Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thả cá, hóa vàng dịp Tết ông Công, ông Táo: Đừng thả túi ni lông

Nguyễn Mai| 16/01/2020 08:15

(HNM) - Vào dịp Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp), theo phong tục truyền thống, nhiều gia đình thực hiện các nghi lễ tâm linh, sau đó thả tro hóa vàng, chân hương, cá chép... xuống ao, hồ, sông... Nói "không" với việc thả túi ni lông xuống ao, hồ, sông, chung tay gìn giữ môi trường từ những hành động nhỏ nhất là cách thể hiện trách nhiệm và tình yêu Hà Nội của mỗi người dân.

Thanh niên tình nguyện tuyên truyền để người dân không vứt rác xuống hồ Hoàn Kiếm khi thả cá.

Nói "không" với việc thả túi ni lông

Đã thành nếp, cứ vào dịp Tết ông Công, ông Táo, bà Nguyễn Thị Liên ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) lại ra chợ mua sắm đồ lễ, cá chép vàng. Sau nghi lễ thắp hương tại gia đình, bà Liên mang cá chép ra hồ Văn Quán (phường Văn Quán, quận Hà Đông) để thả theo truyền thống dân gian tiễn ông Công, ông Táo về trời. Bà Liên cho biết: “Tôi thường để cá trong hộp, thả xong lại mang hộp về. Tôi thấy, những năm gần đây, năm nào dịp Tết ông Công, ông Táo, cơ quan chức năng cũng bố trí các thùng rác rất thuận lợi ở những địa điểm thả cá quanh hồ…”.  

Hiện nay, Hà Nội có nhiều điểm thu hút người dân đến thả cá dịp Tết ông Công, ông Táo ở khu vực nội thành như: Hồ Tây, Hoàn Kiếm, Ngọc Khánh, Thủ Lệ, khu vực sông Hồng ở cầu Long Biên và cầu Chương Dương… Những năm gần đây, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo từ các cơ quan chức năng, sự tham gia tích cực của các công ty vệ sinh môi trường, còn có nhiều tổ chức, đoàn thể tham gia cùng bảo vệ môi trường dịp 23 tháng Chạp. Đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của các đoàn viên thanh niên, các nhóm tình nguyện, vừa tuyên truyền “thả cá đừng thả túi”, vừa hỗ trợ người dân thả cá, thu gom túi ni lông để đúng nơi quy định...

Với sự chung sức của cộng đồng, thực tế cho thấy, ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên. Đa số mọi người sau khi thả cá, thả tro, đều bỏ túi ni lông vào đúng nơi quy định.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Lê Đỗ Phương, trên địa bàn quận, khu vực cầu Chương Dương (sông Hồng) và hồ Hoàn Kiếm thường có nhiều người đến thả cá. Do vậy, quận đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến người dân toàn bộ 18 phường; đồng thời đề nghị Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm bố trí công nhân trực, hướng dẫn người dân bỏ rác đúng nơi quy định và thu gom kịp thời để bảo vệ môi trường.

Chung tay bảo vệ môi trường

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, để bảo đảm vệ sinh môi trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Sở đã có công văn gửi Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị tăng cường công tác vệ sinh môi trường. Đặc biệt, trong dịp Tết ông Công, ông Táo, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt hương, vàng mã; không thả sinh vật ngoại lai, vứt túi ni lông, rác thải xuống ao, hồ, sông...

Tại quận Hai Bà Trưng, theo Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung, từ trước Tết ông Công, ông Táo một tuần, quận đã ban hành văn bản chỉ đạo: “Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc quận, chủ tịch UBND 20/20 phường quán triệt đến các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị; UBND các phường tuyên truyền đến toàn thể nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn không thả túi ni lông, các đồ thờ cúng và các vật dụng khác xuống sông, hồ, ao, mương gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị...”.

Còn Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây Nguyễn Thanh Hà thông tin, thị xã đã yêu cầu đơn vị trúng thầu vệ sinh môi trường bố trí thêm thùng rác quanh các điểm ao hồ mà người dân thường đến thả cá, tạo thuận lợi cho việc thu gom rác thải và phân công công nhân trực, nhặt rác, tập kết đúng nơi quy định...

Mặc dù ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong dịp Tết ông Công, ông Táo đã có chuyển biến tích cực, nhưng thực tế ở một số nơi vẫn còn tình trạng xả rác ra nơi công cộng, nhất là các sông, hồ... Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, bên cạnh tuyên truyền, Sở đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm công tác bảo vệ môi trường như để rác thải, túi ni lông, đốt vàng mã không đúng nơi quy định...

Hy vọng trong ngày Tết ông Công, ông Táo năm nay, nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy kết quả tích cực của những năm trước, không vứt túi ni lông xuống ao, hồ, sông, chung tay góp phần làm cho thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thả cá, hóa vàng dịp Tết ông Công, ông Táo: Đừng thả túi ni lông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.