Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại
Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 11-10 đến 13-10-2020 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô. Tham dự Đại hội có 497 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 45 vạn đảng viên toàn Đảng bộ Thủ đô.
Đại hội đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Nghị quyết nêu rõ, đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Để đạt mục tiêu trên, Nghị quyết đại hội đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm; 3 khâu đột phá. Đại hội cũng thống nhất thông qua 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 .
Đại hội đã lựa chọn, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII gồm 71 đồng chí, là những đại biểu ưu tú, tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, năng lực, trí tuệ để lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ngày 31-3-2021 Bộ Chính trị ban hành quyết định phân công đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Tài chính được phân công, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025; thay đồng chí Vương Đình Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Ngày 17-7-2024, Bộ Chính trị ban hành quyết định phân công đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương thôi tham gia Ban Bí thư, thôi chức vụ Trưởng ban Dân vận Trung ương; được điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, vào tháng 6-2024, Bộ Chính trị đồng ý để đồng chí Đinh Tiến Dũng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Như vậy, kể từ Ngày thành lập (17-3-1930), trải qua 17 kỳ đại hội, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã gặt hái được những thành tựu vô cùng to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Đây là nền tảng quan trọng để Đại hội đại biểu lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2025-2030) Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục đề ra mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bình Yên tổng hợp
Đại hội đã thống nhất thông qua 16 chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ. Trong đó, đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016-2020 là 8,5-9%. Đồng thời, đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá, trong đó tập trung vào phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.
Đại hội đã bầu 74 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI. Theo quyết định của Bộ Chính trị, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI) được phân công chỉ đạo Đảng bộ thành phố Hà Nội, còn việc điều hành Đảng bộ thành phố Hà Nội do tập thể Thường trực Thành ủy khóa XVI đảm nhiệm. Tập thể Thường trực Thành ủy đã phân công Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng điều hành công việc của Thành ủy.
Ngày 5-2-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI, giữ cương vị Bí thư Thành ủy. Đến ngày 7-2-2020, theo quyết định của Bộ Chính trị, đồng chí Hoàng Trung Hải thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội để nhận nhiệm vụ Phó Trưởng bộ phận thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ thôi tham gia Ban Cán sự đảng Chính phủ, được điều động tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ thành phố đã chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố đi vào cuộc sống. Thành ủy đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu đề ra.
Như vậy, kể từ Ngày thành lập (17-3-1930), trải qua 16 kỳ đại hội, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã gặt hái được những thành tựu vô cùng to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Đây là nền tảng quan trọng để Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ thành phố Hà Nội (diễn ra từ ngày 11 đến 13-10-2020) tiếp tục đề ra mục tiêu, phương hướng xây dựng, phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tiến hành các nội dung quan trọng khác.
Đại hội có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là đại hội nhiệm kỳ đầu tiên sau khi Hà Nội điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính; nhiệm kỳ mở đầu 1000 năm tiếp theo của Thăng Long - Hà Nội. Đại hội có chủ đề “Phát huy truyền thống 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Đại hội khẳng định thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ qua là kinh tế Thủ đô tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng bộc lộ một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu… có nhiều thách thức.
Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2010-2015. Các nhiệm vụ chủ yếu gồm: Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững. Đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, gắn với bảo vệ tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường. Tích cực chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội.
Đại hội đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015, gồm: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 từ 12% đến 13%/năm; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân từ 14% đến 15%... Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành phố tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, coi trọng cả việc mở rộng quy mô với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Trong đó, chú trọng chất lượng cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế tri thức; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, sử dụng nhân lực chất lượng cao vào quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao có giá trị gia tăng lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, đại hội đề ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Trong nhiệm kỳ mới bình quân kết nạp 10.000 đảng viên mới/năm; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hằng năm trên 70%; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh bình quân hằng năm trên 75%.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới gồm 75 ủy viên. Đồng chí Phạm Quang Nghị tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Thành ủy.
Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn 2001-2005. Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10-11%. Thủ đô luôn bảo đảm ổn định chính trị; tạo được bước phát triển khá toàn diện về kinh tế...
Đại hội xác định mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2010 là: Thành phố phải chủ động, sáng tạo phát huy tiềm năng, nguồn lực, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện, bền vững; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa mới gồm 59 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy. Đến ngày 28-6-2006, đồng chí Phạm Quang Nghị được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhận công tác khác.
