Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập

Gia Bảo| 03/05/2023 07:24

(HNM) - Mùa mưa năm 2023 ở thành phố Hồ Chí Minh đã cận kề, tuy nhiên các dự án thoát nước vẫn chậm tiến độ khiến người dân lo lắng. Giải quyết vấn đề này, hiện nay, thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh các dự án này, góp phần hạn chế ngập, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 13 tuyến đường trục chính bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn.

Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố còn 13 tuyến đường trục chính bị ngập do mưa, gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp); Đặng Thị Rành, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh); Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, quốc lộ 1A (thành phố Thủ Đức) và Phan Anh, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân). Ngoài ra, thành phố còn 7 tuyến đường ngập do triều cường như Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7); Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè); Nguyễn Văn Hưởng (thành phố Thủ Đức)...

Thực tế, sau những trận mưa trái mùa giữa tháng 4 vừa qua, các điểm ngập trên gây khó khăn đi lại của người dân. Trong khi, dù cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh rất nỗ lực trong việc đôn đốc các dự án chống ngập nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ. Tiêu biểu cho dự án chậm tiến độ là dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Dự án có tổng mức đầu tư 10 nghìn tỷ đồng, khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018. Công trình được kỳ vọng giải quyết ngập do triều cho vùng diện tích khoảng 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đồng thời, chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh, rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước.

Dù được người dân thành phố kỳ vọng rất lớn nhưng tiến độ dự án trên liên tục trễ hẹn. Nguyên nhân do phát sinh một số vướng mắc nên phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành phải đến đầu năm 2023 mới được UBND thành phố Hồ Chí Minh ký và tháo gỡ. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư) Nguyễn Tâm Tiến cho biết, dự án đến nay đạt hơn 93% khối lượng. Nếu được giải ngân trong vài tháng tới, sẽ hoàn thành vào tháng 2-2024, vận hành thử nghiệm và đến tháng 5-2024 bàn giao cho thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nhà đầu tư đang chờ Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cấp vốn, cam kết về đích đúng tiến độ.

Trong tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cùng các sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra thực địa các cống ngăn triều dự án này. Ông Bùi Xuân Cường cho biết, chuyến khảo sát nhằm nắm tình hình thực tế, sau đó thành phố sẽ làm việc với các đơn vị liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để dự án sớm hoàn thành, đưa vào vận hành.

Cùng với đó, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung giải quyết 5 tuyến trục chính ngập do triều cường, gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, quốc lộ 50. Đồng thời, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng dự án bờ tả sông Sài Gòn để giải quyết ngập do triều cường đường Nguyễn Văn Hưởng.

Góp ý về giải pháp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố cần tận dụng lợi thế từ hệ thống kênh, rạch chằng chịt để điều tiết nước. Song song đó, xây các hồ điều tiết nước; tăng diện tích mảng xanh; xử lý dứt điểm tình trạng lấn hành lang sông, kênh, rạch; xây dựng và hoàn thành các dự án chống ngập, các nhà máy xử lý nước thải.

Đây cũng là chủ trương chung của thành phố. Để giảm ngập do mưa, Sở Xây dựng kiến nghị thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hoàn tất các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư 9 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập, với tổng vốn khoảng 1.900 tỷ đồng tiêu nước cho các điểm ngập nặng ở thành phố Thủ Đức và quận Gò Vấp.

Về xây dựng nhà máy xử lý nước thải, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng thành phố) Vũ Văn Điệp cho biết, thời gian tới sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) từ công suất 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày; thi công các hạng mục công trình của Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2), góp phần giảm ngập, tăng khả năng tiêu thoát nước, cải tạo môi trường đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.