(HNMO) - Sáng 22-11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khoá VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.
Dự Hội nghị, về phía các cơ quan TƯ có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức TƯ; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức TƯ cùng đại diện Ban chỉ đạo và Tổ biên tập TƯ về tổng kết Hội nghị TƯ 3 khoá VIII, lãnh đạo các vụ chức năng thuộc Ban Tổ chức TƯ; Ủy ban Kiểm tra TƯ; Ban Tuyên giáo TƯ; Ban Dân vận TƯ, Văn phòng TƯ và Bộ Nội vụ.
Về phía lãnh đạo thành phố tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy.
Đại biểu thành phố tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên, đại diện lãnh đạo các Ban đảng của Thành ủy, Đoàn ĐBQH thành phố, Văn phòng Thành ủy, Trưởng các Ban HĐND TP, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH; Văn phòng HĐND, UBND; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ; các tổ chức chính trị xã hội; giám đốc các sở, ban ngành...
Tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo. |
Hội nghị đã nghe đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết TƯ 3 khóa VIII của thành phố Hà Nội.
Sau mở rộng và điều chỉnh địa giới hành chính, cùng với việc kiện toàn, sắp xếp, củng cố tổ chức đảng trực thuộc, đến nay Đảng bộ TP Hà Nội có 59 Đảng bộ trực thuộc với hơn 41 vạn đảng viên (chiếm khoảng 10% tổng số đảng viên của cả nước).
Hà Nội thực hiện việc tổng kết Nghị quyết TƯ 3 khóa VIII, triển khai Kết luận số 37 về chiến lược cán bộ trong điều kiện thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng và điều chỉnh địa giới hành chính có đặc điểm riêng: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và bộ máy hành chính các cấp có số lượng đông, chất lượng không đồng đều; số lượng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý là cấp trưởng, phó phòng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố cần bố trí sắp xếp để ổn định rất lớn (có những cơ quan số lượng cấp phó lên đến 13 người), công tác đào tạo, bồi dưỡng, phương thức triển khai thực hiện công tác cán bộ ở hai địa phương có khác nhau.
Trước yêu cầu kiện toàn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy cơ quan cấp thành phố, tạo được sự chủ động trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Hiện nay, tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý là 1.038 người. Trong đó, cấp thành phố có 568 người: cán bộ nữ 73 người (chiếm 12,5%); trình độ chuyên môn trên đại học 250 người (chiếm 42,7%), đại học 336 người (57,3%); lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 570 người (80,2%). Cấp quận, huyện có tổng số 452 người, trong đó nữ 57 người (chiếm 12,6%); trình độ chuyên môn trên đại học 159 người (chiếm 35,2%), đại học 293 người (chiếm 64,8%), lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 438 người (chiếm 79,3%)… Cán bộ cấp xã hiện giữ chức danh bí thư, phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND có tổng số 1.640 người; trình độ chuyên môn trên đại học 321 người, đại học, cao đẳng 1.182 người; trung cấp 138 người; lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 490 người…
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 (khóa VIII) và gần 10 năm thực hiện Kết luận số 37 và các văn bản liên quan về công tác cán bộ, trên cơ sở nắm bắt những thuận lợi, tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Trung ương; khắc phục khó khăn, thách thức, nhất là về tư tưởng và bố trí, sắp xếp cán bộ khi thực hiện điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (từ ngày 1-8-2008), Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và làm tốt công tác cán bộ.
Công tác cán bộ được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện đồng bộ, bài bản khách quan, dân chủ, gắn với việc tiếp tục sắp xếp, kiện toàn lại bộ máy tổ chức theo quy định của Trung ương và yêu cầu thực tiễn đặt ra cho thành phố; các khâu công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo bước đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Trong những năm qua, thực hiện hiệu quả chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở có cơ cấu ngày càng hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ; chất lượng được nâng lên từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Thủ đô.
