Góc nhìn

"Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn"

Nguyễn Minh Đức 27/07/2024 09:46

1. Cách đây 16 năm, khi đó là phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, tôi được Tổng Biên tập cử đi đưa tin Đoàn công tác do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu thăm bà con bị lũ lụt tại tỉnh Lào Cai. Lúc 14h ngày 12-8-2008, sau khi trực thăng hạ cánh, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đến thẳng thôn Tùng Chỉn I (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát), nơi bị thiệt hại nặng nề nhất.

Trước nỗi đau mất mát của bà con, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, động viên mà mắt ngấn lệ. Tôi còn nhớ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã ôm, vỗ về, động viên một thanh niên “mất cả cha, cả mẹ và 2 em, giờ chỉ còn cháu trơ trọi trên đời”… Đến 19h30 hôm đó, khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ xúc động trước tinh thần đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của đồng bào... Chủ tịch Quốc hội chân tình: "Tôi lên đây để thăm hỏi, nắm tình hình bà con, về tôi sẽ báo cáo Bộ Chính trị và đề nghị Chính phủ có phương án hỗ trợ khắc phục hậu quả; cá nhân tôi không quyết được hỗ trợ tỉnh bao nhiêu kinh phí cả...".

Cũng trong chuyến công tác ấy, ngày hôm sau, khi về tỉnh Yên Bái, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng xắn quần lội nước quá đầu gối, tay xách đôi dép nhựa tiền phong, đội mũ cối vào thăm hỏi, tặng quà các gia đình bị thiệt hại nặng.

Tại trụ sở Tỉnh ủy Yên Bái, Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh đến 12h trưa. Công việc xong xuôi, Chủ tịch Quốc hội nói: "Tôi biết trưa nay, tỉnh đã chuẩn bị cơm nước rồi, nhưng giờ đề nghị các đồng chí ăn cơm cho nhanh để kịp về chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt; còn Đoàn công tác chỉ “xin” mỗi người một nắm xôi mang lên máy bay ăn để về Hà Nội cho sớm còn làm việc".

Thời điểm đó, các đoàn Trung ương về tỉnh công tác đều được "tiền hô hậu ủng", oai phong lắm. Trên đường phố, xe rú còi inh ỏi, trong - ngoài hội trường đều treo băng rôn, biểu ngữ "Nhiệt liệt chào mừng đồng chí X về thăm và làm việc với tỉnh...”. Lại còn có chuyện bàn giao đoàn công tác giữa tỉnh này với tỉnh kia. Cụ thể là, tỉnh tiễn đoàn phải đưa đến hết địa giới hành chính của mình, tỉnh đón thì đợi sẵn, rước đoàn ở nơi giáp ranh, có khi cách hàng trăm cây số mới về đến tỉnh lỵ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thấy việc này phiền phức quá đã đề nghị bỏ. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, cán bộ Trung ương về tỉnh công tác, về với dân là trách nhiệm, không nên bày vẽ chào mừng, đưa rước cho phiền phức, làm khó địa phương…

Đây là những câu chuyện nhỏ thể hiện phong cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà chúng tôi còn nhớ mãi, đó là đức tính mẫu mực, khiêm tốn, gần dân, lo cho dân, chia sẻ với dân và đặc biệt không làm phiền dân...

2. Tôi nhớ mãi lần đầu tiên được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bác hỏi: "Cậu này ở đâu ra thế này"?. Tôi đáp: "Dạ thưa, cháu là phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, học Tổng hợp Văn, đồng môn với bác đấy ạ". Bác vui vẻ động viên: "Thế à! Thế thì yên tâm rồi. Cố gắng làm việc tốt nhé!". Từ đó, trên quãng đời làm báo của mình, chúng tôi luôn có niềm động viên, khích lệ lớn lao - đồng môn với bác Nguyễn Phú Trọng.

76653de44e5bf3587d8a1a2780e27fd3.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với nhà báo Nguyễn Minh Đức tại Hội Báo Xuân toàn quốc năm 2015.

