâu, con rể, con trai và con gái) tốt nghiệp đại học và đã trưởng thành; gia đình ông Cấn Liên (thôn 2), vợ làm ruộng, bản thân ông Liên bị tàn tật đã nuôi 2 con ăn học đầy đủ và tốt nghiệp đại học loại giỏi…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắp sáng truyền thống hiếu học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.