Tuy nhiên, tính tiên phong, gương mẫu, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa cao; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có mặt chậm được khắc phục; vẫn còn tư tưởng cục bộ, khép kín, mất đoàn kết nội bộ ở một số địa phương, đơn vị. Một bộ phận cán bộ, công chức ý thức, phẩm chất, năng lực yếu, đùn đẩy trách nhiệm, có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và công dân, thậm chí vi phạm kỷ luật phải xử lý.
Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ cán bộ ở địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý, đồng bộ, còn tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”; năng lực thực tế, kiến thức về quản lý kinh tế, pháp luật của một số ít cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; đội ngũ cán bộ tham mưu còn thiếu kỹ năng nghiên cứu; cán bộ ở một số ngành, lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn sâu chậm được bổ sung kịp thời…
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố thực sự trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất, đạo đức và lối sống trong sạch, lành mạnh; có trình độ, năng lực cao; có cơ cấu, số lượng hợp lý và có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập sâu rộng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Nên nhất thể hóa chức danh bí thư và chủ tịch tại cấp phường
Đồng chí Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm tham luận về công tác quy hoạch cán bộ gắn với quy hoạch, điều động cán bộ.
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết, đội ngũ cán bộ của quận sau quy hoạch và luân chuyển điều động để bồi dưỡng từ năm 2010 đến nay có 220 cán bộ giữ vị trí lãnh đạo các cấp. Nhiều đồng chí được phát triển, trở thành lãnh đạo thành phố.
Thực tế tại quận Hoàn Kiếm, cán bộ trẻ được đào tạo chính quy ở các trường có chuyên môn, sau khi tuyển dụng về quận được đưa về các phòng, ban, ngành quản lý nhà nước và các Ban Đảng của Quận ủy để bồi dưỡng về tư duy chính trị, kỹ năng nghề nghiệp và phong cách làm việc.
Sau đó, nếu cán bộ có khả năng, quận có thể nhanh chóng đề bạt và bổ nhiệm giữ các cương vị chủ chốt của phường. Sau một thời gian rèn luyện ở cơ sở, nhận thấy cán bộ có tố chất và khả năng phát triển, quận sẽ rút về bổ nhiệm giữ các cương vị chủ chốt ở các phòng, ban, ngành, các ban Đảng của Quận ủy. Đây chính là nguồn trở thành cán bộ kế cận cán bộ lãnh đạo cấp quận và các cấp cao hơn.
Kết thúc tham luận, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm nêu một số kiến nghị như:
Tất cả chức danh từ trưởng các phòng ban trở lên ở cấp quận nên giữ hai nhiệm kỳ để tạo động lực cho cán bộ phát triển.
Ở cấp phường nên nhất thể hoá chức danh bí thư và chủ tịch; đề nghị không tổ chức bầu mà áp dụng cơ chế chính quyền đô thị là bổ nhiệm để giúp cán bộ lãnh đạo phường dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thực hiện quyết liệt hơn. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu có thể thay thế.
Ở cấp quận nên nghiên cứu thận trọng hơn và chỉ nhất thể hoá ở những nơi có điều kiện như có sự đoàn kết thống nhất trong cả hệ thống chính trị; cán bộ được chọn phải thực sự có năng lực và có tâm, có thể đáp ứng yêu cầu công việc; phải có cơ chế phát huy vai trò người đứng đầu và cơ chế kiểm soát quyền lực.
Về chế độ chính sách, đồng chí Hoàng Công Khôi cũng đề nghị lãnh đạo cấp phường sau khi nhất thể hóa sẽ được nâng mức phụ cấp, ít nhất bằng lãnh đạo các phòng ban ở cấp quận; mức phụ cấp của bí thư quận cũng nên được nâng ở mức bằng giám đốc các sở ngành; nên khuyến khích cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi..
Quyết liệt, sáng tạo trong sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Tham luận về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với bố trí cán bộ; đào tạo cán bộ nguồn và trọng dụng nhân tài, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, nhiều năm qua, Hà Nội luôn là địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 3 khóa VIII với nhiều đổi mới, sáng tạo, đề xuất cách làm hay, mô hình mới.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện quyết liệt, sáng tạo trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, được TƯ và dư luận đánh giá cao.
