Cả cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành trọn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.
Người dân trên mọi miền đất nước đều bày tỏ lòng tiếc thương khi phải tiễn biệt một vị lãnh đạo tài giỏi, nhân hậu, sống giản dị. Ký ức trào dâng trong những người đã từng có cơ hội được gặp bác.
Tình cảm của người dân quê hương cách mạng
Đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Đại hội II của Đảng, tháng 1-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang - nơi diễn ra Đại hội II của Đảng (xã Vinh Quang trước đây và nay là xã Kim Bình). Tại đây, Tổng Bí thư đã đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn xã. Những hình ảnh giản dị, lời nói nhẹ nhàng mà sâu sắc của Tổng Bí thư vẫn khắc sâu trong tâm trí của người dân nơi đây.
Trong căn nhà sàn nằm yên bình giữa thôn Khuân Nhự, xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa), những bức ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được gia đình ông Hoàng Văn Bảo treo ở nơi trang trọng nhất. Ông Hoàng Văn Bảo (gần 90 tuổi) bồi hồi nhớ lại, ngày 28-1-2011, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên thăm Khu di tích Đại hội II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa. Nghe tin Tổng Bí thư đến thăm gia đình mình, ông Bảo và người thân rất xúc động, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa. Vợ ông vội vàng đặt chõ xôi trên bếp lửa giữa căn nhà sàn truyền thống của người Tày, làm vội những ống cơm lam để làm quà biếu Tổng Bí thư cùng mọi người ăn lót dạ sau chặng đường dài.
Ông Hoàng Văn Bảo chia sẻ: “Trời hôm đó se lạnh, Tổng Bí thư mặc chiếc áo khoác màu ghi đã cũ, mái tóc trắng và khuôn mặt hiền từ. Lần đầu tiên gặp Tổng Bí thư, mọi người đều ấn tượng bởi sự chân thành, giản dị của người đứng đầu Đảng ta. Tổng Bí thư ngồi ngay bên bếp lửa trò chuyện thân tình, ân cần hỏi thăm tình hình gia đình tôi trong kháng chiến và trong cuộc sống hiện tại, tình hình đời sống của nhân dân địa phương một cách thân mật như những người thân lâu ngày về với gia đình. Những câu nói nhỏ nhẹ, tình cảm nhưng là những lời dặn dò vô cùng sâu sắc. Tổng Bí thư mong gia đình, người dân địa phương tích cực hưởng ứng công cuộc đổi mới của Đảng, tham gia đóng góp sức lực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương”.
Ông Bảo thường xuyên căn dặn con, cháu phải sống, học tập, rèn luyện làm sao cho xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình, đặc biệt là những tình cảm mà Tổng Bí thư đã dành cho nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Ông Hoàng Văn Đoan, thôn Khuân Nhự, xã Kim Bình cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây đã được nâng cao. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Thôn có nhà văn hóa, sân thể thao khang trang, người dân có nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Hệ thống kênh mương được bê tông hóa, bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương.
Căn dặn với những mô hình mới
Năm 2018, trong chuyến về làm việc tại tỉnh Đồng Tháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm các nông dân là thành viên của Tâm Quê Hội quán và gia đình chính sách ở xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh). Đã 6 năm trôi qua nhưng trong lòng nhiều người dân nơi đây vẫn vẹn nguyên kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một vị lãnh đạo tài giỏi, nhân hậu, sống giản dị, gần gũi với nhân dân.
Tại Tâm Quê Hội quán hiện trưng bày nhiều hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các thành viên Hội quán. Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự vì người đứng đầu của Đảng đến thăm, động viên. Tất cả hình ảnh liên quan đến Tổng Bí thư đều được chúng tôi lưu giữ để làm kỷ niệm, trưng bày và rất trân quý”.
Ấn tượng nhất trong số đó là bức chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với trích dẫn nội dung đánh giá và chỉ đạo về mô hình Hội quán khi đến xã Tân Thuận Tây vào tháng 4-2018: “Hội quán nông dân là sáng kiến mới của Đồng Tháp. Mong tỉnh tiếp tục thực hiện, mở rộng dần và có tổng kết, đánh giá để có thể trở thành chủ trương chung cả nước”.
Lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư đã thôi thúc Ban Chủ nhiệm, các thành viên Hội quán nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt mô hình. Thời gian qua, gần 50 thành viên trong Hội quán đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất; canh tác xoài theo hướng hữu cơ để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và được cấp mã số vùng trồng.
Trong chuyến về thăm, làm việc tại xã Tân Thuận Tây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đến thăm ông Bùi Hoàng Vũ (thương binh hạng 4/4). Bức ảnh kỷ niệm giữa gia đình ông Vũ với Tổng Bí thư được treo trang trọng tại phòng khách trong ngôi nhà của ông. Những ngày qua, ông Vũ bùi ngùi, thương tiếc và nhớ đến hình ảnh ân cần, thân thuộc của Tổng Bí thư khi đến thăm hỏi, động viên.
Bà Phan Thị Thu Hai, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây chia sẻ, lúc đó, bác Trọng đánh giá cao mô hình Hội quán nông dân. Sau đó, UBND tỉnh đã chọn xã Tân Thuận Tây thực hiện thí điểm mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân.
Tạo sức mạnh phát triển quê hương
Ông Nguyễn Hữu Cần, 74 tuổi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bày tỏ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần về thăm, làm việc tại Quảng Trị; có những chỉ đạo, gợi mở rất quan trọng đối với Đảng bộ và chính quyền trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế, xã hội.
Với tỉnh Quảng Trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: “Ngoài những tiềm năng sẵn có, với Quảng Trị truyền thống cách mạng anh hùng cũng là một nguồn lực, động lực để thúc đẩy phát triển. Tỉnh Quảng Trị đã anh hùng trong chiến đấu, phải thành công trong kiến thiết, dựng xây”. Đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đang hiện thực hóa khát vọng vươn lên. Minh chứng là từ sau giải phóng và nhất là 35 năm Quảng Trị tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên (1/7/1989 - 1/7/2024), tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 7,5%/năm; so với năm 1989 thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 12 lần, đạt 71 triệu đồng. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.