(HNM) - Những năm gần đây, ngành Du lịch Hà Nội luôn chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc trưng, độc đáo, riêng có gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Cùng với đó, Hà Nội đã khẳng định được vị trí là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, là cầu nối giữa du lịch Việt Nam với quốc tế. Vì thế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch là việc làm cần thiết nhằm đón bắt cơ hội mới.
Hà Nội đã đặt mục tiêu thu hút hơn 7 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Đây được xem là mục tiêu khả thi khi ngành Du lịch Thủ đô đang tập trung khai thác các thế mạnh như du lịch di sản, du lịch văn hóa và trong thời gian tới sẽ kết hợp thế mạnh này với việc tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế. Tất nhiên, để đạt tới mục tiêu này đòi hỏi các ngành chức năng có các giải pháp khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về du lịch trên các phương diện nguồn lực, tài nguyên tự nhiên, tiềm năng giá trị lịch sử văn hóa, con người...
Năm 2019 đã đi qua được hơn nửa chặng đường, thời gian còn lại không nhiều, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải hết sức nỗ lực. Trước hết là ngành Du lịch cần tổ chức khảo sát, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu khách du lịch, điểm đến và dịch vụ, nguồn nhân lực… nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển du lịch. Ngành Du lịch cũng như các địa phương tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, vốn là lợi thế để kiến tạo những sản phẩm du lịch có sức hút với khách quốc tế.
Mặt khác, cần tích cực đổi mới tư duy trong hoạt động du lịch, phát triển những sản phẩm du lịch mới mang tính đột phá, tổ chức những sự kiện lớn mang tầm cỡ quốc tế. Đây chính là những “đặc sản” có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách quốc tế. Một thực tế đã được chứng minh khi Giải đua xe Công thức 1 tổ chức tại Singapore thu hút tới 40% người xem là khách nước ngoài. Qua đó cho thấy, khi sự kiện này được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2020 sẽ là cơ hội để quảng bá hình ảnh văn hóa, về đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô, tạo tiền đề thu hút đầu tư vào du lịch.
Một vấn đề mang tính nền tảng nữa là đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Tập trung triển khai du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ cao để quảng bá cũng như đáp ứng nhu cầu của khách. Bên cạnh đó cũng cần đưa được thông tin đến với du khách. Tức là cần thiết đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, hợp tác thu hút khách du lịch, đặc biệt là triển khai hiệu quả việc quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình quốc tế.
Hiện nay, du lịch Hà Nội đã nhận được nhiều đánh giá xếp hạng tiêu biểu từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, cùng với phát triển sản phẩm du lịch, các cấp ngành cũng như mỗi người dân Thủ đô cần đẩy mạnh phát huy, xây dựng văn hóa con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó tập trung tăng cường tuyên truyền thực hiện các quy tắc ứng xử, nhất là ứng xử nơi công cộng nhằm tạo môi trường an toàn, thân thiện, văn minh, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố “an toàn - mến khách - hấp dẫn”, một thế mạnh lớn của Hà Nội - Thủ đô văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, đem lại sự hài lòng và tin cậy cho du khách...
Tận dụng thế mạnh để đón đầu, khai thác hiệu quả tiềm năng cũng chính là mục tiêu xây dựng du lịch của Thủ đô phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.