Sức khỏe

"Tiền mất tật mang" với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng "rởm"

Bảo Ngọc 08/01/2024 - 06:19

Mỹ phẩm, thuốc bổ, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho sức khỏe của người sử dụng. Đáng lo ngại, mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện một cơ sở sản xuất chuẩn bị "tuồn" ra thị trường 40 tấn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả.

chuc-nang.jpg
Một trong số thực phẩm chức năng giả bị thu giữ tại thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, ngày 26-12-2023.

Mỹ phẩm, thuốc bổ sản xuất tại... trại gà

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện lượng lớn mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da và thực phẩm chức năng được dán nhãn, tem mác thương hiệu nước ngoài. Cùng với đó, hệ thống sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ có các nhãn hiệu như Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol... có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện hơn 6.200 hộp thành phẩm dán nhãn Vitamin E Cream trên nhãn ghi "Made in Australia"; 828 lọ Gamma Linolenicacid Evening Primrose Oil ghi xuất xứ Canada; 450 hộp Ultra-V Premium Peeling ghi "Made in Korea"... cùng một lượng lớn các lọ nhựa, hộp đựng, tem nhãn và hàng tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc dùng cho việc sản xuất nằm ngổn ngang trên nền đất. Đây là một cơ sở sản xuất mỹ phẩm và thực phẩm chức năng “rởm” lớn “núp bóng” một trang trại gà thuộc địa bàn thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Không chỉ có vụ việc này, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng liên tiếp thu giữ số lượng lớn các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hàng giả, hàng nhái. Hầu hết các sản phẩm này "đánh" vào tâm lý người tiêu dùng hiện rất ưa chuộng các loại mỹ phẩm làm đẹp retinol với công dụng trẻ hóa làn da hoặc các loại thực phẩm giảm cân, thực phẩm bổ não, thực phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ như các loại thuốc bổ sung collagen, viatmin E, thuốc bổ dành cho người già... Các đối tượng đã thành lập các xưởng sản xuất, gia công các loại mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được ưa chuộng để bán ra thị trường nhằm trục lợi với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Sau khi hàng hóa được sản xuất, các đối tượng xây dựng hệ thống đội ngũ nhân viên thị trường đông đảo tiếp cận các nhà thuốc, phòng khám, đại lý thuốc tân dược để bán sản phẩm. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, YouTube... để quảng cáo, chào bán các mặt hàng này.

Tránh “tiền mất tật mang” vì ham giá rẻ

Trước thông tin hàng tấn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, nhái bị phát hiện, nhiều người rất hoang mang lo lắng vì các loại mỹ phẩm, thuốc bổ được thu giữ nói trên đều đang là những mặt hàng “hot” được ưa chuộng.

Chị Ngọc Ly (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Hình ảnh hàng nghìn lọ sản phẩm thuốc bổ, mỹ phẩm bị cơ quan công an thu giữ và xử lý khiến tôi rất lo lắng. Một số loại như thuốc bổ sung collagen, vitamin hay kem retinol hiện tôi cũng đang sử dụng. Trước đây, tôi thường mua các sản phẩm này ở hiệu thuốc hoặc các cửa hàng đại lý chính hãng với mức giá khá cao. Tuy nhiên, gần đây, tôi thấy các mặt hàng này được quảng cáo trên mạng xã hội Facebook hay các chợ “ảo” với mức giá khuyến mại rẻ hơn hẳn, thậm chí có những đợt sale đến 50%. Tâm lý người tiêu dùng thích giảm giá, khuyến mại nên tôi cũng lựa chọn mua trên mạng. Khi nhận được hàng kiểm tra cảm quan hình thức nhãn mác đôi khi có khác biệt với những sản phẩm tôi mua trước đó nhưng người bán giải thích là do hãng đổi mới bao bì hoặc do lô sản xuất khác nhau nên bao bì cũng có thay đổi”.

Nếu các sản phẩm nhập khẩu chính hãng có giá bán rất cao, nhiều sản phẩm lên đến vài triệu đồng thì hàng giả giá chỉ bằng một nửa, thậm chí rẻ hơn nhiều lần. Đồng thời, trên các trang mạng còn rao bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng mang mác "hàng xách tay" với khuyến mãi “cực sốc” giảm giá 20 - 80% cùng vô vàn ưu đãi cực kỳ hấp dẫn. Điều này đã đánh vào tâm lý thích mua hàng rẻ của nhiều người.

Trong khi đó, không ít người tiêu dùng lại thiếu hiểu biết về những sản phẩm này, dẫn đến mua phải hàng giả, hàng nhái. Nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả cho sức khỏe một cách dài lâu, các chuyên gia đưa lời khuyên cần thận trọng trong việc lựa chọn mỹ phẩm, các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng và chỉ nên sử dụng sản phẩm có chất lượng tốt của các thương hiệu uy tín, lựa chọn mua tại các đại lý chính hãng.

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) cho rằng: “Các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp công nghệ để giúp người tiêu dùng và nhà quản lý dễ dàng nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ hình ảnh nhà sản xuất và sản phẩm của mình, chống giả mạo. Ngoài ra, với việc công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì cần nghiên cứu, phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả, hàng nhái”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Tiền mất tật mang" với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng "rởm"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.