Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đề nghị huyện Sóc Sơn chú trọng thực hiện công tác dân vận chính quyền, tập trung vào việc nâng cao chỉ số xếp hạng cải cách hành chính của huyện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp.
Sáng 6-3, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Huyện ủy Sóc Sơn về việc thực hiện các chủ trương Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Báo cáo của Huyện ủy Sóc Sơn cho thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận đã đạt nhiều thành tích, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Huyện đã đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý của các cấp, ngành… góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm văn bản hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian, hạn chế tiêu cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức và nhân dân.
Triển khai phong trào thi đua dân vận khéo, từ năm 2021 đến nay, huyện đã có 142 mô hình, điển hình đăng ký và công nhận đạt cấp huyện, 1.041 mô hình, điển hình cấp cơ sở và 2 mô hình được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố. 2 mô hình "Dân vận khéo" của huyện cũng được lựa chọn, đăng trong cuốn sách "Dân vận khéo trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" do Ban Dân vận Thành ủy phát hành.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Sóc Sơn đã tổ chức 81 cuộc đối thoại định kỳ, trong đó có 78 hội nghị cấp xã với tổng số 1.009 ý kiến; 3 hội nghị đối thoại cấp huyện với tổng số 100 ý kiến. Đặc biệt, đã có hơn 40 cuộc đối thoại đột xuất nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trên địa bàn huyện…
Phát biểu kết luận, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai công tác dân vận trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị huyện, công tác dân vận của Đảng bộ huyện Sóc Sơn đã góp phần tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của huyện những năm qua.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn đề nghị huyện Sóc Sơn tập trung triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận, cần xác định công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức. Công tác dân vận không chỉ là yêu cầu, nhiệm vụ, mà còn là nhu cầu tự thân, là giải pháp quan trọng để lãnh đạo và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ và cần được triển khai đồng thời, đồng bộ với các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và kiểm tra, giám sát.
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn cũng đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 1-10-2021 của Thành ủy về “Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước”, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” và Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Dân vận Thành ủy; chú trọng thực hiện công tác dân vận chính quyền, tập trung vào việc nâng cao chỉ số xếp hạng cải cách hành chính của huyện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp; gắn với tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trưởng ban Dân vận Thành ủy cũng đề nghị huyện Sóc Sơn tiếp tục mở rộng và phát huy mạnh mẽ dân chủ ở cơ sở, gắn với rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư. Cùng với đó, cần tăng cường sử dụng mạng xã hội, các loại hình truyền thông hiện đại để tuyên truyền, phổ biến một cách nhanh nhất các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thành phố đến đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” để thực sự trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), 25 năm Thủ đô Hà Nội được vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” và thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 19-2-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, tạo không khí phấn khởi, tự hào trong cán bộ, đảng viên, nhân dân… góp phần xây dựng huyện Sóc Sơn thành Thành phố phía Bắc Hà Nội theo định hướng phát triển của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.