Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ ''nút thắt'' cho các dự án chống ngập

Hà Phạm| 18/07/2022 07:27

(HNM) - Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng đang được các cấp, ngành của thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ những “nút thắt” để có thể hoàn thành chậm nhất vào đầu năm 2023. Song song đó, thành phố sẽ đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án trọng điểm về cải thiện hệ thống thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải… nhằm khắc phục tình trạng ngập úng và bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sẽ hoàn thành cuối năm 2022.

Nỗ lực cải thiện hệ thống thoát nước

Thành phố Hồ Chí Minh đang trong mùa mưa của năm 2022. Mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường, thành phố lại xuất hiện nhiều điểm ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh) Vũ Văn Điệp, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi hạ tầng đô thị không theo kịp, khiến tình trạng ngập úng của thành phố chưa được giải quyết triệt để trong thời gian qua.

Để giải quyết vấn đề này, mới đây, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước Tây Sài Gòn và Tham Lương - Bến Cát, làm cơ sở trình Thủ tướng quyết định. Cụ thể, Dự án thoát nước Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư hơn 8.120 tỷ đồng, gồm vốn vay ưu đãi hơn 6.960 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng hơn 1.160 tỷ đồng của thành phố.

Còn Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát có tổng mức đầu tư 8.168 tỷ đồng, được ADB tài trợ vốn vay ưu đãi hơn 6.670 tỷ đồng, vốn đối ứng thành phố hơn 1.370 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại 116 tỷ đồng. Cả hai dự án dự kiến thực hiện từ năm 2023 và hoàn thành sau 5 năm. Mục tiêu nhằm cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, giảm ô nhiễm môi trường, ngập nước cho lưu vực, cải thiện cảnh quan môi trường.

Một dự án trọng điểm khác của thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải quyết ngập do triều cường với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng bị đình trệ nhiều năm nay cũng đang được chính quyền thành phố chỉ đạo dứt điểm hoàn thành. Cụ thể, thành phố đã tháo gỡ được “nút thắt” về cơ chế pháp lý và bố trí quỹ đất hoán đổi cho chủ đầu tư. Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan yêu cầu chậm nhất vào đầu năm 2023, các đơn vị liên quan phải hoàn thành và vận hành dự án (hiện đã đạt hơn 93% khối lượng công việc), góp phần giảm ngập do triều cường cho khu vực rộng 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn.

Phấn đấu khắc phục cơ bản ngập úng

Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh, để cơ bản khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về chống ngập. Chỉ khi đồng bộ được các dự án, lúc đó mới đem lại kết quả tổng thể và hiệu quả hơn.

Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin, năm 2022, thành phố đặt mục tiêu giải quyết ngập do mưa cho tuyến đường Bàu Cát (quận Tân Bình) và Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Song song đó, hoàn thành Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) từ công suất 141.000m3/ngày tăng lên 469.000m3/ngày.

Một dự án tiêu biểu vừa cải thiện môi trường, vừa giúp thoát nước, chống ngập khác cho thành phố Hồ Chí Minh là xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Nguyễn Hoàng Anh Dũng (chủ đầu tư dự án) cho biết, thành phố đã bố trí 1.000 tỷ đồng để khởi công dự án trong năm 2022. Công trình gồm các hạng mục: Xây bờ kè bê tông và đường dài gần 33km dọc hai bờ kênh; nạo vét toàn tuyến kênh... Dự án được triển khai sẽ giúp thoát nước, chống ngập cho 7 quận, huyện gồm: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Chánh; hình thành tuyến giao thông đường thủy đi miền Đông và miền Tây... Dự án cũng được kỳ vọng cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu dân lưu vực rộng gần 15.000ha.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đặng Phú Thành, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án trọng điểm về chống ngập, thoát nước và cải thiện môi trường. Cụ thể, nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm; cải tạo kênh Hy Vọng... Phấn đấu giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng tại 18 tuyến đường trên địa bàn.

"Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng bổ sung 96km hệ thống thoát nước; tăng cường nạo vét, cải tạo kênh rạch. Đồng thời, hoàn thành dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2); dự án cải tạo môi trường nước (giai đoạn 2); kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải như: Bắc Sài Gòn 1, 2, Tây Bắc, Suối Nhum..., phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030", ông Đặng Phú Thành thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ ''nút thắt'' cho các dự án chống ngập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.