Sự kiện đặc biệt đối với Thủ đô trong nhiệm kỳ khóa XIV là ngày 29-5-2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, có hiệu lực từ ngày 1-8-2008. Theo đó, Hà Nội hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số với tỉnh Hà Tây, sáp nhập thêm huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Thủ đô Hà Nội mở rộng có diện tích 3.324,92km2, dân số hơn 6 triệu người.
Ngày 10-7-2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Quyết định số 872/QĐNS-TƯ về việc chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố gồm 97 đồng chí. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định quyết tâm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", nên toàn bộ hệ thống chính trị khẩn trương bắt tay vào công việc để đúng ngày 1-8-2008, kỳ họp hợp nhất HĐND thành phố chính thức khai mạc, đánh dấu hoàn thành việc hợp nhất.
* Từ ngày 14 đến 16-12-2005, tại Nhà Văn hóa trung tâm thị xã Hà Đông đã diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2005-2010) Đảng bộ tỉnh Hà Tây, với sự tham dự của 295 đại biểu.
Đại hội đặt mục tiêu, giai đoạn 2005-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 13-14%; phấn đấu đưa Hà Tây trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển tiên tiến trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ…
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới gồm 49 đồng chí. Đồng chí Hà Văn Hiền tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Năm 2007, đồng chí Hà Văn Hiền chuyển công tác, đồng chí Bùi Duy Nhâm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội được tiến hành vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử trọng đại: Thành phố vừa tổ chức kỷ niệm trọng thể 990 năm Thăng Long - Hà Nội và đón nhận danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”. Bên cạnh quyết nghị mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2001-2005, Đại hội cũng đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong 10 năm tới, gắn với chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo đó, thành phố Hà Nội phải bảo đảm vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội toàn diện, bền vững. Cùng với đó là xây dựng cơ bản nền tảng vật chất kỹ thuật và xã hội của Thủ đô xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc nghìn năm văn hiến; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tích cực chuẩn bị tiền đề phát triển kinh tế tri thức; phấn đấu trở thành một trung tâm ngày càng có uy tín ở khu vực, xứng đáng với danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.
Đại hội cũng chỉ rõ những định hướng cơ bản để phát triển Thủ đô, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô; tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; bảo đảm kinh tế Thủ đô có nhịp độ tăng trưởng nhanh, bền vững; phấn đấu đi đầu cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn... Đại hội cũng định hướng xây dựng nền văn hóa Thủ đô tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc; phát triển mạnh giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, giải quyết tốt những vấn đề văn hóa - xã hội; xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 51 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy.
Đại hội đại biểu lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh Hà Tây (nhiệm kỳ 2001-2005) diễn ra từ ngày 24 đến 27-12-2000, tại Nhà văn hóa trung tâm thị xã Hà Đông, với sự tham dự của 297 đại biểu.
Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tây trong nhiệm kỳ mới là: Khai thác tốt hơn mọi tiềm năng sẵn có, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tạo ra đột phá về phát triển kinh tế, trước hết chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, thực hiện một bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn để thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững hơn…
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 47 ủy viên. Đồng chí Khuất Hữu Sơn tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Đến giữa năm 2004, đồng chí Khuất Hữu Sơn được Trung ương luân chuyển làm Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương. Đồng chí Hà Văn Hiền, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây...
Đại hội đại biểu lần thứ XII Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra trong bối cảnh 10 năm đổi mới đã thu được những thành quả quan trọng và bài học kinh nghiệm giá trị. Thế và lực của Thủ đô được tăng cường đáng kể. Niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới và con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa ngày càng được nâng cao.
Đại hội đề ra 5 mục tiêu tổng quát. Trong đó, các mục tiêu hàng đầu là đẩy nhanh hơn nữa nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước; xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Bên cạnh đó, thành phố phấn đấu tiếp tục hoàn chỉnh quản lý xây dựng theo quy hoạch, cải tạo và xây dựng mới kết cấu hạ tầng, giữ gìn Thủ đô sạch đẹp; cải thiện hơn nữa đời sống nhân dân... Đại hội cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng.
Đại hội đề ra một số chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn 1996-2000, như: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.100 USD vào năm 2000...
