Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng vận hành xe buýt điện

Tuấn Lương| 01/11/2020 06:25

(HNM) - Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần đang khẩn trương chuẩn bị để sẵn sàng đưa vào vận hành các tuyến xe buýt chạy bằng năng lượng sạch (xe buýt điện) ngay khi được các cơ quan chức năng chấp thuận. Theo Bộ Giao thông - Vận tải, đề xuất phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện là giải pháp phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam cũng như mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Việc đưa xe buýt điện vào hoạt động giúp đa dạng hóa loại hình phương tiện phục vụ hành khách công cộng.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện

Ngày 20-10 vừa qua, xe buýt điện VinFast của Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần đã chính thức chạy thử nghiệm trên đường nội khu của nhà máy tại Hải Phòng. Đại diện Vingroup khẳng định, đây là mẫu xe buýt điện đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện của phương tiện vận tải hành khách công cộng; được vận hành bởi Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus (thuộc Vingroup). VinBus cũng sẽ cho ra đời ứng dụng VinBus kết hợp cùng VinID hỗ trợ thông tin mạng lưới tuyến xe buýt của toàn thành phố, giúp hành khách tra cứu thuận lợi. Tất cả các tuyến buýt sẽ kết nối vào trung tâm thành phố, qua các điểm trung chuyển lớn tập trung đông dân cư như bến xe, trường học, khu đô thị, bệnh viện, trung tâm thương mại… Nếu được chấp thuận, thời gian hoạt động của các tuyến xe buýt điện dự kiến từ 5h đến 22h hằng ngày, bình quân 10-20 phút sẽ có một lượt xe.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, thực hiện chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần đã đăng ký vận hành 10 tuyến buýt mới bằng xe điện và cam kết đầu tư 150-200 xe điện cao cấp với hệ thống công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đơn vị này hiện đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để bảo đảm các xe buýt điện sẽ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật...

Bên cạnh việc sản xuất xe buýt điện, VinBus đã tuyển dụng đội ngũ nhân sự, xây dựng cơ sở vật chất... để có thể vận hành ngay khi được cơ quan quản lý chấp thuận. Trong đó, 2 khu depot đang được Vingroup đầu tư xây dựng tại Khu đô thị Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) và Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm). Các depot sẽ có chức năng văn phòng điều hành, trạm sạc năng lượng, xưởng bảo dưỡng, sửa chữa, điểm bán vé tháng và cung cấp dịch vụ cho hành khách...

Bổ sung giải pháp cho vận tải hành khách công cộng

Cùng với các loại hình xe buýt hiện có, các cơ quan chức năng đang đề xuất phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện. Ảnh: Tuấn Khải.

Nhận định về mô hình xe buýt điện, ông Tô Xuân Bình (khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, Hà Nội đã có xe buýt truyền thống, xe buýt nhanh BRT và xe buýt sử dụng khí CNG (khí nén tự nhiên, cũng là một loại năng lượng sạch). Nếu có thêm xe buýt điện sẽ giúp đa dạng hóa loại hình phương tiện công cộng phục vụ hành khách, góp thêm một giải pháp hiệu quả bảo vệ môi trường và chắc chắn sẽ được nhân dân ủng hộ.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, việc sử dụng xe buýt điện phù hợp với chủ trương của thành phố Hà Nội, hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ và đa dạng hóa xe buýt sử dụng năng lượng sạch, bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xe buýt điện chưa hoạt động, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì thế, trên cơ sở đề án của Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần, Sở Giao thông - Vận tải đề xuất, trong trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép, UBND thành phố Hà Nội xem xét chấp thuận mở mới các tuyến xe buýt điện và chủ trương đặt hàng tạm thời Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện để có thể đưa vào vận hành sớm.

Còn Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; và chủ trương bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông. Vì vậy, Bộ Giao thông - Vận tải đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Việc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ, thực hiện theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Về vấn đề chưa có định mức, đơn giá, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cơ chế đặc thù áp dụng tạm thời khi đưa xe buýt điện tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã giao Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chủ trì, cùng các đơn vị liên quan trên cơ sở ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải và quy định hiện hành tham mưu UBND thành phố về vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trước ngày 10-11-2020.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng vận hành xe buýt điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.