Văn hóa

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nguồn cảm hứng bất tận

Đức Tâm 05/05/2024 09:23

Đã 70 năm qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ, chắp cánh cho nhiều tên tuổi trở thành "tượng đài” trong nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Song, trong bối cảnh hiện nay, việc khai thác đề tài này gặp nhiều khó khăn, nhất là với các văn nghệ sĩ trẻ. Kỳ vọng về những tác phẩm mang âm hưởng chiến thắng vượt thời đại khiến giới sáng tạo trăn trở.

dien-bien-phu-1.jpg
Một phần bức tranh panorama có diện tích khoảng 3.000m2 do hơn 200 họa sĩ thực hiện tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Ngọc Hà

Sừng sững “tượng đài nghệ thuật”

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là cảm hứng sáng tác lớn của các văn nghệ sĩ; nhiều tác phẩm ra đời trước, trong và sau chiến dịch được ví như những tượng đài nghệ thuật.

Về âm nhạc, tiêu biểu có Đỗ Nhuận, Hoàng Vân. Cuối năm 1953, nhạc sĩ Đỗ Nhuận lên Tây Bắc và cho ra nhạc phẩm “Đâu có giặc là ta cứ đi”, sau đổi thành “Hành quân xa” với những ca từ hừng hực quyết tâm: “Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Chiều 13-3-1954, khi cứ điểm Him Lam thất thủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết bài hát “Trận Him Lam". Chiến dịch thắng lợi, Đỗ Nhuận có ngay ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”. Tác phẩm như một khúc khải hoàn ca bừng bừng khí thế: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”. Trong giai đoạn diễn ra chiến dịch, nhạc sĩ Hoàng Vân đã cho ra đời "Hò kéo pháo" trầm hùng dựa trên âm hưởng dân ca xứ Thanh. Hiện nay, 70 năm đã qua nhưng nhắc đến Điện Biên Phủ thì không thể không nhắc đến “Hò kéo pháo”.

Về thơ, trong số tác phẩm tiêu biểu ngợi ca chiến thắng Điện Biên Phủ có bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu. Đây là một trong những bài thơ ra đời sớm nhất sau chiến thắng. Bài thơ có tiết tấu nhanh, mạnh, khỏe ào ào như sóng reo, thác cuốn, lửa cháy và bão táp. Câu, chữ trong thơ dân dã, dễ hiểu, mang hàm lượng thông tin, tính thời sự rất cao. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đánh giá thi phẩm "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" là bản anh hùng ca lịch sử.

Về hội họa, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các họa sĩ đã ghi lại cuộc chiến bằng óc sáng tạo và đôi tay tài hoa thông qua những mảng màu và hình khối đầy cá tính. Đáng kể trong số này là sáng tác của Tô Ngọc Vân với bộ tranh ký họa về bộ đội, như “Trên đường Điện Biên”, “Đèo Lũng Lô”, “Hành quân qua suối”, “Đường mới mở”… Đặc biệt là sáng tác "Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ" của họa sĩ Nguyễn Bích. Ông đã chọn thể hiện hình ảnh anh lính bộ binh - lực lượng chính tham gia chiến dịch; có lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng”; có khẩu pháo, có núi bao quanh - thể hiện địa hình của lòng chảo Mường Thanh, và tất cả được đặt trên nền cánh đồng màu vàng rực rỡ - thể hiện sự đóng góp sức người sức của của nhân dân vào chiến dịch.

Sau chiến thắng, với cảm hứng bất tận từ chiến dịch Điện Biên Phủ, các văn nghệ sĩ tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm hay. Tiêu biểu là tiểu thuyết "Bốn năm sau" (Nguyễn Huy Tưởng), truyện "Mùa lạc"; "Chuyện người tổ trưởng máy kéo", "Đứa con nuôi" (Nguyễn Khải); "Cao điểm cuối cùng" (Hữu Mai)...

Đa dạng góc nhìn

Về đề tài Điên Biên Phủ, lúc đầu, đa số văn nghệ sĩ dựng lại vẻ bi tráng, dũng cảm của những người lính trận, những vị chỉ huy tài ba. Nhiều tác phẩm được thai nghén từ chiến hào, ra đời ngay sau chiến tranh mà nhân vật là nguyên mẫu trong cuộc chiến. Tuy nhiên, cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, một loạt tác phẩm về Điện Biên ra đời nhưng nội dung thể hiện đã chuyển dần sang cảm hứng về lịch sử - hiện tại - tương lai, đa diện hơn. Đời sống tinh thần của người lính được thể hiện đa dạng hơn; có cả hình ảnh kẻ thù, nhân vật phản diện, cuộc sống của người dân trong sự kìm kẹp của kẻ thù... Như ở vở kịch "Bài ca Điện Biên", những vấn đề của cuộc chiến đã được “khúc xạ” qua câu chuyện về tình yêu, cuộc sống.

PGS.TS Phạm Quang Long từng nhấn mạnh: Các văn nghệ sĩ viết về Điện Biên Phủ không phải vì cuộc chiến lớn và khốc liệt nhất, tốn kém nhất mà vì ở cuộc chiến ấy họ nhìn thấy một tinh thần Việt Nam mới, một khí thế mới, một tâm thức mới của những người dân chiến đấu vì sự tồn vong của Tổ quốc mình. Tinh thần ấy có cả ở người lính lẫn các vị tướng lĩnh, chỉ huy, ở nhân dân và các lực lượng phục vụ chiến dịch.