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 51 ủy viên. Đồng chí Lê Xuân Tùng được bầu làm Bí thư Thành ủy. Đến tháng 8-1996, Bộ Chính trị phân công đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản tham gia Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 12-1997, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị và từ tháng 2-1998 chuyển lên Trung ương công tác. Ngày 6-1-2000, đồng chí Lê Xuân Tùng, Bí thư Thành ủy được Bộ Chính trị điều động lên Trung ương; đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Trung ương phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Trong nhiệm kỳ này, năm 1999, Hà Nội vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Năm 2000, Hà Nội vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý "Thủ đô Anh hùng" do Đảng, Nhà nước phong tặng.
* Đại hội đại biểu lần thứ XII (nhiệm kỳ 1996-2000) Đảng bộ tỉnh Hà Tây diễn ra từ ngày 24-4 đến 27-4-1996, với sự tham dự của 298 đại biểu.
Đại hội đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2000: Tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 10% trở lên; đạt sản lượng 1 triệu tấn lương thực; giảm số lao động thiếu việc làm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giảm số hộ nghèo xuống dưới 6%, không còn hộ đói; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng; tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng…
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới gồm 47 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tâm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Tại đại hội, các đại biểu nhất trí đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, công cuộc đổi mới ở Thủ đô đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước, tình hình chính trị của Thủ đô vẫn ổn định. Nền kinh tế thành phố đang trong quá trình chuyển biến tích cực, đã xóa bỏ phần lớn bao cấp, từng bước hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhân dân được cải thiện…
Đại hội xác định 5 mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 1991-1995, gồm: Bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng; phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, từng bước ổn định và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; có chuyển biến rõ trong xây dựng và quản lý đô thị...
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 51 ủy viên. Đồng chí Phạm Thế Duyệt được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy. Phó Bí thư Thành ủy là các đồng chí Lê Xuân Tùng, Phạm Lợi. Trong nhiệm kỳ này, từ ngày 29 đến 31-3-1994, Đảng bộ thành phố đã tiến hành hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ, bầu bổ sung 8 ủy viên vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI.
* Tại kỳ họp thứ chín (từ ngày 27-7 đến 12-8-1991), Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. Tỉnh Hà Tây được tái lập và chính thức làm việc từ ngày 1-10-1991. Đảng bộ tỉnh có 14 huyện, thị ủy và các đảng ủy trực thuộc, gồm 1.038 cơ sở Đảng, hơn 74.000 đảng viên. Sau hơn 5 tháng tái lập tỉnh, từ ngày 16 đến 19-3-1992, Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 1992-1995) Đảng bộ tỉnh Hà Tây được tổ chức với 318 đại biểu tham dự.
Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong 4 năm (1992-1995) là: Giải quyết tốt vấn đề lương thực, có thêm nhiều nông sản, hàng hóa chế biến và hàng tiêu dùng, tăng nhanh hàng xuất khẩu; từng bước xây dựng nông thôn mới và nếp sống văn minh trật tự ở các thị xã, thị trấn...
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 47 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đình Sở được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; Phó Bí thư Tỉnh ủy là các đồng chí Nguyễn Văn Tâm, Vương Văn Biện.
ĐH X đã đánh dấu bước chuyển quan trọng về tư tưởng, chính trị của Đảng bộ Hà Nội theo quan điểm đổi mới của TƯ Đảng, mở đầu bằng đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Đồng thời thể hiện quyết tâm xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh XHCN - đây là khâu đột phá đúng đắn phù hợp với quy luật và thực tiễn của cách mạng Thủ đô, là định hướng xuyên suốt quá trình thực hiện đổi mới Thủ đô những năm 1986-1990 và những năm tiếp theo.
* ĐH lần thứ X Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình diễn ra từ ngày 14 đến 20-10-1986, có 444 đại biểu tham dự. ĐH đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng tình hình và tìm ra giải pháp khắc phục. Do chịu nhiều tác động nên chỉ 4/8 chỉ tiêu ĐH đề ra đạt kế hoạch. Để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng đề ra là xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN, ĐH xác định mục tiêu, năm 1986-1990, toàn tỉnh phải ra sức xây dựng Đảng vững mạnh, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, bố trí lại cơ cấu sản xuất và đầu tư tập trung vào sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Toàn tỉnh ra sức củng cố quan hệ sản xuất mới, đổi mới quản lý kinh tế, xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh XHCN… ĐH bầu BCH mới gồm 58 đồng chí.
