Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sở hữu chéo có thực sự nguy hiểm?

Thế Phương| 16/10/2014 05:53

(HNM) - Một trong nhiều vấn đề được cử tri quan tâm trước kỳ họp thứ tám của Quốc hội (dự kiến khai mạc vào ngày 20-10 và bế mạc ngày 29-11) là sở hữu chéo và sở hữu có tính lũng đoạn trong hoạt động ngân hàng khi tiến hành tái cơ cấu hệ thống đang có rất nhiều vấn đề này.



Nhiều ý kiến cho rằng: Sở hữu chéo vẫn tiếp tục là vấn đề phức tạp ở khối ngân hàng thương mại cổ phần. Và điều đáng lo ngại nhất chính là tình trạng các ngân hàng cổ phần sở hữu lẫn nhau và tình trạng "ông chủ" ngân hàng kiêm luôn "ghế" chủ tịch các công ty con. Như vậy, không ít nợ xấu thuộc về chính các "ông chủ" ngân hàng - ngân hàng là chủ nợ nhưng cũng là con nợ và họ hoàn toàn có thể biến nợ xấu ngắn hạn thành nợ xấu trung, dài hạn... Nhận định nêu trên không phải không có cơ sở, vấn đề lúc này là đánh giá đúng về tình trạng sở hữu chéo trong toàn bộ hệ thống để có giải pháp xử lý phù hợp gắn với tái cơ cấu ngân hàng.

Trước hết, có thể nói sở hữu chéo, đầu tư chéo không phải là chuyện riêng của hệ thống Ngân hàng Việt Nam mà là vấn đề với nhiều hệ thống tài chính, tổ chức tín dụng trên thế giới. Trong mắt giới chuyên gia tài chính, ngân hàng, sở hữu chéo là hệ quả tất yếu của quá trình tái cơ cấu, bởi nếu không có "ông chủ" mới, ngân hàng không thể có nguồn vốn mới để tái cơ cấu. Nói thế để thấy sở hữu chéo không đáng ngại, lo ngại nằm ở những "nhập nhằng" đằng sau vấn đề này. Thực tế, quy mô sở hữu chéo trực tiếp trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam không lớn, nhưng lại vô cùng phức tạp. Đây là "chất xúc tác" tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất… tác động tiêu cực đến hoạt động của cả hệ thống. Đây cũng chính là một lực cản đối với quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng...

Do vậy, kiểm soát sở hữu chéo, đầu tư chéo là hết sức cần thiết. Hiện tại rất khó để có thể bóc tách hết "các kiểu" sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Thế nhưng, việc làm rõ tình trạng sở hữu của các cổ đông lớn; yêu cầu họ thoái vốn về mức quy định; đồng thời loại bỏ các cổ đông không có năng lực tài chính… là hoàn toàn có thể làm được. Xác định rõ nguồn tiền của các cổ đông tham gia tái cơ cấu ngân hàng sẽ làm "sạch" dòng tiền và tránh được tình trạng mang tiền của ngân hàng này đi "tái cơ cấu" ngân hàng khác. Như vậy, không chỉ giảm thiểu hệ lụy cho toàn bộ hệ thống mà còn thúc đẩy tiến trình minh bạch hóa - một điểm yếu của hoạt động ngân hàng.

Theo thông tin từ ngành ngân hàng, sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn trong phạm vi an toàn. Một danh sách "đen" về sở hữu chéo đã được đưa ra nhưng "ném chuột không để vỡ bình" là chuyện không đơn giản bởi nó liên quan đến cả hệ thống. Do vậy, "Quá trình xử lý sở hữu chéo sẽ được thực hiện song song với quá trình tái cơ cấu ngân hàng, minh bạch hóa quản trị. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã nắm bắt được một số ông chủ sở hữu nhiều ngân hàng và đang tiến hành bóc tách từng bước một, với quan điểm thận trọng" - Một vị lãnh đạo ngành ngân hàng nói. Hy vọng với những nỗ lực từ nhiều phía, việc tái cơ cấu gắn với minh bạch hóa hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ "thuận buồm xuôi gió" và sở hữu chéo không còn là vấn đề gây lo ngại trong dư luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở hữu chéo có thực sự nguy hiểm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.