(HNM) - Thực phẩm chức năng (TPCN) được quảng cáo rầm rộ là sản phẩm có tác dụng tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ bảo vệ sức khỏe và giúp làm đẹp. Nhưng, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng loạt vụ việc sai phạm về an toàn thực phẩm liên quan tới TPCN.
Quảng cáo đánh lừa người tiêu dùng
Trong tháng 1-2015, nhiều vụ sai phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng tại TP Hồ Chí Minh đã bị Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xử phạt. Điển hình, Công ty TNHH Thương mại Thiên Lộ (phường 1, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh), quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Viên nang Vimudium trên tờ rơi gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Tương tự, Công ty TNHH MTV Vitex Nutrition Việt Nam, địa chỉ: số 51 Nguyễn Văn Đừng, phường 6, quận 5, TP Hồ Chí Minh đã đăng quảng cáo lên trên website Vitexnutrition.com.vn có nội dung dễ gây hiểu lầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Công ty cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), đăng quảng cáo sản phẩm TPCN Happyxoang trên website hoathienphu.com.vn khi chưa được Cục ATTP xác nhận nội dung.
Đoàn công tác của Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh kiểm tra TPCN của Công ty Anh Khang ghi sai nội dung trên bao bì. |
Theo quy định, muốn quảng cáo TPCN phải ghi rõ trên bao bì "Sản phẩm không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng nhiều công ty đã cố tình không đưa nội dung này, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh. Theo thống kê của Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, 17% cơ sở kinh doanh, sản xuất TPCN được kiểm tra thực hiện không đúng nội dung quảng cáo, 35% cơ sở chưa thực hiện đúng nội dung ghi nhãn so với hồ sơ công bố.
Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh, còn phát hiện 11,5% cơ sở sản xuất TPCN chưa đáp ứng yêu cầu ATVSTP. Điển hình, trong sản phẩm TPCN Kim Bảo Thuận Nam 1 new có chứa chất kích dục Tadanafi, seldennafil. Nếu sử dụng không theo chỉ dẫn của bác sĩ, chất này có thể làm tăng huyết áp, đau tim thậm chí đột quỵ. Đáng lo ngại hơn, đoàn kiểm tra còn phát hiện TPCN Angunguhwanghwan nhập khẩu từ Hàn Quốc có hàm lượng thủy ngân và thạch tín (Asen) vượt quá mức quy định, có thể dẫn đến ung thư.
Cần định hướng cho người tiêu dùng TPCN là mặt hàng được sản xuất, kinh doanh rộng rãi trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc quản lý TPCN cũng đang là mối lo ngại chung trên toàn thế giới. Ở nước ta, mặc dù hệ thống pháp luật về quản lý TPCN có tương đối đầy đủ với: Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo, Thông tư số 43/2014 của Bộ Y tế quy định về quản lý TPCN. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Y tế và các ban, ngành liên quan chưa ban hành thông tin hướng dẫn sử dụng sản phẩm TPCN. Người tiêu dùng đang phải "tự bơi" giữa thị trường TPCN vàng, thau lẫn lộn.
Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 279 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN, 103 công ty dược cùng gần 4.000 nhà thuốc kinh doanh TPCN. Trên phạm vi toàn quốc có đến 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất TPCN, với 10.000 chủng loại. Để tiêu thụ số lượng TPCN khổng lồ này, các đơn vị sản xuất và kinh doanh TPCN chi bội tiền cho hoạt động quảng cáo. Bà Phan Thị Việt Thu - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Sự phát triển của các loại TPCN là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe và ngăn ngừa một số loại bệnh nhưng cần phải có biện pháp quản lý để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tránh nạn hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mới đây, trong cuộc hội thảo về TPCN do Mặt trận tổ quốc TP Hồ Chí Minh tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng: Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thông tư liên tịch về việc kiểm soát các nội dung đăng tin trong lĩnh vực quảng cáo, thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin như báo, đài, hệ thống trang mạng internet. Bộ Y tế cũng cần sớm ban hành những quy định cụ thể về việc tư vấn sử dụng TPCN cho các cơ sở sản xuất và kinh doanh, để ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai, không đúng sự thật về TPCN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.