Điểm đến

Theo dấu chân Bác ở Hong Kong

Hoàng Trần 19/05/2024 - 12:10

Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến nhiều vùng đất. Nơi nào cũng lưu lại những dấu ấn đặc biệt về quá trình hoạt động cách mạng của Người. Một trong những nơi ghi dấu ấn với những câu chuyện ly kỳ cùng tình bạn thân thiết, cảm động giữa Bác với những người bạn nước ngoài là xứ Cảng Thơm - Hong Kong (Trung Quốc).

638512344471674627-sung_wong_toi_garden_view_202004.jpg
Công viên Tống Hoàng Đài từng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn với cách mạng Việt Nam và Bác Hồ.

Từ vụ án nổi tiếng đến tình bạn cao quý

Cuộc đời hoạt động cách mạng ở hải ngoại của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kéo dài 30 năm (1911 - 1941). Người đã đi qua các nước như Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô (nay là Cộng hòa Liên bang Nga), Thái Lan, Trung Quốc... để tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập cho đất nước.

Giai đoạn 1930 - 1933 là thời gian Nguyễn Ái Quốc (lúc này Người lấy tên là Tống Văn Sơ) hoạt động và bị giam cầm ở Hong Kong (Trung Quốc). Thời gian ở đây tuy ngắn nhưng để lại những câu chuyện ly kỳ, cảm động giữa Người với gia đình luật sư người Anh Francis Henry Loseby.

Sau khi thống nhất ba tổ chức Đảng ở Đông Dương trở thành Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) tại bán đảo Cửu Long (Hong Kong, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đi Xiêm (Thái Lan), Malaysia, Singapore, rồi trở về Thượng Hải để giúp các đồng chí Việt Nam tổ chức phong trào cách mạng. Tiếp đó, Người trở lại Hong Kong và thuê một căn phòng trên tầng 2 của ngôi nhà số 186 phố Tam Kung dưới cái tên Tống Văn Sơ. Cùng ở với Người còn có một thiếu niên tên Lý Phương Thuận. Để làm ám hiệu cho các đồng chí đến nhận chỉ thị, giao tài liệu, Bác căng một sợi dây ra phố để phơi khăn. Nếu khăn phơi ngay ngắn có nghĩa là an toàn. Nếu khăn xô lệch là có biến.

Sáng sớm ngày 6-6-1931, khi đang rửa mặt, còn chưa kịp phơi khăn thì cảnh sát ập vào bắt đồng chí Tống Văn Sơ cùng Lý Phương Thuận đưa về Sở Cảnh sát Hong Kong. Sau đó, đồng chí Tống Văn Sơ bị giam tại nhà tù Victoria. May mắn là, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã tìm gặp một luật sư tiến bộ người Anh tên là Francis Henry Loseby để nhờ ông bảo vệ đồng chí Tống Văn Sơ. Ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, vị luật sư này đã có thiện cảm với người thanh niên phương Đông “gày gò, da tái mét nhưng có đôi mắt sáng trên một vầng trán rộng” và có khả năng nói tiếng Anh lưu loát, thông minh. Vì thế, ông đã nhận lời giúp Tống Văn Sơ mà không đòi hỏi bất cứ khoản tiền thù lao nào.

Với sự hỗ trợ của 2 người bạn, luật sư Loseby đã chuẩn bị những lý lẽ, chứng cứ sắc bén nhằm bảo vệ thân chủ của mình trước việc chính quyền Hong Kong và cảnh sát Anh vi phạm pháp luật trong quá trình bắt giữ, hỏi cung và trục xuất Tống Văn Sơ... Trải qua 9 phiên tòa xét xử kéo dài từ ngày 31-7 đến 12-9-1931, Tống Văn Sơ vẫn phải ngồi tù nhưng chưa bị trục xuất về Đông Dương.

Với sự giúp đỡ của luật sư Loseby, Tống Văn Sơ làm đơn chống án lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh. Ngày 28-12-1932, chính quyền Hong Kong phải phóng thích cho Tống Văn Sơ và cấp 400 USD chi phí đi lại. Nhưng khi đến Singapore, cảnh sát địa phương lại lấy cớ bắt giam Tống Văn Sơ và trao trả cho Hong Kong. Người tiếp tục bị giam với lý do “đến Hong Kong không có giấy phép”. Ngay khi nhận được tin báo, luật sư Loseby đã khéo léo nhờ Thống đốc Hong Kong can thiệp để Tống Văn Sơ được thả với điều kiện phải ra khỏi Hong Kong trong vòng 3 ngày. Lần này, gia đình luật sư Loseby đã giúp Tống Văn Sơ cải trang thành một nhà thầu khoán người Trung Quốc lên tàu tới Hạ Môn (Trung Quốc) vào ngày 25-1-1933. Từ đây, Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc đi Thượng Hải, sang Liên Xô và tiếp tục quá trình hoạt động cách mạng của mình.

Sau khi về nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã vài lần tìm cách liên lạc với gia đình luật sư Loseby, nhưng vì lo cho an toàn của Bác nên ông Loseby đã không hồi âm. Phải tới 27 năm sau, vào năm 1960, ở cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp mời gia đình vị ân nhân của mình sang thăm Việt Nam. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Bác và gia đình ông Loseby được duy trì đều đặn, ấm áp.

“Vụ án Hong Kong” năm 1931 đã trở thành một trong những vụ án ly kỳ nhất trong lịch sử thế giới, nhưng qua đó có thể thấy bản lĩnh sáng ngời của một người cộng sản kiên trung và những tình cảm tốt đẹp mà nhân dân thế giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tìm dấu ấn xưa

Ngày nay, Hong Kong đã trở thành một trung tâm thương mại, tài chính lớn của thế giới với những tòa nhà chọc trời hiện đại, những đường phố sầm uất, đông đúc khách du lịch. Cuộc sống hiện tại ít nhiều đã xóa đi những dấu vết của quá khứ nhưng vẫn còn đó những di tích liên quan đến Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ. Chẳng hạn như, con phố Tam Kung hiện chỉ kéo dài đến số nhà 148 bởi từ năm 1969, chính quyền Hong Kong đã cho phá bỏ một đoạn phố Tam Kung để mở đại lộ Olympic. Vì thế, ngôi nhà số 186 Tam Kung nơi Bác từng ở nay đã trở thành đại lộ Olympic.

Nhà tù Victoria - nơi Bác bị giam giữ, nay đã được cải tạo thành bảo tàng và là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Hong Kong. Vào dịp sinh nhật Bác hằng năm (19-5), những người Việt hiện đang học tập, sinh sống và làm việc tại Hong Kong đều tới thăm di tích này để ôn lại những bài học lịch sử của dân tộc gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một di tích khác có liên quan đến Nguyễn Ái Quốc là Công viên Tống Hoàng Đài. Đây là nơi diễn ra các sự kiện lớn gắn với cách mạng Việt Nam như nơi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930), nơi tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (10-1930)... Ngày nay, trong công viên vẫn còn tảng đá khắc 3 chữ “Tống Hoàng Đài” như nhắc nhở người dân về lịch sử tồn tại qua nhiều thế kỷ của nơi này.

Những di tích trên nếu được quan tâm, cắm biển chỉ dẫn sẽ trở thành những điểm tham quan thú vị, có giá trị về lịch sử và là tài sản tinh thần vô giá giữa nhân dân hai nước Việt - Trung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Theo dấu chân Bác ở Hong Kong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.