Năm 2011, tôi chuyển công tác, ít có cơ hội được gặp, ít được tiếp xúc, được nghe Tổng Bí thư dặn dò, chỉ dạy... Mãi đến năm 2015, tại Hội báo Xuân toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Hội báo. Thấy tôi ở gian trưng bày của Báo Kinh tế & Đô thị, mặc dù trên đường ra về, Tổng Bí thư vẫn ghé vào thăm. Tổng Bí thư hỏi thăm tình hình hoạt động của báo và nói: “Tôi cũng là người ủng hộ thành lập Báo Kinh tế & Đô thị đấy”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dặn, làm báo phải có tư tướng, phải đúng tôn chỉ mục đích, nội dung phải tập trung vào lĩnh vực kinh tế, đô thị, là những vấn đề mới… Lời dặn của Tổng Bí thư đã khích lệ chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ… Năm 2020, kỷ niệm 20 năm ngày Báo Kinh tế & Đô thị ra số đầu tiên, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Tổng Bí thư vẫn quan tâm, gửi lẵng hoa chúc mừng báo, để thấy một Tổng Bí thư chu đáo, nghĩa tình biết nhường nào…

Với những người làm báo chúng tôi, chấn hưng văn hóa luôn đau đáu trong lòng. Một thời gian dài, lĩnh vực văn hoá chưa được quan tâm đúng mức. Ngày 24-11-2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra. Khi nghe Tổng Bí thư phát biểu, đọc bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, đọc Chân quê của Nguyễn Bính, tôi đã rưng rưng…

Sau khi nhận nhiệm vụ làm Tổng Biên tập Báo Hànộimới, tôi được biết, khi giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đến thăm và làm việc với Báo Hànộimới. Đáng nhớ nhất là sáng 9-10-2002, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố thăm và ký duyệt ma-két các trang Báo Hànộimới hằng ngày số đầu tiên ra 8 trang (số báo ra ngày 10-10-2002) nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2002).

a1.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng ký duyệt ma-két các trang Báo Hànộimới số hằng ngày đầu tiên ra 8 trang, tháng 10-2002.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dặn dò: "Làm báo Đảng địa phương vừa đúng, vừa hay là việc không dễ. Báo Hànộimới phải giữ vững bản lĩnh chính trị, vừa đa dạng về nội dung và đổi mới phương thức thể hiện, vừa mang nét riêng của Hà Nội để ngày càng hấp dẫn bạn đọc". Ngày đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng mong báo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng đáng là tập thể "bản lĩnh, sáng tạo, đổi mới, phát triển". Đó là những lời dạy quý giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới. Chúng tôi, những người làm báo Đảng Thủ đô hôm nay, nguyện nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu học tập và công tác theo những lời chỉ đạo, dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

a2.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng xem ma-két Báo Hànộimới, tháng 6-2005.

3. Con người, tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội tụ nhân cách của một bậc đại nho: “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”; lấp lánh tư tưởng thân dân của Nguyễn Trãi, lòng yêu thương con người bao la của Nguyễn Du... Tổng Bí thư là một nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà khoa học, nhà lý luận, đã kiến giải thấu đáo nhiều vấn đề khó của thời đại... Cao hơn cả, Tổng Bí thư là một người cộng sản chân chính, hiến trọn đời mình cho Đảng, cho đất nước, cho dân tộc. Chắc ai cũng thấm thía câu nói của Tổng Bí thư: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".

Giáo sư Nguyễn Kim Đính, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, là thầy dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm nay đã 93 tuổi, có câu đối tặng học trò khi nhậm chức Tổng Bí thư: Trọng chính, Trọng liêm, hưng Đảng tiết (trọng sự chính trực, trọng sự liêm khiết, chấn hưng khí tiết Đảng); Dương tài, dương trí, kết dân tâm (đề cao người tài, đề cao trí thức, kết chặt lòng dân). Chỉ 14 chữ thôi, nhưng đã phản ánh đầy đủ nhân cách, đạo đức, tài năng và đóng góp lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cả tuần nay, trời mưa tầm tã. Chiều nay trời quang, như để thuận tiễn đưa nhà lãnh đạo lỗi lạc về với thế giới người hiền. Đồng bào đứng kín hai bên đường tiễn đưa Tổng Bí thư, ai cũng xúc động, nhiều người mắt nhòa lệ! Tôi lại nhớ đến câu thơ của Tố Hữu viết khi đưa tiễn Bác Hồ: "Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/Xin nguyện cùng người vươn tới mãi...".

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!

Hà Nội, ngày 26-7-2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.