Trong 70 năm qua, cảm hứng sáng tác về Điện Biên Phủ vẫn âm ỉ cháy và bùng phát mạnh vào các dịp kỷ niệm 40, 50 năm và 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ở giai đoạn này, ngoài thơ, nhạc, văn xuôi, hội họa, Điện Biên Phủ còn là cảm hứng bất tận cho các thể loại phim tài liệu, truyền hình và cả phim hoạt hình.

Nhiều bộ phim về Điện Biên Phủ đã được công chiếu, trong đó có những tác phẩm gây ấn tượng mạnh, như “Điện Biên Phủ” của đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi; bộ phim “Điện Biên Phủ” do cựu chiến binh Pháp Pierre Schoendoerffer đạo diễn, viết kịch bản. Đặc biệt là bộ phim tài liệu nghệ thuật “Việt Nam” của đạo diễn Roman Karmen; “Điện Biên Phủ - Cuộc chiến giữa hổ và voi” của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền và phát sóng vào tháng 5-2009...

Ở thể loại phim truyện, có thể kể đến “Hoa ban đỏ” (đạo diễn Bạch Diệp), bộ phim truyền hình “Đường lên Điện Biên” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng)... Tới đây, Điện ảnh Quân đội nhân dân tiếp tục cho ra mắt bộ phim “Bài ca Điện Biên”, giới thiệu đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội gắn bó với Điện Biên như Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Dũng Hà, Huy Toàn, Nguyễn Thụ, Phạm Thanh Tâm... cùng nhiều nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên. Tác phẩm hứa hẹn cho khán giả một cái nhìn toàn diện về mũi tiến công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa ở chiến trường khốc liệt này.

dien-bien-phu-1a.jpg
Tiết mục nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội.

Cảm hứng Điện Biên ở tầm vóc mới

Trong nhiều tháng qua, hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hoạt động sáng tác đã được đẩy mạnh. Nhà hát Quân đội gấp rút tập luyện vở kịch nói “Điện Biên vẫy gọi” (đạo diễn NSND Lê Hùng). Các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đang hoàn thiện chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên”, tái hiện chiến thắng chấn động địa cầu dưới hình thức mới lạ. Đặc biệt, bộ phim hoạt hình “Lời hứa Điện Biên” và “Chiếc xe thồ Điện Biên” của Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã hoàn tất, dự kiến công chiếu vào ngày 7-5.

Bên cạnh đó, việc sáng tác nhạc, họa, truyện ngắn… về Điện Biên cũng có những bước phát triển. Đáng kể là bức tranh toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ với 4 trường đoạn: “Toàn dân ra trận”, “Khúc dạo đầu hùng tráng”, “Cuộc đối đầu lịch sử” và “Chiến thắng”. Bức tranh panorama hơn 3.000m2 tái hiện 4.500 nhân vật, được hơn 200 họa sĩ sáng tác. Đây là một trong những tác phẩm hội họa lớn nhất thế giới vẽ về đề tài chiến tranh, tạo nên một pho sử hoành tráng, sống động bằng tranh về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tuy vậy, có thể thấy, cùng với độ lùi thời gian, việc sáng tác các tác phẩm về Điện Biên Phủ của các văn nghệ sĩ trẻ gặp không ít khó khăn. Thực tế cuộc sống, cách thức sinh hoạt, ăn mặc, suy nghĩ của con người thời nay đã có sự thay đổi quá lớn so với trước. Các văn nghệ sĩ tiền bối đã ở trong lòng cuộc chiến khi xưa, họ có cơ hội gặp những nguyên mẫu chiến đấu dũng cảm và sáng tác nhiều tác phẩm sống động, rất hay. Điều này khiến các văn nghệ sĩ trẻ khó có thể vượt qua nếu không chịu tìm tòi đề tài, cách thể hiện mới và cảm hứng chỉ mang tính nửa vời, không đủ lớn.

Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm là cảm hứng sáng tác bất tận cho văn nghệ sĩ nhiều thế hệ, và thực tế công chúng đã được tận hưởng những tác phẩm được ví như tượng đài nghệ thuật về chiến thắng vĩ đại này. Đây chính là thách thức lớn nhất với thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hiện nay, thúc giục họ tìm ra cách thoát khỏi “cái bóng” của cha anh để viết tiếp những tác phẩm xứng tầm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Những văn nghệ sĩ trẻ ở thế hệ sau dù tâm huyết, nặng lòng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, song mong muốn có một tác phẩm xứng tầm là rất khó. Bởi ngoài tâm huyết, họ phải thường xuyên nuôi dưỡng đam mê, ý tưởng và tìm, chắt lọc thông tin, đặc biệt là những gì chưa hoặc ít đề cập. Ngoài ra, họ còn phải có sự dũng cảm, đừng nhìn những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao ra đời trước đó là rào cản. Chỉ khi văn nghệ sĩ trẻ thật sự tâm huyết với Điện Biên và thực sự say mê thì chắc chắn họ sẽ mở cho mình con đường và xã hội sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm hay của họ về Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

(Nhà thơ Hữu Thỉnh)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nguồn cảm hứng bất tận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.