(Theo sách Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (giai đoạn 1930-2000), NXB Hà Nội - 2004 và Các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tây 1947-2005, tháng 8-2005).
Đại hội diễn ra 2 vòng. Vòng 1 diễn ra từ ngày 11 đến 16-1-1982, với sự tham dự của 704 đại biểu. Tại vòng 1 Đại hội, các đại biểu đã góp ý vào các văn kiện của Trung ương và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng. Vòng 2 diễn ra từ ngày 11 đến 16-6-1983, với sự tham dự của 622 đại biểu thay mặt cho hơn 130.000 đảng viên của toàn Đảng bộ. Đại hội vòng 2 nhằm xác định nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 1983-1985.
Bên cạnh đòi hỏi về tập trung giải quyết những nhu cầu bức thiết của đời sống, đại hội xác định Hà Nội cần phát triển mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ cấu công - nông nghiệp và xuất khẩu; tiếp tục cải tạo, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, lập lại trật tự kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực phân phối, lưu thông.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1983-1986 gồm 51 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Văn Lương tiếp tục được bầu làm Bí thư Thành ủy.
Kết thúc nhiệm kỳ Đại hội lần thứ IX đánh dấu chặng đường 10 năm sau ngày đất nước thống nhất (1975-1985). Trong giai đoạn này, những thành tựu mà nhân dân Thủ đô giành được trên các lĩnh vực cũng như kinh nghiệm tích lũy được đã tạo tiền đề cho quá trình đẩy nhanh xây dựng, phát triển Hà Nội trong những năm tiếp theo.
* Đại hội đại biểu lần thứ IX (nhiệm kỳ 1983-1986) Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình cũng diễn ra 2 vòng, tổ chức tại thị xã Hà Đông. Vòng 1 diễn ra từ ngày 5 đến 13-1-1982, có 440 đại biểu tham gia, nhằm thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V. Đại hội vòng 2 diễn ra từ ngày 14 đến 19-1-1983, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới.
Đại hội chỉ rõ, đến năm 1985, tỉnh Hà Sơn Bình phấn đấu thực hiện các mục tiêu: Đẩy mạnh xuất khẩu nhằm ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân; ra sức củng cố quan hệ sản xuất mới, sắp xếp ổn định cả về quy mô và sản xuất của các cơ sở quốc doanh, hợp tác xã, từng bước hoàn thiện cơ chế khoán mới; kết hợp Nhà nước, tập thể và nhân dân cùng làm, đầu tư có trọng điểm và theo chiều sâu để tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật; ưu tiên xây dựng thủy lợi, hạn chế thấp nhất diện tích bị úng hạn, tăng cường công tác phục vụ thâm canh và sản xuất hàng xuất khẩu. Đại hội cũng chú trọng công tác bảo đảm yêu cầu củng cố quốc phòng, bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; đấu tranh khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 41 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Đình Sở được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Tại đại hội, Đảng bộ thành phố xác định nhiệm vụ chính trị cơ bản là: "Vừa xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô". Trong đó, nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô là: “Đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; tăng cường công tác quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu, tăng cường quản lý kinh tế, quản lý xã hội, công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ và tổ chức cơ sở”.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 49 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Văn Lương được bầu lại làm Bí thư Thành ủy.
Dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ 1980-1983 là Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị số 100-CT/TƯ ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động, người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, củng cố thương nghiệp, bố trí lại lực lượng lao động trên địa bàn. Đến giữa năm 1983, việc thực hiện cơ chế khoán đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Trong nông nghiệp, nông dân hăng hái sản xuất với khí thế lao động mới, đời sống tương đối ổn định và có phần cải thiện. Sản phẩm lương thực hằng năm tăng 8%. Trong công nghiệp, nhiều xí nghiệp đã khai thác tốt tiềm năng, hoàn thành tốt kế hoạch.
* Đại hội đại biểu lần thứ VIII Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình diễn ra tại Nhà văn hóa trung tâm thị xã Hà Đông từ ngày 8-10 đến 12-10-1979, với 419 đại biểu chính thức và 37 đại biểu dự khuyết.