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; rà soát cán bộ, công chức, viên chức theo khung năng lực của từng vị trí việc làm để sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá... nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đổi mới tuyển dụng công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết TƯ 6 khóa XII, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học vào tuyển dụng, bảo đảm tối đa nguyên tắc cạnh tranh khách quan, công bằng, minh bạch, thực tài, chống tiêu cực trong thi cử, nâng cao chất lượng đầu vào của công chức, viên chức...
Đồng chí Trần Huy Sáng cũng nêu một số kiến nghị như sớm sửa đổi Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và bộ, ngành có liên quan; sớm thực hiện cải cách chế độ tiền lương; cho phép Hà Nội xây dựng quỹ tiền lương thưởng để trả lương cho công chức theo vị trí việc làm trên cơ sở yêu cầu công việc, nguồn thu ngân sách của thành phố...
Tiếp đó, Hội nghị đã nghe Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham luận về quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ xuất thân từ công nhân; và nghe Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải tham luận về công tác đánh giá cán bộ tại Đảng bộ quận Long Biên trong thời gian qua; nghe Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Phạm Xuân Phương tham luận về công tác luân chuyển cán bộ ở cơ sở và việc tạo điều kiện từ cơ sở khi cán bộ được luân chuyển về huyện công tác.
|
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn Phạm Xuân Phương |
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã trao Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết TƯ 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Danh sách 10 tập thể được khen thưởng gồm: Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ, Liên đoàn Lao động thành phố, quận Hoàn Kiếm, quận Long Biên, quận Hà Đông, huyện Sóc Sơn, huyện Chương Mỹ, huyện Đan Phượng và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sẽ tăng cường phân cấp cho Hà Nội về công tác cán bộ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức TƯ nhấn mạnh, Thành ủy Hà Nội đã quán triệt sâu sắc quan điểm, Nghị quyết của Đảng về chiến lược cán bộ, đặc biệt đã vận dụng sáng tạo các Nghị quyết, kết luận của TƯ trong giai đoạn đặc thù hợp nhất giữa Hà Nội và Hà Tây, làm tốt công tác tổ chức cán bộ, giúp Hà Nội phát triển và ổn định như hiện nay.
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, thực tế cho thấy, Hà Nội đã bám sát chỉ đạo của Trung ương và có nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Thành phố đã lựa chọn những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm; ban hành các quy định về đánh giá, phân loại, bổ nhiệm cán bộ; kịp thời tháo gỡ bất cập về công tác cán bộ. Tới đây, Trung ương sẽ tăng cường phân cấp cho Hà Nội về công tác cán bộ để thành phố chủ động, chịu trách nhiệm, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cán bộ của thành phố, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Thời gian tới, đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý, Hà Nội cần xây dựng đội ngũ cán bộ thích ứng với điều kiện mới, đó là từ nhà nước chuyên chính vô sản sang nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; có tư duy hội nhập sâu rộng với quốc tế, trong đó chú trọng việc thành thạo ngoại ngữ, tin học; nhanh nhẹn, sáng tạo. Thành phố cũng cần quan tâm không để xảy ra tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp trong công tác cán bộ... (Xem thêm nội dung tại đây)
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, Thành ủy Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn cùng với hệ thống văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ. Đặc biệt, Đảng bộ thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII trong điều kiện đặc thù đó là thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng và điều chỉnh địa giới hành chính.
| ||
Một số kết quả cụ thể được Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nêu ra như: Thành ủy đặc biệt coi trọng việc quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với sự phát triển của Thủ đô; về yêu cầu xây dựng đội ngũ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố nói riêng và đất nước nói chung; xác định công tác cán bộ là khâu then chốt, đột phá; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nền tảng để thực hiện các chương trình công tác, nhiệm vụ chính trị của thành phố, nổi bật là Chương trình số 01 của Thành ủy khóa XV, khóa XVI.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Thành ủy đánh giá, công tác cán bộ của thành phố vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, cần thẳng thắn nhìn nhận để đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Với tinh thần nghiêm túc khắc phục những hạn chế, yếu kém đã nêu, nhất là những nội dung quan trọng được Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh 4 vấn đề trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.