Chính trị

Những niềm thành kính sâu sắc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhóm phóng viên 24/07/2024 19:02

Những ngày qua, hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ. Điều đó có thể thấy rất rõ trên các trang mạng xã hội, trong các nhóm zalo cộng đồng...

Từ niềm kính trọng tự đáy lòng, mỗi người đã có cách thức thể hiện độc đáo mang niềm thành kính sâu sắc dành cho Tổng Bí thư - người đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước, dân tộc.

Ra đi để trở về...

Tỏ lòng thành kính với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi người có một cách thể hiện dấu ấn cá nhân. Riêng với nhà văn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Đặng Vương Hưng, hình ảnh Tổng Bí thư hiện lên giản dị, lấp lánh trong bài thơ “Trở về”. Lời của bài thơ dung dị như chính cốt cách con người Tổng Bí thư:

Trở về đất mẹ quê cha

Hóa thành quả ngọt hương hoa trên đồng.

Trở về với núi với sông

Hóa thành gió mát nơi không ưu phiền.

Trở về thế giới Người Hiền

Tiếng thơm còn mãi khắp miền cỏ hoa.

Chia sẻ về bài thơ đăng trên Facebook cá nhân, nhà văn Đặng Vương Hưng nói, sáng sớm 20-7, mở Facebook, thông tin, hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngập tràn. Điều đặc biệt là không ai hỏi ai, đồng loạt rất nhiều người đã đổi hình nền, chuyển thành màu đen trắng... Tình cảm chân thành của người dân dành cho Tổng Bí thư rất đỗi chân thành, tự nhiên và đó chính là nguồn cảm hứng để bài thơ “Trở về” ra đời. Mạch nguồn cảm xúc dâng trào, tác giả sáng tác bài thơ chỉ trong khoảng 15 phút và ngay sau đó đăng trên trang Facebook cá nhân.

Ngay sau khi bài thơ “lên sóng”, số người tham gia bình luận nhiều, sức chia sẻ nhanh, số lượng rất lớn. Cũng chỉ khoảng 2 tiếng sau, bạn Nguyễn Đức Duệ đã phỏng theo bài thơ để phổ nhạc và đăng trên tài khoản Facebook Duệ Nguyễn Đức. Bản nhạc vừa có âm hưởng dân ca, lại vừa mang tiết tấu của rap được nhiều bạn trẻ đón nhận. “Việc bài thơ được nhiều bạn trẻ quan tâm là điều rất tích cực, điều đó cho thấy giới trẻ quan tâm và có trách nhiệm với thời cuộc, chứ không phải bàng quan như ý kiến một số người” - ông Đặng Vương Hưng bày tỏ.

Sự thanh bạch, liêm khiết, dung dị, gần gũi của Tổng Bí thư khiến cộng đồng mạng xã hội như bị mất đi một điều gì đó thiêng liêng và chính nhà văn Đặng Vương Hưng cũng vậy. “Bài thơ viết vào thời điểm Tổng Bí thư rời xa dương gian, nhưng thực chất, đó là sự trở về. Tổng Bí thư đã hòa vào cội nguồn, đã trở về với nhân dân, trở về để sống mãi trong lòng dân tộc” - nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ.

Bài thơ không hô khẩu hiệu, nhưng là cảm xúc tiếp nối cho nhiều người viết tiếp mạch “Trở về”... Nhà điêu khắc Nguyễn Đức Luận, quê ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, hiện làm việc tại xưởng điêu khắc, đúc đồng Nguyễn Đức Luận ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, đã tạc một bức tượng bán thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để thể hiện tình cảm của mình đối với Tổng Bí thư.

Chia sẻ với phóng viên về bức tượng, anh Luận cho biết: “Mấy ngày gần đây, cả nước Việt Nam cùng chung nỗi đau trước sự ra đi của Tổng Bí thư. Việc tôi tạc tượng thể hiện sự hiếu kính, tiếc thương Tổng Bí thư. Chúng tôi chỉ là người dân bình thường, nhưng được chứng kiến những việc làm của Tổng Bí thư vì nước, vì dân nên khi hay tin Tổng Bí thư từ trần, tôi xúc động vô cùng. Tôi chỉ biết nén nỗi đau chung, tập trung tâm trí để tạo chân dung Tổng Bí thư như một lời tri ân, lời tiễn biệt bậc hiền tài…”.

