Xã hội

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam:Chăm lo đời sống, điều kiện làm việc cho người lao động

Mai Hoa thực hiện 28/04/2024 - 06:44

Tháng 5-2024 sẽ đồng thời là Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024. Dự kiến, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đến đời sống, điều kiện làm việc của công nhân, người lao động, qua đó khẳng định sự quan tâm của thành phố với công tác quan trọng này.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện cùng Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam để làm rõ nội dung này.

giam-1.jpg
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam. Ảnh: Thu Minh

Khẳng định sự chăm lo đến đời sống người lao động

- Thành phố Hà Nội luôn xác định công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, chăm lo đời sống người lao động là việc làm thường xuyên, liên tục. Thời gian qua, với vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng An toàn, vệ sinh lao động thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã làm gì để triển khai hiệu quả công tác này, thưa ông?

- Nhìn lại thời gian vừa qua có thể thấy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với UBND thành phố ban hành hệ thống văn bản gồm các kế hoạch hành động, thành lập Ban Tổ chức, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Cùng với đó, chúng tôi tham mưu tổ chức đối thoại định kỳ hằng năm giữa người đứng đầu chính quyền thành phố với đại diện công đoàn và người lao động, đề nghị khen thưởng về công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với tập thể, cá nhân tiêu biểu…

Trong năm 2023 đã có 233.845 người được tập huấn về công tác an toàn, vệ sinh lao động. 20.134 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được kiểm định kỹ thuật an toàn. Sở đã ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã, tiếp nhận khai báo 4.140 máy, thiết bị cho 561 lượt đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Đáng chú ý, thông qua công tác kiểm tra liên ngành, các đoàn thanh, kiểm tra của thành phố đã yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tạm đình chỉ 38 máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vi phạm quy định về an toàn trong quá trình sử dụng; xử phạt vi phạm hành chính 9 đơn vị, công trình xây dựng vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động. Thực hiện kiểm tra 95 đơn vị, công trình xây dựng, đã có 367 kiến nghị yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót về an toàn, vệ sinh lao động, giúp các đơn vị nâng cao ý thức trong việc xây dựng môi trường lao động, bảo đảm an toàn, ngăn ngừa tai nạn lao động.

Việc thăm, tặng quà người bị tai nạn lao động và gia đình họ cũng được chú trọng, khẳng định sự chăm lo đến đời sống người lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp người lao động, đoàn viên yên tâm sản xuất.

- Dù có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy tình hình mất an toàn lao động vẫn xảy ra. Ông có thể chia sẻ về điều này?

- Mặc dù công tác an toàn vệ sinh lao động luôn được chú trọng và có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn có gần 300 vụ tai nạn lao động xảy ra. Trong đó, xin lưu ý rằng, các vụ tai nạn lao động chủ yếu là tai nạn ngã từ vị trí cao, hoặc tai nạn do vật rơi từ trên cao trong ngành Xây dựng (chiếm 69,1%), sản xuất lắp ráp cơ khí (chiếm 23,8%)… Nạn nhân của các vụ tai nạn lao động hầu hết là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời hạn dưới 1 tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cùng với đó, tình hình tai nạn lao động và cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng, đặc biệt các công trình sửa chữa, xây mới nhỏ lẻ tại khu dân cư, vẫn để tình trạng các hộ dân lơ là chủ quan, chưa quan tâm nhiều đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Thêm nữa, các vụ tai nạn lao động đối với khu vực không theo hợp đồng lao động gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và của doanh nghiệp chưa được xử lý nghiêm, chủ yếu dừng lại ở xử lý hành chính. Trong khi đó, việc thực hiện thanh tra, kiểm tra của các cấp, ngành chưa được thường xuyên, liên tục. Nhận thức của nhân dân và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động còn hạn chế, nhất là khối hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, lao động tự do và làng nghề…

Hạn chế thấp nhất tai nạn lao động

- Hà Nội đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024 vào ngày 19-4. Hưởng ứng Tháng hành động, chúng ta sẽ tập trung những công việc gì để các hoạt động được triển khai cả về chiều rộng và chiều sâu, thưa ông?

- Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024 đã và đang được triển khai đồng bộ từ thành phố đến cấp cơ sở. Cụ thể, thực hiện nghiêm Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 6-3-2024 của UBND thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương sẽ vào cuộc tổng lực, tăng cường tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, nội dung của Tháng hành động, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động thành phố và các đơn vị liên quan triển khai tổ chức các hoạt động chuyên đề an toàn, vệ sinh lao động và hoạt động cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động, tập huấn cho người làm công tác tư vấn về an toàn, vệ sinh lao động...

giam-2.jpg
Huyện Hoài Đức trao quà cho các công nhân hưởng ứng lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tăng cường thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, chăm lo đời sống, việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc của người lao động. Đồng thời, tổ chức các hội thi tay nghề, hội thi thợ giỏi, tuyên dương công nhân giỏi, sáng kiến sáng tạo, các hoạt động tư vấn pháp luật, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao cho đoàn viên, người lao động tại cơ sở.

Cùng với việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, kịp thời động viên, chia sẻ những mất mát và động viên các gia đình khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, công việc, mặt khác, chúng tôi sẽ phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp...

- Theo ông, chúng ta cần làm gì để công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm lo đời sống người lao động thực sự là việc làm thường xuyên, liên tục?

- Chuỗi hoạt động của Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với công tác quan trọng này, cũng như coi đây là việc làm diễn ra thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, công tác này không chỉ là nhiệm vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, mà còn cần sự vào cuộc tổng lực của các Sở: Y tế, Xây dựng, Văn hóa và Thể thao, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, tham gia Đoàn kiểm tra việc chấp hành thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp, công trình xây dựng. Đồng thời, rà soát, bổ sung quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và các biện pháp phòng, chống cháy nổ, không để xảy ra sự cố trong các khu công nghiệp.

Và đương nhiên, không thể không kể đến vai trò của UBND các quận, huyện, thị xã trong việc chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người lao động. Ở góc độ ngược lại, chính các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động.

Xin nhấn mạnh rằng, các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động. Vì vậy, rất cần sự chung tay của các sở, ban, ngành, UBND các cấp, các đơn vị doanh nghiệp và bản thân người lao động, bằng những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, góp phần vào phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam: Chăm lo đời sống, điều kiện làm việc cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.