(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh vẫn xuất hiện tình trạng ngập nước tại một số khu vực và tuyến đường trũng thấp khi mùa mưa đến. Để chủ động giải quyết tình trạng ngập và triều cường dâng cao, cơ quan chức năng thành phố đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Chứng kiến cảnh cứ mưa là ngập hơn 10 năm nay trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, anh Nguyễn Văn Duy (chủ quán phở Duy trên đường Ngô Tất Tố giao với đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) cho hay, sau cơn mưa khá nặng hạt khoảng 30 phút trong tháng 5 vừa qua, tại chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đã bị ngập sâu hơn nửa bánh xe, khiến nhiều người đi xe máy qua đây phải dắt bộ, thậm chí bị trượt ngã.
Khu vực chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) thường xuyên ngập nước mỗi khi mưa lớn. |
Dù mới xuất hiện vài trận mưa lớn vào đầu mùa nhưng một số khu vực và tuyến đường “ngập vẫn hoàn ngập” như: Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Quốc Hương, Thảo Điền (quận 2); An Dương Vương, Phú Định (quận 8); Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức); Huỳnh Tấn Phát (quận 7); Phan Huy Ích (Gò Vấp)…
Về nguyên nhân ngập, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngoài việc thành phố chưa đầu tư xong các công trình chống ngập theo quy hoạch hệ thống thoát nước đến năm 2020 và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thì phải kể đến một số nguyên do khác như: Tình trạng biến đổi khí hậu nên lượng mưa biến đổi thất thường, thiết kế cống không bảo đảm độ dốc, bùn rác lấp đầy tại miệng hố ga thu nước...
Góp ý thêm về giải pháp, GS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể như: Đồng bộ hệ thống cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao; triển khai nhanh các dự án thuộc quy hoạch thoát nước và thủy lợi; xây dựng bản đồ số về các điểm ngập; nâng cao trách nhiệm và công tác phối hợp của các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan...
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch thực hiện chương trình giảm ngập nước năm 2019, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng.
Cụ thể, thành phố sẽ hoàn thành 2 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Mai Thị Lựu (quận 1) và nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7); hoàn thành dự án chống ngập do triều cường khu vực trung tâm thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều...
Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, thành phố đang ứng dụng thiết bị giám sát cảnh báo ngập lụt bằng công nghệ cảm biến, được lắp đặt tại các điểm thường xuyên bị ngập. Khi có tình trạng ngập lụt, hệ thống sẽ tự đo mực nước, truyền dữ liệu về máy chủ để phân tích, đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động. Bên cạnh đó, tại những tuyến đường thường xuyên bị ngập nặng đã lắp đặt camera để theo dõi tình trạng ngập và đưa ra phương án ứng phó.
Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai phần mềm ứng dụng cảnh báo ngập nước và triều cường với tên gọi UDI Maps được cài đặt trên điện thoại thông minh. Theo đó, trên giao diện UDI Maps hiển thị thông tin thời tiết và mực triều cường bằng những bức ảnh chi tiết về tình hình ngập nước do hệ thống camera chụp lại. Từ đó sẽ cảnh báo và hướng dẫn người dân lựa chọn các tuyến đường khác thay thế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.