Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ tập trung thực hiện cơ chế “Công tố song hành điều tra”

Tiến Thành| 17/03/2023 08:40

(HNMO) – Tại Báo cáo số 27/BC-VKSTC về một số nội dung liên quan đến 4 nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định, trong hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, vẫn còn nguồn tin về tội phạm, vụ án hình sự đang tạm đình chỉ do đối tượng bị điều tra là người có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực tư pháp nên việc đấu tranh với đối tượng này rất khó khăn.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí.

Báo cáo cho biết, trong thời gian qua, kết quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã đạt kết quả tích cực như kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận quan tâm, không để xảy ra trường hợp oan thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Chỉ tính riêng hai năm 2021, 2022, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã thụ lý giải quyết 299 nguồn tin về tội phạm; đã giải quyết 249 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thụ lý điều tra 94 vụ với 114 bị can; đã xử lý, giải quyết 76 vụ, với 97 bị can, đạt tỷ lệ 80,9%.

Tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt 73,6% (vượt 3,6% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội); tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 96%, (vượt 6% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng đạt 72,2% (vượt 12,2% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội); ban hành 139 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan xử lý cán bộ vi phạm và áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm; trong đó, có 3 kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhiều biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án và được các cơ quan tiếp thu, thực hiện.

Tuy nhiên, hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vẫn còn hạn chế như còn nguồn tin về tội phạm, vụ án hình sự đang tạm đình chỉ do đối tượng bị điều tra là người có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực tư pháp, nên việc đấu tranh với đối tượng này rất khó khăn. Đa số các vụ việc do Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thụ lý đều liên quan đến kết quả giải quyết của các cơ quan tố tụng khác (như phải căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án, công tác kê biên, định giá tài sản...) để xác định hậu quả, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm... nên ảnh hưởng đến thời hạn điều tra.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu; Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao là Cơ quan điều tra chuyên trách nhưng chưa được trang bị phương tiện, trang thiết bị làm việc như Cơ quan điều tra trong Công an và Quân đội.

Về giải pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ tập trung thực hiện cơ chế “Công tố song hành điều tra” ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra thực hiện 7 hoạt động điều tra bắt buộc Kiểm sát viên phải tham gia; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, chủ động đề ra yêu cầu điều tra, phúc cung trong giai đoạn truy tố để thẩm định, đánh giá chứng cứ; bảo đảm yêu cầu không để xảy ra oan, lọt hoặc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại.

Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra phân loại, phân hóa sâu đối với bị can và các đối tượng có liên quan, bảo đảm việc khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế có căn cứ, đúng pháp luật; chứng minh đúng bản chất vụ án; bảo đảm công bằng, nhân văn trong xử lý, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng căn cứ vào nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế để giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành Kiểm sát là thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra tội phạm như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Theo chương trình tổ chức hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 20-3, đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ tập trung thực hiện cơ chế “Công tố song hành điều tra”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.