Mặc dù đã có cảnh báo về các ca bệnh nhân tử vong do tự ý truyền dịch tại nhà, nhưng nhiều người vẫn có suy nghĩ có thể tự truyền đạm khi cơ thể mệt mỏi hoặc truyền "đạm hoa quả" (các dung dịch vitamin) để đẹp da, tăng cường sức khỏe. Không ít người còn có quan niệm sai lầm rằng truyền dịch không hại cho sức khỏe, ai cũng có thể truyền được.
Hễ mệt lại... truyền
Nhiều người thường có suy nghĩ, cứ mệt, sốt thì truyền dịch sẽ giúp mình nhanh khỏe hơn. Từ đó, truyền dịch trở thành phương pháp chữa bệnh rẻ, nhanh, dễ thực hiện bởi có thể tự ý thực hiện ngay ở nhà thông qua các hướng dẫn trên... internet, hoặc nhờ các y tá, điều dưỡng nhận tiêm truyền tại nhà, đến các phòng khám tư nhân gần nhà mà không cần khám, chữa bệnh hay thực hiện các xét nghiệm tại bệnh viện.
Truyền dịch là truyền dung dịch chứa chất có lợi và thuốc vào tĩnh mạch cơ thể bệnh nhân. Đây là quy trình kỹ thuật điều dưỡng thường sử dụng trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể truyền và đặc biệt là không được lạm dụng.
Kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng chỉ định thì dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn và trực tiếp với tốc độ nhanh nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù...
Dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không "chịu" như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. Một số bệnh viện đã ghi nhận các bệnh nhân sốc phản vệ tử vong do tự ý truyền dịch tại nhà, tại các phòng khám tư nhân... Khi tự ý truyền dịch tại nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh như viêm gan B, viêm gan C, HIV/AIDS... nếu kỹ thuật truyền không đúng, không đảm bảo vô trùng. Nhiễm trùng máu cũng là một tai biến nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong, nếu không được điều trị kịp thời.
Hậu quả khôn lường
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ: “Việc tự ý truyền đạm tại nhà là thói quen rất nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng”.
Đơn vị này từng tiếp nhận điều trị một bệnh nhân 34 tuổi thường xuyên có thói quen tự ý truyền "đạm hoa quả" tại nhà, hễ ngày nào cảm thấy mệt mỏi là truyền hết một chai "đạm hoa quả". Mỗi lần truyền xong bệnh nhân cảm thấy tỉnh táo nên càng lạm dụng việc truyền dịch. Sau đó, bệnh nhân này xuất hiện đau ngực trái kèm khó thở, đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khám thì có chẩn đoán sốc phản vệ, kèm các biến chứng viêm cơ tim và suy tim. Bệnh nhân cho biết, cơn đau đã diễn biến được khoảng 10 ngày, đau liên tục và tăng lên khi đi lại, vận động. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện các đánh giá cận lâm sàng cần thiết. Trong đó, kết quả chụp MRI tim cho thấy những vấn đề nghiêm trọng bao gồm hình ảnh giảm tưới máu cơ tim và xơ hóa rải rác nhiều ổ vùng vách liên thất và thành dưới thất trái; giảm vận động và sức căng cơ tim nhiều vùng thất trái; chức năng tâm thu thất trái còn bảo tồn (chỉ số chức năng bơm máu của tim còn 52%).
Điều đáng nói, trong quá trình thăm khám và hỏi bệnh, bệnh nhân cũng cho biết từng cấp cứu sốc phản vệ do tự ý truyền đạm tại nhà. Bệnh nhân được kết luận suy tim EF bảo tồn do viêm cơ tim sau sốc phản vệ. Ngay lập tức, các chuyên gia tiến hành hội chẩn ca bệnh, tư vấn hướng điều trị và theo dõi phù hợp cho bệnh nhân.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh khuyến cáo, việc tiêm, truyền các loại dịch, trong đó có đạm vào cơ thể nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lưỡng lượng truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền thích hợp. Việc tự ý truyền dịch mà không có ý kiến của bác sĩ, hoặc truyền sai cách sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ, tử vong.
Sốc phản vệ là tình trạng y khoa vô cùng nghiêm trọng, có thể gây ra tình trạng tắc đường thở, khiến người bệnh không thở được. Đây cũng là yếu tố khiến tim có thể ngừng đập do huyết áp giảm khiến tim không nhận đủ oxy. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh cho biết, các nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm đã chỉ ra rằng các chất trung gian gây viêm trong phản vệ có thể gây ra tổn thương động mạch vành và cơ tim, đồng thời gây ra hàng loạt các hệ lụy cho sức khỏe tim mạch như sốc tim (tim không bơm đủ máu cho cơ thể); loạn nhịp tim (nhịp tim quá nhanh, hoặc quá chậm); nhồi máu cơ tim; viêm cơ tim; suy tim; trụy tim.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.