Xuất phát từ nhiệm vụ chung của cả nước và tình hình thực tiễn trong tỉnh, đại hội quyết định phương hướng, nhiệm vụ chung của tỉnh trong hai năm 1980-1981 như sau: “Tăng cường đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng và toàn thể nhân dân các dân tộc; nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; tăng cường hiệu lực của chính quyền; phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động; tận dụng mọi khả năng về lao động, đất đai, kinh nghiệm và cơ sở vật chất hiện có của 3 vùng (miền núi, trung du, đồng bằng) để phát triển sản xuất và tạo ra cơ cấu kinh tế mới…”.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới (nhiệm kỳ 1980-1981) gồm 40 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Hữu Thụ tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Bình.
Vòng 1, đại hội diễn ra từ ngày 12 đến 22-11-1976, tại Câu lạc bộ Lao động (nay là Cung Thanh niên Hà Nội). Về dự đại hội có 359 đại biểu, thay mặt cho hơn 67.000 đảng viên. Tại Đại hội đại biểu lần thứ VII Đảng bộ thành phố (vòng 1), các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, nghe báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch nhà nước năm 1977 của thành phố và cử đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại hội đại biểu lần thứ VII Đảng bộ thành phố Hà Nội (vòng 2) được tổ chức từ ngày 25-5 đến 2-6-1977 tại Câu lạc bộ Lao động. Dự đại hội có 639 đại biểu đại diện cho gần 70.000 đảng viên toàn Đảng bộ. Về dự đại hội có Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm (1976-1980) và mục tiêu chủ yếu của 2 năm (1977-1978). Đại hội xác định, xây dựng Đảng bộ vững mạnh, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tăng cường hiệu lực của hệ thống chuyên chính vô sản, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt...
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới gồm 44 đồng chí, trong đó có 43 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Văn Lương được bầu làm Bí thư Thành ủy.
Trong nhiệm kỳ này, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa VI (tháng 12-1978), đã phê chuẩn mở rộng Thủ đô Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện, 1 thị xã của tỉnh Hà Sơn Bình (Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây), 2 huyện của tỉnh Vĩnh Phú (Mê Linh, Sóc Sơn). Đến thời điểm này, Hà Nội có 11 huyện, 1 thị xã và 4 khu phố với tổng dân số gần 2,5 triệu người. Đây là lần thứ hai Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.
* Sau Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ tỉnh Hà Tây, ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 245 về việc sáp nhập hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình.
Từ ngày 21 đến 30-4-1977, Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình chính thức tổ chức Đại hội đại biểu. Đây là đại hội đầu tiên kể từ khi hợp nhất hai đảng bộ tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình và được xác định là kỳ Đại hội lần thứ VII của cả hai đảng bộ.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình gồm 36 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Hữu Thụ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đại hội đã xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm to lớn của Thủ đô và đề ra nhiệm vụ của thời kỳ mới. Đó là tiếp tục lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; trong hai năm (1974-1975) phải ra sức khôi phục phát triển kinh tế, tiếp tục phát triển văn hóa, đẩy mạnh việc xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Thủ đô…
Thành phố cũng chú trọng quản lý kinh tế, quản lý thành phố về mọi mặt; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng; tiếp tục phát huy mặt tích cực, hạn chế đi đến xóa bỏ mặt tiêu cực; đề cao cảnh giác, làm tốt công tác tuyển quân và công tác quân sự địa phương… Tất cả nhiệm vụ trên phải nhằm tăng tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Thủ đô, ổn định và cải thiện một bước đời sống nhân dân. Hà Nội quyết tâm đáp ứng mọi yêu cầu chi viện sức người, sức của cho chiến trường, góp phần đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam tới toàn thắng.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa mới gồm 35 ủy viên chính thức và 16 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Trân được Trung ương điều động nhận công tác mới, đồng chí Nguyễn Lam được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố bầu làm Bí thư Thành ủy.
Thực hiện Nghị quyết đại hội, Hà Nội đã đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chi viện cho chiến trường. Không chỉ cung cấp, tiếp ứng về vận tải, bảo đảm hỗ trợ về hậu cần mà còn chi viện về lực lượng cán bộ quân sự và dân sự cho miền Nam. Hà Nội đã góp phần vào thắng lợi lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời bảo đảm duy trì mọi hoạt động bình thường sau ngày giải phóng.
* Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ tỉnh Hà Tây diễn ra từ ngày 20 đến 27-12-1974 tại thị xã Hà Đông với sự tham dự của 450 đại biểu. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về dự.
