Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ có đơn giá, định mức cho xe buýt điện?

Tuấn Lương| 20/05/2023 14:49

(HNMO) - Sau hơn 1 năm vận hành tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), xe buýt điện của Vinbus đã phục vụ gần 32 triệu lượt khách. Ước tính lượng khí CO2 giảm phát thải ra môi trường khoảng 19.938 tấn. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện môi trường này còn không ít rào cản...

Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội khảo sát hoạt động của xe buýt điện.

Những kết quả bước đầu

Theo ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Vinbus, Vinbus - công ty con của Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp đầu tiên triển khai dịch vụ xe buýt điện tại Việt Nam.

Chính thức hòa mạng lưới vận tải hành khách công cộng Thủ đô vào ngày 2-12-2021 với tuyến E03 (Khu đô thị Ocean Park - Bến xe Mỹ Đình), đến nay, sau hơn 1 năm, Vinbus đã có 9 tuyến xe buýt điện với 153 phương tiện hoạt động hằng ngày.

Sau Hà Nội, Vinbus đã triển khai buýt điện tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, đơn vị thực hiện hơn 756.550 chuyến, phục vụ gần 32 triệu lượt hành khách. Ước tính lượng khí CO2 giảm phát thải ra môi trường khoảng 19.938 tấn.

“Các tuyến buýt điện được đông đảo người dân ủng hộ, đánh giá cao về chất lượng dịch vụ. Hằng quý, Vinbus đều khảo sát sự hài lòng của khách. Trong lần khảo sát mới nhất (quý I-2023), 90% khách hàng được khảo sát chấm điểm 9, 10 về chất lượng dịch vụ. Sản lượng hành khách liên tục tăng qua các tháng, một số tuyến vươn lên đứng tốp đầu trong mạng lưới buýt của Thủ đô. Trong đó, tuyến E01, E03 lần lượt xếp thứ 1, thứ 3 toàn mạng về sản lượng hành khách bình quân/lượt. Đặc biệt, 85% hành khách là nhân viên văn phòng, trong khi tỷ lệ này ở các tuyến buýt thông thường chỉ đạt 20-25%”, ông Nhật thông tin.

Về hạ tầng, tại Hà Nội, Vinbus có 2 khu depot, với dây chuyền trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.. Trong đó, khu depot tại Khu đô thị Ocean Park (huyện Gia Lâm) có tổng diện tích 10.000m2, năng lực bãi đỗ đáp ứng cho 110 xe. Khu depot tại Khu đô thị Smart City (quận Nam Từ Liêm) có tổng diện tích 23.000m2, năng lực bãi đỗ xe đáp ứng cho 160 xe. 

Trạm sạc xe buýt điện tại depot Khu đô thị Smart City.

Để phục vụ cho xe buýt điện hoạt động ổn định, an toàn, depot sử dụng nguồn điện trung thế 24kV. Mỗi xe buýt sau một ngày hoạt động mất 3-6 tiếng để sạc đầy, có thể chạy 250-280km/lần sạc đầy.

Áp dụng công nghệ hiện đại, thông minh nên không chỉ thân thiện với môi trường, xe buýt điện còn cải thiện khả năng tham gia giao thông an toàn thông qua hệ thống camera, định vị GPS và tương tác trực tiếp giữa trung tâm điều hành với lái xe. Thẻ vé điện tử kết nối với 18 ngân hàng…

Tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang, xe buýt điện tuân thủ rất nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ cũng như thể lệ vận tải. Đến nay, Thanh tra Sở chưa phải lập bất kỳ biên bản xử phạt vi phạm hành chính nào liên quan đến hoạt động của xe buýt điện.

Đánh giá về xe buýt điện, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho rằng, việc áp dụng công nghệ không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp mà còn giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, nghiệm thu chuyến lượt, giám sát chất lượng công khai, minh bạch.

Thông tin thêm về hoạt động của buýt điện, Tổng Giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật cho hay, chi phí đầu tư phương tiện khoảng 7,4 tỷ đồng/xe, gấp 3-3,5 lần so với xe buýt chạy diesel, trong khi không có chính sách hỗ trợ nên doanh nghiệp phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng cao, tương đương với chi phí khấu hao phương tiện. Nếu doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính thì sẽ khó duy trì.

Từ đó, Vinbus đề xuất Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội sớm ban hành đơn giá định mức xe buýt điện; tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND thành phố Hà Nội.

Hệ thống nhà xưởng, trạm bảo dưỡng của Vinbus được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Về chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, thành phố đang rà soát, lập quy hoạch mạng lưới xe buýt, với mục tiêu tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh sẽ bám sát quy hoạch này và quy hoạch điện của Hà Nội.

Việc chuyển đổi phải bảo đảm tính khả thi và có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị. Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp, có cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

“Ngay trong năm 2023, Sở hoàn thành dự thảo về đơn giá, định mức cho xe buýt điện báo cáo UBND thành phố xem xét, phê duyệt để triển khai trong năm 2024. Đơn giá vừa bảo đảm tính đúng, tính đủ, không làm thất thoát ngân sách nhà nước, vừa không triệt tiêu khả năng tham gia của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Phi Thường nêu. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ có đơn giá, định mức cho xe buýt điện?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.