Được biết, anh Luận tạc bức tượng bằng đất trong 4 ngày (từ ngày 20 đến 23-7). Tối 23-7, anh chuyển sang làm khuôn. Trong ngày hôm nay (24-7), anh chuyển sang công đoạn đúc bằng nhựa composite, cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất để kịp Lễ Quốc tang Tổng Bí thư vào ngày 25 và 26-7. “Chúng tôi sẽ ôm tượng Tổng Bí thư đến khu vực Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối. Sau đó, tôi sẽ đúc bức tượng bằng đồng để thể hiện niềm kính yêu đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, anh Luận chia sẻ thêm.

1-tbt.jpg
Anh Nguyễn Đức Luận tạc tượng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trọn niềm tin yêu

Trên nhiều trang mạng xã hội, không chỉ xuất hiện những tác phẩm mới, sáng tác về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn có những thông tin rất đỗi đời thường, nhưng thể hiện lòng thành kính đối với Tổng Bí thư.

Gần đây nhất, thông tin cửa hàng Gia Hân (địa chỉ số 11 Mai Dịch, quận Cầu Giấy) sẵn sàng dành chỗ trong ngôi nhà của mình để trông giữ xe miễn phí cho người dân đến viếng, đưa tiễn Tổng Bí thư về Nghĩa trang Mai Dịch ngày 26-7, đã được cộng đồng mạng đánh giá cao. Đây tuy là hành động nhỏ nhưng thể hiện sự kính trọng và tri ân của những người sống, làm việc tại cửa hàng Gia Hân trong thời khắc tiễn biệt Tổng Bí thư.

Ngay sau khi đăng thông tin trên mạng xã hội, cửa hàng Gia Hân nhận được rất nhiều sự cảm kích của cộng đồng mạng. Trong ngôi nhà bình dân như bao ngôi nhà, chị Trịnh Thị Hà, chủ cửa hàng Gia Hân, cho biết: “Ngày 26-7, khi đoàn xe đưa linh cữu Tổng Bí thư về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, sẽ có hàng nghìn người đến để tiễn đưa. Lúc đó, nhu cầu gửi xe của người dân rất lớn nên gia đình tôi sẵn lòng chia sẻ, trông giữ xe miễn phí để nhiều người có cơ hội được đưa tiễn Tổng Bí thư đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng”.

2(1).jpg
Cửa hàng Gia Hân. Ảnh: Vũ Dung

Trong khi đó, nhằm tri ân một nhân cách lớn của dân tộc, nhiều người dân Hà Nội đã đến chùa cầu siêu, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ ngày 22-7, chư tăng và phật tử chùa Quán Sứ đã lập hương án thờ Tổng Bí thư ngay tại chính điện chùa. Hằng ngày, các chư tăng và phật tử thực hiện các thời khóa tụng kinh để cầu siêu và tưởng niệm Tổng Bí thư. Ngày 23-7, những cơn mưa trắng trời vẫn không ngăn được bước chân người dân đến chùa thắp hương, tụng kinh cầu siêu cho Tổng Bí thư.

3(1).jpg
Người dân tụng kinh tại chùa Quán Sứ. Ảnh: Vũ Dung

Sáng 24-7, gần 100 chư tăng, phật tử cùng nhiều người dân đã đến chùa Quán Sứ tụng kinh cầu siêu. Bà Lê Thị Trúc, ở 226 Nguyễn Khoái, phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) cho biết, mấy ngày nay, ngày nào bà cũng đến chùa để tụng kinh, cầu siêu cho Tổng Bí thư. Đối với bà Trúc, những việc làm của Tổng Bí thư với đất nước vô cùng to lớn, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo kế hoạch, chùa Quán Sứ sẽ thực hiện việc tụng kinh cầu siêu cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến hết ngày 16-8-2024 (tức ngày 13 tháng Bảy âm lịch) nên bà Trúc sẽ nguyện hằng ngày đến đây để tưởng niệm Tổng Bí thư.

Không chỉ người lớn tuổi, nhiều bạn trẻ cũng đến chùa bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương nhà lãnh đạo trí tuệ, kiên trung. Trong hương nhang nghi ngút tỏa bay, tâm hồn mỗi người như lắng lại, dành trọn niềm tin yêu cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã một đời vì nước, vì dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những niềm thành kính sâu sắc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.