Ngoài đánh giá kết quả đại hội nhiệm kỳ trước, đại hội đề ra 3 nhiệm vụ lớn là: Hoàn thành tốt kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa 2 năm 1974-1975, thực hiện một bước kế hoạch 5 năm (1976-1980) về phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao tinh thần cảnh giác, tăng cường công tác quân sự địa phương, củng cố nền quốc phòng toàn dân ở địa phương, kết hợp chặt chẽ củng cố quốc phòng với xây dựng kinh tế, đẩy mạnh xây dựng, củng cố các lực lượng vũ trang trong tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và phát huy vai trò xung kích trong lao động sản xuất, thực hiện tốt nghĩa vụ chi viện chiến trường miền Nam; tăng cường công tác xây dựng Đảng.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới gồm 37 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Xuân Trường tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Tháng 9-1975, Đảng bộ tỉnh Hà Tây sáp nhập với Đảng bộ tỉnh Hòa Bình thành Đảng bộ tỉnh Hà Sơn Bình.
Dự Đại hội có 430 đại biểu chính thức, 30 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 61.000 đảng viên trong Đảng bộ. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự Đại hội.
Đại hội thống nhất nhận định, qua 3 năm (1968-1970) phấn đấu, Hà Nội đã làm tốt nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, đáp ứng mọi yêu cầu của tiền tuyến, làm tốt công tác hậu phương, nhanh chóng chuyển hướng tổ chức sản xuất và đời sống… Đại hội cũng chỉ ra những thiếu sót, như: Nền kinh tế phát triển chưa mạnh, năng suất lao động còn thấp, tích lũy ít…
Đại hội đề ra phương hướng cho nhiệm kỳ mới: Trong mọi hoàn cảnh, Hà Nội cũng phải chuyển biến mạnh mẽ, cố gắng vươn lên hàng đầu trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đồng thời nêu cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng đập tan mọi hành động phiêu lưu của đế quốc Mỹ, nếu chúng điên cuồng đánh phá lại Hà Nội.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 21 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Trân tiếp tục được bầu làm Bí thư Thành ủy.
Trong nhiệm kỳ này, giữa lúc thành phố đang nỗ lực phấn đấu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đế quốc Mỹ lại mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đánh phá miền Bắc. Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo nhằm bảo đảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong tình hình mới. Quân và dân Hà Nội đã góp phần quyết định làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" diễn ra trong 12 ngày đêm, tháng 12-1972.
* Ngày 10-4-1965, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 113 quyết định hợp nhất hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây, với tổng số 27.000 đảng viên, sinh hoạt tại 1.056 chi bộ Đảng thuộc 16 huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh.
Tỉnh Hà Tây và Đảng bộ tỉnh ra đời trong bối cảnh cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, nên phải 4 năm sau, Đảng bộ tỉnh mới có điều kiện tổ chức đại hội. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tây lần thứ I chính là sự tiếp nối 4 kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh Hà Đông và Đảng bộ tỉnh Sơn Tây. Đại hội được xác định là kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tây (cũ) lần thứ V. Đại hội làm việc từ ngày 11 đến 20-3-1969, tại khu vực Núi Thầy, thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), có 343 đại biểu đại diện cho 4 vạn đảng viên của toàn Đảng bộ tham dự.
Đại hội đề ra 5 nhiệm vụ cần thực hiện trong hai năm (1969-1970). Về chống Mỹ cứu nước, phải tranh thủ thời cơ thuận lợi để tăng cường củng cố hậu phương, tăng cường xây dựng lực lượng nhằm chi viện miền Nam nhanh nhất, nhiều nhất và tốt nhất, với khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Về xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải ra sức xây dựng kinh tế địa phương vững mạnh, coi nông nghiệp là trọng tâm... Nghị quyết Đại hội đề ra mục tiêu, phát triển kinh tế địa phương, phấn đấu trở thành tỉnh giàu có của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây gồm 31 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Xuân Trường được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Chủ đề của Đại hội là “Phát huy dân chủ, mở rộng khí thế cách mạng tiến công, tiến lên giành thắng lợi lớn nhất trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đại hội đã kiểm điểm đánh giá tình hình Thủ đô sau 4 năm (1964-1967) thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III; đề ra nhiệm vụ, cao trào thi đua sản xuất, chiến đấu, chống Mỹ cứu nước trong những năm 1968-1969.
