“Hàng dài người dân đứng dọc hai bên đường cầm di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tiễn biệt ông”, “nhiều chính khách quốc tế và đoàn ngoại giao các nước đã tới lễ viếng và tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”... là những mô tả được các kênh truyền thông quốc tế đăng tải, sử dụng liên tục trong các nội dung về lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Truyền thông quốc tế cũng dành sự chia sẻ đặc biệt trước mất mát to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, bằng những tin, bài phản ánh lễ Quốc tang với sự trân trọng một nhà lãnh đạo chính trực tuyệt vời, trọn đời cống hiến vì nước, vì dân.
Trong bài viết về lễ viếng, truy điệu, an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hãng tin Tân Hoa Xã tường thuật, Chủ tịch nước Tô Lâm đọc điếu văn bày tỏ sự kính trọng và cảm kích đối với "những đóng góp, cống hiến vô cùng to lớn" của Tổng Bí thư cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tân Hoa xã cũng khẳng định, di sản vô giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đã củng cố niềm tin mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của phong trào cộng sản thế giới, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay.
Kênh thông tấn này cũng mô tả, trong hai ngày quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hàng trăm ngàn lượt người đã tới kính viếng với niềm tiếc thương vô hạn ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, quê hương Lại Đà (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) và tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Đài truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc) chia sẻ phát biểu của các nhà quan sát quốc tế cho rằng, việc lãnh đạo nhiều nước tham dự lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, đây cũng là thành quả của việc tích cực đẩy mạnh đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa trong hơn 13 năm đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Đài này khẳng định, việc đẩy mạnh thực hiện đường lối ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa nhằm xây dựng hình ảnh tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó thu hút đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo đó, trong thời gian đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, đây cũng là một trong những lí do khiến lãnh đạo nhiều nước đến tham dự lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hãng tin AP của Mỹ đăng bài tường thuật về tang lễ, trong đó nhắc lại rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "là lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Nhà Trắng" năm 2015. Hãng cũng dẫn lại điện chia buồn từ Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "người đi đầu trong xây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ". Tổng thống Nga Vladimir Putin trong điện chia buồn với Việt Nam đã ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "người bạn thật sự" của nước Nga, đã có những đóng góp to lớn trực tiếp cho phát triển quan hệ song phương.
Các hãng tin khác của Mỹ trong ngày 27-6 (giờ Việt Nam) cũng đăng thông tin về cảnh hàng chục ngàn người xếp hàng đến tận khuya tại Hà Nội để thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhật báo Juventud Rebelde nhắc lại những chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là chuyến đi tới Santiago de Cuba tháng 3-2018 để tưởng niệm người bạn và nhà lãnh đạo lịch sử của Cách mạng Cuba Fidel Castro Ruz. Truyền thông Cuba nêu bật vai trò và tầm ảnh hưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Cuba. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng 5 lần đến thăm Cuba, gặp gỡ, chia sẻ và làm việc với các lãnh đạo cao nhất của Cuba. Mỗi chuyến thăm đều thắt chặt hơn mối quan hệ với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người bạn gần gũi với nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Cuba, như đồng chí Fidel Castro, Raul Castro, cũng như thế hệ lãnh đạo hiện nay.
Trang tin Business Standard của Ấn Độ bày tỏ ấn tượng trước hàng nghìn người đến tham dự Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao các nước. Theo bài viết, ít nhất 210.000 người đã bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà lãnh đạo Việt Nam tại các buổi lễ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và quê nhà của ông ở ngoại ô Thủ đô.
Reuters ghi nhận nhiều lãnh đạo cấp cao các nước đã tới kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như: Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Pyotr Tolstoy; Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hunsen; Phó Chủ tịch kiêm Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell; Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo; nguyên Thủ tướng Nhật Bản, đặc phái viên của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide; Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines; Cố vấn An ninh quốc gia của Thủ tướng Ấn Độ Ajit Doval…
Tờ Nikkei Asia trong bài bình luận mới đăng tải đã nhận định, sự đa dạng của các phái đoàn đến viếng là minh chứng cho chính sách "ngoại giao cây tre" cân bằng và linh hoạt mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thúc đẩy, nhấn mạnh chính sách này khả thi bởi Việt Nam thực sự là một thành viên "đáng tin cậy" của cộng đồng quốc tế.
Trích đánh giá của một số chuyên gia, các kênh truyền thông khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là con người chính trực tuyệt vời, là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược về một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Reuters bình luận: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt Việt Nam thúc đẩy quan hệ với mọi cường quốc, trong đó có Mỹ và Trung Quốc bằng đường lối "ngoại giao cây tre", chèo lái đất nước giữa những cạnh tranh toàn cầu gia tăng và duy trì tăng trưởng kinh tế”.
Trang tin Indian Defence Research Wing, chuyên về nghiên cứu quốc phòng của Ấn Độ có bài viết: Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Kumar Doval tham dự lễ tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho biết trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Doval đã ghi nhận những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ; nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo uyên bác, nhận được sự yêu mến của người dân Ấn Độ.
The Straits Times của Singapore có bài viết nhấn mạnh, sau gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.