Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa gương hiếu học

Thống Nhất| 28/09/2022 06:20

(HNM) - Khép lại năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Hà Nội có nhiều dấu ấn về những tấm gương hiếu học tiêu biểu. Dù điều kiện gia đình khó khăn, hay ở độ tuổi cao, họ vẫn luôn mạnh mẽ, chiến thắng hoàn cảnh để học tập đạt kết quả tốt. Vẻ đẹp từ những tấm gương hiếu học ấy đã và đang lan tỏa, tạo động lực cho hơn 1,6 triệu học sinh phổ thông của thành phố thi đua học tập tốt trong năm học 2022-2023, góp sức xây dựng xã hội học tập ở Thủ đô.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Trung Châu (huyện Đan Phượng) đọc sách ở thư viện mở tại sân trường. Ảnh: Hồng Hạnh

Những điển hình hiếu học

Một trong những tấm gương điển hình hiếu học, gây ấn tượng đặc biệt với nhiều người dân Thủ đô trong năm học vừa qua là ông Nguyễn Huy Kỳ, sinh năm 1940. Ông là thí sinh lớn tuổi nhất tham gia và đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của thành phố Hà Nội, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng Bằng khen.

Biết tới ông Nguyễn Huy Kỳ khi ông còn là học viên lớp 12B, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân vào năm 2021, nhưng sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, chúng tôi mới có cơ hội trò chuyện cùng ông. Như chia sẻ của ông, chuyện học với mỗi người đều rất đỗi bình thường. Việc học bị dở dang khi ông tham gia chiến trường, từng bị thương, rồi trở về địa phương làm việc, vì nhiều lý do nên bây giờ ông mới có điều kiện để hoàn thành ý nguyện. “Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi sẽ đăng ký học trung cấp ngành Y để trau dồi về chuyên môn, kỹ năng của công việc mà tôi yêu thích”, ông Nguyễn Huy Kỳ chia sẻ. Thực sự đáng ngưỡng mộ khi thấy việc học của một công dân đã hơn 80 tuổi vẫn sẽ được tiếp tục…

Không may mắn như nhiều bạn cùng trang lứa, Bùi Thế Triệu, sinh năm 2004 chọn việc học phổ thông đồng thời với học nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cả cha và mẹ, Triệu sống với ông bà nội đã già yếu. Vừa đi học, vừa lo đỡ đần cuộc sống cùng ông bà nội, Triệu vẫn hoàn thành tốt mọi việc, đạt danh hiệu học sinh giỏi năm học 2021-2022. Tốt nghiệp cùng lúc với tấm bằng phổ thông và bằng nghề, cơ hội việc làm với Bùi Thế Triệu đang có nhiều khởi sắc, song em cho biết vẫn cố gắng vừa làm, vừa tiếp tục học tập…

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều tấm gương điển hình hiếu học ở Thủ đô. Dù trong điều kiện nào, họ luôn vượt lên hoàn cảnh, khắc phục khó khăn và nỗ lực để có tương lai tốt đẹp hơn.

Hội Khuyến học Hà Nội trao thưởng những tấm gương học tập tiêu biểu của thành phố Hà Nội năm 2022. Ảnh: Minh Đức

Chung sức xây dựng xã hội học tập

Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, lại có địa bàn rộng, điều kiện kinh tế - xã hội còn có sự khác biệt. Những điển hình hiếu học đã và đang là hạt nhân kết nối để hình thành các mô hình học tập, làm nền tảng vững chắc đưa Thủ đô trở thành xã hội học tập.

Tại hội nghị trao thưởng gương học tập tiêu biểu, với chủ đề “Tự học và sáng tạo” năm 2022 của Hội Khuyến học Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với chia sẻ của em Bùi Thế Triệu, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại: “Động lực của em là thấy những người xung quanh không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, chiến thắng chính bản thân và đạt thành quả. Tấm gương học tập của bác Nguyễn Huy Kỳ còn cho em thêm bài học ý nghĩa về sự cần thiết của việc học tập thường xuyên, bất cứ thời điểm nào”…

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, những tấm gương học tập tiêu biểu, dù ở độ tuổi nào cũng rất xứng đáng là “Công dân học tập” của Thủ đô, là hạt nhân lan tỏa, phát triển các mô hình học tập, như: “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”... Thực tế tại huyện Ba Vì cho thấy, việc nhân rộng các tấm gương học tập trong nhà trường, gia đình, cộng đồng đã tác động tích cực đến chất lượng giáo dục đại trà ở các cơ sở giáo dục. Từ vị trí tốp cuối, đến nay, Ba Vì được đánh giá ở vị trí thứ 17/30 quận, huyện, thị xã của thành phố về chất lượng giáo dục và đang tiếp tục khởi sắc.

Theo đánh giá của Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Khuyến học Hà Nội là một trong số các đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng các mô hình học tập, là địa phương có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng xã hội học tập một cách bền vững. Tính đến hết năm 2021, toàn thành phố có gần 1,4 triệu gia đình học tập, hơn 8.300 dòng họ học tập, gần 5.300 cộng đồng học tập và 3.000 đơn vị học tập. So với chỉ tiêu tại Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, Hà Nội có tỷ lệ “Đơn vị học tập” vượt 42%, tỷ lệ “Cộng đồng học tập” vượt 27%, tỷ lệ “Dòng họ học tập” vượt 18%...

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng, kết quả này có sự đóng góp rất lớn của hơn 1,3 triệu hội viên khuyến học các cấp và những tấm gương vượt khó, quyết tâm học tập tại các cơ sở giáo dục của thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa gương hiếu học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.