Đại hội xác định, dù tình hình phát triển như thế nào, Hà Nội cũng tăng cường chiến đấu để bảo vệ vững chắc Thủ đô, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, tổ chức tốt đời sống nhân dân, hết lòng, hết sức chi viện đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của chiến trường miền Nam; chuẩn bị kế hoạch xây dựng lại thành phố sau hòa bình…
Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 24 ủy viên chính thức, 7 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Trân tiếp tục được bầu làm Bí thư Thành ủy.
* Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ tỉnh Hà Đông diễn ra từ ngày 20-6 đến 28-6-1963 với 230 đại biểu tham dự. Đại hội đề ra nhiệm vụ chung đến năm 1965 là ra sức cải tiến công tác quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, củng cố và phát triển hợp tác xã, đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, đưa tỉnh Hà Đông trở thành một vựa lúa, một tỉnh sản xuất nhiều lương thực, chăn nuôi gia súc ở miền Bắc. Toàn tỉnh tích cực phục hồi và phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp địa phương; đẩy mạnh cuộc cách mạng về tư tưởng, văn hóa và kỹ thuật…, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 25 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Xuân Trường được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.
* Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ tỉnh Sơn Tây được tổ chức từ ngày 25-7 đến 2-8-1963 với 202 đại biểu tham dự. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ chung trong 3 năm tiếp theo là: Tích cực khai thác mọi tiềm năng, tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện mạnh mẽ và vững chắc, đồng thời chú ý phát triển công nghiệp địa phương nhằm tự giải quyết hơn nữa vấn đề lương thực, có phần dự trữ và cố gắng giải quyết một số nhu cầu trong tỉnh.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 21 ủy viên. Đồng chí Bạch Thành Phong tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Báo cáo trình tại đại hội đã chỉ ra kết quả 2 năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965): “Thành phố đã giành được những thành tựu to lớn, bước đầu thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tăng cường một bước lực lượng kinh tế quốc doanh, xây dựng cơ sở vật chất cho các ngành kinh tế; tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất mới trong các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, trong khu vực công tư hợp doanh, thực hiện cách mạng tư tưởng và văn hóa, tiến hành nhiều biện pháp cải thiện đời sống thêm một bước”.
Đại hội xác định nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ mới là: Xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các ngành kinh tế, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất, ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp…
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 29 ủy viên chính thức, 6 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Lam tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Thành ủy.
* Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ tỉnh Hà Đông diễn ra từ ngày 20 đến 28-2-1961 với 201 đại biểu tham dự.
Đại hội đề ra nhiệm vụ 5 năm (1961-1965): Phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng chiến đấu, lao động cần cù của nhân dân trong tỉnh, ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện, công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, phát triển giao thông - vận tải, mở rộng và củng cố không ngừng mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã, tiếp tục hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa với các thành phần kinh tế, củng cố và mở rộng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa… Đại hội bầu 27 ủy viên chính thức, 6 ủy viên dự khuyết vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới. Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Nguyễn Xuân Trường.
* Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ tỉnh Sơn Tây diễn ra từ ngày 2 đến 9-2-1961 với 3 nội dung: Phổ biến, học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III; đề ra nhiệm vụ năm 1961 và phương hướng kế hoạch 5 năm (1961-1965); bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới.
Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ 5 năm (1961-1965) là phát huy thắng lợi rực rỡ của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và thắng lợi của 3 năm cải tạo, phát triển kinh tế văn hóa, tuyên truyền tới nhân dân, cán bộ đảng viên những nghị quyết trọng yếu của đại hội, đặc biệt là đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, biến những nghị quyết đó thành hành động thực tế… Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 23 ủy viên chính thức, 5 ủy viên dự khuyết. Bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Bạch Thành Phong.
Đại hội đánh giá thắng lợi cơ bản của Đảng bộ thành phố là đưa Hà Nội từ thành phố tiêu thụ sang thành phố sản xuất. Các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa đã biến đổi về chất và phát triển mạnh. Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô trong nhiệm kỳ là: Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, lấy sản xuất công nghiệp (bao gồm cả tiểu thủ công nghiệp) làm trọng tâm, tiếp tục cải tạo và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành phố theo quy hoạch... Đồng thời, thành phố chú trọng phát triển giáo dục, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Ngày 1-2-1961, đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đại hội, Người đã nói: "Trước hết là Đảng phải chuyển biến mạnh, Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu".
