Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu bài viết "Quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và quyết tâm thực hiện thắng lợi ước nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Phan Đình Trạc có bài viết: "Quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".
Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu bài viết.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, từ khi còn là một cán bộ trẻ cho đến khi giữ cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu, trăn trở với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, với trọng trách là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, với nhiều quan điểm, chủ trương hết sức quan trọng, có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, nhân văn, nhân ái, đầy sức thuyết phục của người đứng đầu Đảng ta.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nghiêm minh nhưng rất nhân văn và sự mẫu mực về đạo đức cách mạng, sự nhất quán giữa nói và làm, làm đi đôi với nói của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được tiến hành rất quyết liệt, bài bản, toàn diện, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, để lại dấu ấn sâu đậm trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn bè quốc tế.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu về phẩm chất, tài năng, trí tuệ, bản lĩnh của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, suốt đời vì nước, vì dân đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng những tư tưởng, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư mãi mãi là "kim chỉ nam" cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Hơn bao giờ hết, các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tư duy lý luận sắc bén, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh của quyền lực", nó diễn ra trong nội bộ chúng ta, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình, liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, chức vụ, danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân con người; đụng chạm đến những người có chức, có quyền.
Đảng, Nhà nước ta đã thấy sớm và đã chỉ đạo làm nhiều lần, làm quyết liệt, nhưng còn nhiều việc phải làm và còn phải làm lâu dài, quyết liệt hơn nữa, với quyết tâm cao hơn nữa, bền bỉ, kiên trì, không thể nóng vội. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu không được chủ quan, nóng vội, nhưng cũng không được né tránh, cầm chừng, mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không được chững lại, hay chùng xuống trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngay cả khi đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đồng chí cũng lưu ý: Ban Chỉ đạo không phải là "một chiếc đũa thần" có thể xoay chuyển ngay được tình hình. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư thường xuyên nhắc nhở chúng ta phải nhận thức sâu sắc về nguy cơ, tác hại của tham nhũng, nó làm tê liệt sức chiến đấu, tổn thương thanh danh, xói mòn uy tín của Đảng, làm biến chất Đảng, không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn mất người, mất chế độ. Do đó, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược", khó mấy cũng phải tìm mọi cách để làm, làm cho bằng được, làm đến cùng, "nếu ai cảm thấy nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm".
Đồng chí Tổng Bí thư tin tưởng rằng, nếu tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều có quyết tâm lớn, có sự thống nhất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại, thì tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi. Và khi "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy".
Cùng với nhận diện bản chất và tác hại của tham nhũng, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan nảy sinh tham nhũng và khẳng định chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta. Trong đó, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân.
Đây mới là cái gốc, cái nguy hiểm nhất dẫn đến tham nhũng; ngược lại tham nhũng tác động làm cho tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trầm trọng hơn. Vì vậy, phải gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ; tiền bạc, tài sản có thể thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả; phòng, chống tiêu cực tức là trị tận gốc của tham nhũng.
Đồng thời, Tổng Bí thư yêu cầu, phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; không phải đóng cửa để chỉnh đốn Đảng; vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ sớm, từ xa, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, V.I.Lênin đã chỉ rõ, phải "trừng trị một cách không thương xót, kể cả việc đem xử bắn" những đảng viên cộng sản tham nhũng, thậm chí, phải "trừng phạt nặng hơn gấp ba lần" những người ngoài đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã y án tử hình đối với Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu là một điển hình về tính nghiêm minh trong xử lý tham nhũng.
Quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kinh nghiệm quốc tế, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để trị bệnh cứu người, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính.
Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc những hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhưng phải có lý, có tình, nhân văn, nhân ái, với nguyên tắc: Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở bất cứ cương vị công tác nào sai phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, không có vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể.
Quá trình xử lý phải tiến hành đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng nghiêm hơn xử lý theo pháp luật. Không chỉ xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, mà còn xử lý nghiêm cả những người dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; người lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, trong chỉ đạo xử lý tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư luôn yêu cầu việc xử lý phải nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn: Phải phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; trong xử lý phải quán triệt đúng đắn các quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phân hóa giữa người sai phạm vì động cơ cá nhân, vụ lợi với người sai phạm không có động cơ cá nhân, vụ lợi; phải truy tố, xét xử vắng mặt những kẻ phạm tội đang bỏ trốn theo pháp luật; việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm.
Đây là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; được các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, mang lại hiệu quả rõ rệt trong thực tế, tạo bước đột phá mới, là điểm sáng, dấu ấn nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua.
Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị "tha hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh của quyền lực". Do vậy, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là phải kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực, để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, theo đúng nguyên tắc: Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn; lợi dụng, lạm dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý nghiêm minh.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu: Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật; bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân. Công quỹ là của công, cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí công vô tư, công tư phân minh, công trước tư sau, vì công mà quên tư; mọi việc đều xuất phát từ dân, vì dân. Tuyệt đối không được lạm dụng, lợi dụng quyền lực, không được cậy có quyền, uốn thẳng thành cong. Đối với người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa.
Về phía cơ quan, tổ chức, phải quan tâm siết chặt kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn; phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; trong công tác cán bộ và các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật thì càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài; đồng thời, phải công khai quy trình sử dụng, thực thi quyền lực theo pháp luật để cán bộ, Nhân dân giám sát. Từ đó, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải khẩn trương hoàn thiện và thực hiện nghiêm các cơ chế về kiểm soát quyền lực; phải thiết lập cho được cơ chế để Nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả; phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế.
Các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là những cơ quan được giao nhiều quyền lực, hoạt động có nhiều đặc thù, tính chất phức tạp, bí mật; thường xuyên đối mặt với những tiêu cực trong xã hội, khiến cán bộ, công chức dễ bị sa ngã, mua chuộc. Vì thế, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu, hơn ai hết, các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đội ngũ cán bộ làm công tác này phải liêm, phải sạch; không thể "Chân mình còn lấm bê bê/ Lại cầm bó đuốc đi rê chân người".
Do vậy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải được tiến hành nghiêm túc, có hiệu quả ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư đặt ra những đòi hỏi cao hơn về trách nhiệm, bản lĩnh, với lời dặn vô cùng thấm thía và hết sức sâu sắc: "Phải có trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng hành động vì nước, vì dân; có cái đầu đầy bản lĩnh và trí tuệ để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi sự cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán bộ…; "còn Đảng thì còn mình", xứng danh là "thanh bảo kiếm" sắc bén, "lá chắn" thép vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân".
Ngay cả đối với các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu phải đề cao trách nhiệm, là những tấm gương thật sự mẫu mực, quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trình độ, để xứng đáng với niềm tin, tình cảm và nguyện vọng của Nhân dân; nếu ai vướng vào tham nhũng, tiêu cực thì "Tôi" (Đảng, Nhà nước) sẽ xử lý trước.
Để thực hiện mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo: Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể" tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám" tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để "không muốn", "không cần" tham nhũng, tiêu cực. Đây vừa là quan điểm, phương châm mang tính tổng thể trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cũng là một trong những bài học kinh nghiệm quý được đồng chí Tổng Bí thư đúc rút qua hơn 10 năm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn không", theo đồng chí Tổng Bí thư, phải hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị phải rất chặt chẽ, không sơ hở, bất cập, để "không thể tham nhũng, tiêu cực"; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, để "không dám tham nhũng, tiêu cực"; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trở thành nếp sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, để "không muốn tham nhũng, tiêu cực"; thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với cống hiến và tài năng của cán bộ, công chức, viên chức, để "không cần tham nhũng, tiêu cực".
Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quán triệt sâu sắc bài học lịch sử vô giá "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ với Nhân dân, biết lắng nghe ý kiến nhân dân, dựa vào nhân dân. Thực tiễn cho thấy, không có gì mà nhân dân không biết, không có gì có thể qua mắt được Nhân dân; chỉ có phát huy đầy đủ sức mạnh của nhân dân mới có thể đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, tạo thành một "phong trào, xu thế" không thể đảo ngược.
Do vậy, đồng chí Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh: Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nếu không dựa vào dân thì cuộc chiến chống tham nhũng khó có thể thành công. Đồng chí Tổng Bí thư đã dẫn lại những lời chỉ dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhắc nhở các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ghi nhớ sâu sắc và triển khai thực hiện: "Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm"; "phải làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp". Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tham nhũng, tiêu cực không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước, mà còn có sự giúp sức, hỗ trợ đắc lực của các đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước. Mặt khác, tội phạm tham nhũng có tính quốc tế, là vấn nạn của các quốc gia. Vì thế, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước, đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, với nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp của các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ số đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài. Tích cực tham gia các sáng kiến, diễn đàn quốc tế, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.
Nội luật hóa và thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Thường xuyên tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.
Một trong những bài học kinh nghiệm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc rút từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong quá trình hoạt động, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì các cơ quan chức năng chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; nếu vi phạm liên quan đến cán bộ diện cấp ủy quản lý thì báo cáo với Thường trực cấp ủy đó, đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu cho ủy ban kiểm tra cùng cấp để xử lý theo quy định của Đảng. Đồng chí yêu cầu, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tuyệt đối không được "quyền anh quyền tôi", "cua cậy càng, cá cậy vây"; phải "đúng vai, thuộc bài"; "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Nhờ đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở đã có sự chuyển biến rõ nét, từng bước khắc phục hiệu quả tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời của Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với 80 năm tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí Tổng Bí thư trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.