(HNM) - Cả lý luận và thực tế đều chứng minh, dân vận là hoạt động xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Nói vậy để thấy, công tác dân vận có sức sống tự thân, là vấn đề không thể thiếu để tạo lập cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân, xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững và tạo lập khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, với phong trào “Dân vận khéo”, hiệu quả trong công tác dân vận đã được nhân lên bội phần, khẳng định cho một chủ trương đúng đắn, một phong trào thiết thực, hợp lòng dân.
Phải thấy rằng, đây là phong trào xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống. Cùng với cả nước, những kết quả của phong trào “Dân vận khéo” trong suốt 10 năm qua ở Hà Nội đã nói lên điều đó. Đã xuất hiện hàng loạt mô hình “Dân vận khéo” trên hầu hết lĩnh vực của cuộc sống, từ thành phố đến cấp cơ sở. Điều này góp phần tạo sự đồng thuận, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Điều này có thể thấy rõ khi ở khu vực đô thị, phong trào “Dân vận khéo” hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh; còn vùng ngoại thành Hà Nội, đích phấn đấu không ngừng là xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao... Trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, mô hình này gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động nhân dân tham gia ý kiến về các chính sách pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống. Còn với cơ quan hành chính nhà nước là đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đạo đức công vụ; tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân…
Đích đến cuối cùng của những mô hình “Dân vận khéo” là hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Với ý nghĩa ấy, “Dân vận khéo” cần tiếp tục được triển khai với những sáng tạo để phù hợp trong giai đoạn mới.
Công tác dân vận có nội dung bao trùm, rộng lớn. Vì vậy, để công tác vận động, tuyên truyền đi vào chiều sâu, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực phải có những cách làm riêng. Trong đó, điều cần thiết là gắn “Dân vận khéo” với nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị; mỗi địa phương cần xác định nội dung trọng tâm để có cách làm trúng và đúng với từng địa bàn, đối tượng. Đặc biệt, chú trọng xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại những nơi khó khăn, phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu công nghiệp… để phát huy sức mạnh của cộng đồng.
Song, dù triển khai theo phương thức gì, để thuyết phục được nhân dân làm theo những điều mình truyền đạt, phổ biến, mỗi cán bộ, đảng viên phải tạo được niềm tin bằng cách sống và làm việc gương mẫu. Do đó, hệ thống cán bộ làm công tác dân vận cần được củng cố về chuyên môn, trình độ, kiến thức pháp luật; tổ dân vận ở khu dân cư cần được tạo điều kiện để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động. Theo đó, cấp ủy địa phương phải tạo điều kiện hỗ trợ cán bộ dân vận ở cơ sở; thu hút người có uy tín trong cộng đồng tham gia công tác dân vận. Và bản thân người làm công tác dân vận cần làm việc với tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; chủ động đề ra những phương thức hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức.
… Trong giai đoạn mới hiện nay, thực hiện “Dân vận khéo” tốt sẽ như một sức mạnh “mềm” để góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.