Môi trường

Đặt người lao động vào vị trí trung tâm trong hoạt động bảo vệ môi trường

Hà Phong 29/03/2024 - 20:14

Nhằm tăng cường vai trò của các tổ chức Công đoàn, người lao động trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 29-3, Báo Lao động tổ chức Diễn đàn với chủ đề "Công nhân lao động vì môi trường 2023".

3102_z5296279280046_0dc0a09974517c751bb1d4fa5c95afd8.jpg
Bà Hoàng Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đóng góp nhiều ý kiến bảo vệ môi trường.

Kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TƯ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT), đến nay, sau 10 năm, công tác này đã và đang đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Ông Đỗ Việt Đức, Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, từ năm 2018 đến nay, các cấp Công đoàn đã ban hành kế hoạch và tổ chức vận động đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện nhiều hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, như tổ chức trồng cây xanh, vườn hoa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong doanh nghiệp, đơn vị; cải tiến kỹ thuật, máy thiết bị để giảm tiêu hao năng lượng và chất thải độc hại ra môi trường.

5011_z5296347534405_6ca56a3cbe49f44afa7a6022eb4bd052.jpg
Rất đông công nhân lao động tham gia diễn đàn.

Tại Hà Nội, nhiều địa phương, đơn vị, cơ sở căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế đã sáng tạo, đổi mới, có chương trình hưởng ứng: “Phục hồi hệ sinh thái”, “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, "Đổi rác thải lấy cây xanh". ..

Công đoàn Dệt may Việt Nam đang quản lý trực tiếp 114 công đoàn cơ sở có trụ sở đóng trú tại 3 miền Bắc - Trung - Nam với tổng số 108.595 đoàn viên công đoàn/114.236 lao động. Theo ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ Công đoàn Dệt may Việt Nam, thời gian qua, phong trào thi đua, vận động công nhân lao động làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, giữ gìn cảnh quan doanh nghiệp, cơ quan, nhà máy được phát động trong toàn hệ thống. Hầu hết các doanh nghiệp đã và đang thực hiện chiến lược phát triển bền vững, tận dụng mái nhà xưởng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái...

img_20240329_151840.jpg
Quang cảnh diễn đàn.

Tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nhìn một cách tổng thể, nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi xanh còn chưa có sự thống nhất, chưa đầy đủ; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn thiếu hụt, chồng chéo; nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế.

Đồng quan điểm trên, bà Hoàng Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, hiện công ty duy trì vệ sinh tại hơn 16 quận, huyện của thành phố Hà Nội. Trong đó, lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom và xử lý (năm 2022) trung bình là hơn 7.000 tấn/ngày (tương đương gần 0,8kg/người/ngày), tỷ lệ tăng 5-10%/năm. Tuy nhiên, việc thu gom, quản lý rác thải nhựa của công nhân gặp nhiều khó khăn, rất vất vả vì ngõ nhỏ, điểm tập kết rác hạn chế, không có quy hoạch. Bên cạnh đó, rác thải nhựa thường công kềnh, khó vận chuyển và lưu kho; người dân đổ rác không có giờ; hầu hết không phân loại rác…

Ông Dương Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đang chủ trì xây dựng tiêu chí phân loại "dự án xanh". Trong đó, tiêu chí phân loại và danh mục dự án xanh sẽ sớm được ban hành để huy động nguồn lực từ "trái phiếu xanh", "tín dụng xanh", góp phần thúc đẩy định hướng đầu tư, chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đặt người lao động vào vị trí trung tâm trong hoạt động bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.