Hôm nay, cùng với đồng bào cả nước, các văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà giáo… của Thủ đô đều thành kính bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, mọi người đều nguyện quyết tâm thực hiện những lời căn dặn của Tổng Bí thư bằng việc làm cụ thể, thực chất, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng văn minh, hiện đại.
Dưới đây là những ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới:
Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam:
Những chỉ đạo, dặn dò của Tổng Bí thư về văn học, nghệ thuật giản dị và có giá trị dài lâu
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người luôn quan tâm đến văn hóa, văn học, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống.
Tôi được tiếp xúc với ông từ ngày ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội và tôi công tác tại Nhà hát Chèo Hà Nội.
Khi ấy, các nghệ sĩ nhà hát thường xuyên được mời tham gia biểu diễn để giới thiệu nghệ thuật truyền thống đến các đoàn khách ngoại giao của thành phố. Ông nói với chúng tôi rằng, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài cũng thấy thú vị khi xem chèo, cho nên cần phát huy nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại và nghệ sĩ phải là nòng cốt để gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật của cha ông. Từ lời nhắn nhủ đó, chúng tôi luôn nỗ lực cống hiến, sáng tạo trong nghệ thuật truyền thống.
Năm 2010, tôi tham gia tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Chủ tịch Quốc hội, đã khen ngợi chương trình dàn dựng ấn tượng, xúc động và bày tỏ quý trọng vì nghệ sĩ chèo đã biết phát huy năng lực, đảm nhận những chương trình nghệ thuật tổng hợp.
Tôi nhớ nhất vào năm 2018, trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư đến dự và đợi đến cuối buổi lễ bắt tay động viên các văn nghệ sĩ và bảo tôi: “Thúy Mùi là nghệ sĩ hết sức năng động. Thúy Mùi không được nghỉ mà phải tiếp tục cống hiến nhé”. Năm đó, tôi vừa nghỉ chế độ được mấy tháng, mới về làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật truyền thống sân khấu Việt Nam…
Qua những lần gặp gỡ, tiếp xúc, văn nghệ sĩ chúng tôi đều nể trọng về tầm tri thức và am tường sâu sắc của ông. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn học, nghệ thuật của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều rất gần gũi, giản dị, trúng và sát với thực tiễn, giúp văn nghệ sĩ có đường hướng chính xác trong hoạt động, sáng tác.
Khi nghe tin ông từ trần, ai cũng buồn thương và tiếc nuối. Song, với văn nghệ sĩ chúng tôi, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa, văn học, nghệ thuật thời gian qua rất đáng quý và có giá trị lâu dài. Trên cơ sở đó, tôi tin rằng, văn nghệ sĩ sẽ có nhiều suy tư, sáng tạo và phát huy trách nhiệm của mình để có nhiều tác phẩm chất lượng, đỉnh cao, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay.
Nhà văn Lê Phương Liên, Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam:
Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng
Những ngày này, cả nước vô cùng thương tiếc về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhân cách lớn của dân tộc. Cá nhân tôi khi nghe tin về tình hình sức khỏe của ông và thông báo của Trung ương Đảng về việc ông từ trần, trong lòng đầy tiếc nuối.
Như bao người dân khác, nhiều ngày nay, tôi chỉ đọc những tin tức về ông, theo dõi lễ tang Tổng Bí thư được Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể. Thông qua sách báo, truyền hình, nhiều thông tin, hình ảnh về cuộc sống dung dị, đời thường của Tổng Bí thư được công bố giúp cho những người dân như chúng tôi càng thêm trân trọng, kính yêu, tự hào về một vị lãnh đạo lớn của dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng để nhiều người noi theo, một trái tim vĩ đại hết lòng vì nước, vì dân và luôn khiêm nhường.
Là một người theo nghiệp văn chương, tôi rất khâm phục những suy nghĩ, tấm lòng và hành động của một vị lãnh đạo đứng đầu đất nước dành cho văn hóa Việt Nam. Tôi đã đọc cuốn sách của Tổng Bí thư: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và càng thêm ngưỡng mộ tầm nhìn của một bậc tri thức lớn đối với sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc. Đó không chỉ là tầm nhìn mang tính chiến lược mà còn là kim chỉ nam hành động cho những người làm văn hóa để đưa đất nước có thể sánh ngang với các nước trên thế giới.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát to lớn của dân tộc ta. Nhưng tôi cũng bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng trong những công việc sắp tới của đất nước. Những chỉ đạo mang tầm chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự tiếp nối của những thế hệ trước và tôi tin rằng sẽ tiếp tục được phát huy ở những người kế nhiệm.
Nhà giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên):
Quyết tâm thực hiện những lời căn dặn của Tổng Bí thư bằng việc làm cụ thể, thực chất
Sáng nay, 25-7, tập thể thầy và trò Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều đã thực hiện lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - cựu học sinh của trường niên khóa 1957-1963 với lòng kính trọng và tiếc thương vô hạn.
Trong suốt 6 năm học phổ thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có tên trong các cuộc thi học sinh giỏi của thành phố, đặc biệt là môn văn. Khi đang học lớp 10, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm cho các bạn ngạc nhiên với bài thuyết trình dài trong các buổi ngoại khóa về một đề tài xã hội. Đó là thân phận của người nông dân trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; thân phận của người phụ nữ trong thơ của Tố Hữu... Có lẽ, ngay từ thuở ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thấm cái đau của nỗi đau con người, đã khắc khoải với tốt - xấu, mất - còn.
“Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa/ Năm cuối cùng của đời học phổ thông/ Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ/ Theo thời gian tẻ ngắt, lạnh lùng?”. Bài thơ “Năm cuối cùng của đời học phổ thông” Tổng Bí thư viết vào tháng 9-1962 nhân dịp đầu năm học mới 1962-1963, đã được kết bằng 4 câu thơ như thế.
Tại trường hiện còn cất giữ một tài liệu vô cùng quý giá về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là cuốn sổ ghi nhận xét của các giáo viên đã từng dạy Tổng Bí thư. Những dòng chữ dù đã mờ nhưng vẫn có thể đọc được: “Được xếp loại A2, Giỏi. Học giỏi đều các môn. Có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Có nhiều đóng góp xây dựng tập thể tốt...”.
Trong ký ức của nhiều thế hệ nhà giáo, học sinh, dù ở cương vị lãnh đạo, song Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thật giản dị, ấm áp và gần gũi. Mỗi lần về thăm trường, Tổng Bí thư đều dặn, chỉ về với tư cách cựu học sinh, muốn được giới thiệu là cựu học sinh chứ không phải nhà lãnh đạo... Nhân cách ấy, đạo đức ấy đã để lại trong các thế hệ nhà giáo, học sinh nhà trường sự nể trọng, kính phục và ý thức noi gương.
Tổng Bí thư ra đi là một tổn thất to lớn của Đảng, của nhân dân. Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều mất đi một cựu học sinh ưu tú xuất sắc, một nhân cách lớn trong đạo nghĩa tình thầy trò.
Tấm gương mẫu mực về đạo đức, nhân cách trong cuộc sống, trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước của Tổng Bí thư là động lực rất lớn để toàn thể cán bộ, nhân viên và học sinh nhà trường tiếp tục nỗ lực, cố gắng. Mỗi nhà giáo, học sinh quyết tâm thực hiện những lời căn dặn của Tổng Bí thư bằng việc làm cụ thể, thực chất, coi đó là kim chỉ nam trong sự nghiệp dạy - học, đặc biệt là trong việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức và lối sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.