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố mới gồm 30 ủy viên chính thức, 10 ủy viên dự khuyết. Tháng 6-1961, đồng chí Nguyễn Lam được Bộ Chính trị điều động về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
* Đại hội lần thứ II Đảng bộ tỉnh Hà Đông diễn ra tại đình Cống Khê (xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức) từ ngày 11 đến 13-7-1949, với 104 đại biểu tham dự. Với tinh thần "tất cả cho quân sự", "tất cả cho chiến thắng", đại hội quyết định tập trung năng lực vào những vấn đề chủ chốt: Ra sức đào tạo cán bộ, giáo dục đảng viên; thực hiện tất cả cho quân sự, tất cả cho tiền tuyến; đẩy mạnh phong trào thi đua...
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 12 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Vũ Song được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
* Ngày 20-4-1951, Hội nghị đại biểu lần thứ II Đảng bộ tỉnh Sơn Tây được tổ chức ở Suối Dền, xã Tân Dân (nay là xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) trong 7 ngày. Hội nghị có giá trị như kỳ đại hội lần thứ hai, đã thực hiện các nội dung quan trọng: Phổ biến Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; kiểm điểm tình hình, thảo luận biện pháp đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển, củng cố giữ vững cơ sở; thảo luận công tác và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới gồm 11 ủy viên chính thức, 5 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Võ Thanh Hòa, được cấp trên cử về làm Bí thư Tỉnh ủy.
Ngày 25-4-1959, hội nghị vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và phát biểu.
Hội nghị Đảng bộ đã kiểm điểm các mặt công tác năm 1958; thảo luận và quyết nghị nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 1959; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ.
Đại hội đã xác định các nhiệm vụ chung cho năm 1959: Hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh, đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, người buôn bán nhỏ, người vận tải nhỏ… Trong năm 1959, phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa sẽ phát triển tiến tới một cao trào cải tạo xã hội chủ nghĩa cả nội thành và ngoại thành. Cải tạo xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng bộ mà khâu chính là cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh với hình thức cao.
Đảng bộ thành phố cũng xác định đẩy mạnh công cuộc phát triển văn hóa, giáo dục, cải thiện dân sinh và dần dần kiến thiết thành phố về mọi mặt; tăng cường củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, thực hiện nghĩa vụ quân sự góp phần củng cố quốc phòng, kịp thời trấn áp bọn phản cách mạng và ra sức gìn giữ trật tự an ninh chung…
Thay mặt Trung ương Đảng và nhân danh là một đảng viên ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà”.
Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ mới gồm 31 ủy viên, trong đó có 25 ủy viên chính thức. Đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu làm Bí thư Thành ủy.
* Từ ngày 5 đến 7-7-1947, Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Hà Đông diễn ra tại đình làng Hòa Chanh (nay thuộc xã Hòa Lâm), huyện Ứng Hòa. Đại hội ra Nghị quyết về công tác tuyên huấn, kinh tế - tài chính và dự án công tác hành chính kháng chiến, công tác dân quân... Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 7 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Võ Hồng Cương làm Bí thư Tỉnh ủy.
* Đại hội lần thứ nhất Đảng bộ tỉnh Sơn Tây diễn ra tháng 7-1948, làm việc trong 5 ngày tại thôn Yên Mỹ, xã Thái Học, huyện Tùng Thiện với hơn 40 đại biểu tham dự. Đại hội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang, các tổ chức quần chúng và tổ chức kinh tế. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 9 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Thế Tùng làm Bí thư Tỉnh ủy.
Bản quyền thuộc Báo Hànộimới - Cơ quan chủ quản: Thành ủy Hà Nội
Giấy phép số 69/GP-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 20/02/2023.
Địa chỉ trụ sở 1: 44 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Địa chỉ trụ sở 2: 178 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.
ĐT: (024) 38253067 – 39287445
Tổng Biên tập: NGUYỄN MINH ĐỨC
Các Phó Tổng Biên tập: MAI THỊ KIM THOA, LƯƠNG CHÍ CÔNG, LẠI BÁ HÀ
Liên hệ tòa soạn: dientu@hanoimoi.com.vn
Liên hệ quảng cáo: (024) 39286000. Báo giá quảng cáo: Báo điện tử | Báo giấy
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.