(HNM) - Nông nghiệp có vị thế đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô, không chỉ giải bài toán an ninh lương thực mà còn góp phần xây dựng thành phố xanh, thành phố của du lịch sinh thái và trải nghiệm. Do vậy, quy hoạch nông nghiệp Thủ đô cần có cái nhìn tổng quan, phù hợp với sự phát triển chung...
Thiếu quy hoạch, định hướng rõ ràng
Theo thống kê, Hà Nội có tới 70% diện tích nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng xanh, chỉ có 30% phát triển đô thị. Mặc dù là Thủ đô nhưng ngành Nông nghiệp của Hà Nội luôn ở nhóm dẫn đầu cả nước. Do đó, phát triển nông nghiệp Thủ đô gắn với quy hoạch, thế mạnh là việc làm cần thiết.
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, nông nghiệp cần có hướng đi riêng để tạo giá trị về kinh tế và phát huy thế mạnh văn hóa, lịch sử... Với việc quy hoạch các vùng nông nghiệp trọng điểm, Thường Tín đã hình thành chuỗi du lịch về làng nghề nông thôn, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch nông nghiệp sinh thái tại xã Hồng Vân.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, giai đoạn 2011-2020, Sở được giao theo dõi 11 quy hoạch chuyên ngành. Các quy hoạch được triển khai trên định hướng không gian phát triển nông nghiệp, theo vùng sản xuất, theo ngành, lĩnh vực cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, làng nghề... Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nên phần lớn các quy hoạch này đều đã bị biến đổi, điều chỉnh.
Cũng theo ông Tạ Văn Tường, từ năm 2010, Hà Nội đã có định hướng, xây dựng quy hoạch nông nghiệp, song với bối cảnh phát triển hiện nay, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi triển khai các dự án; một số vùng có tình trạng người dân giữ đất chờ dự án, không quan tâm đến sản xuất. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc khai thác kinh tế, dịch vụ, cảnh quan môi trường từ rừng còn nhiều hạn chế như: Thiếu những quy hoạch, định hướng rõ ràng về tầm nhìn phát triển rừng... Đối với quy hoạch đê điều thủy lợi, hiện trạng các dòng sông ô nhiễm là rất đáng báo động. Ngoài ra, việc chưa cụ thể hóa được nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng khu vực bãi sông theo các quyết định phê duyệt của Nhà nước khiến những nơi này chưa phát huy được hết tiềm năng.
Đáng chú ý, các quy hoạch về vùng sản xuất cũng có sự điều chỉnh do tác động của đô thị hóa. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, theo quy hoạch, Thanh Oai sẽ là vùng trồng lúa trọng điểm của Hà Nội, tập trung ở các xã: Tam Hưng, Thanh Văn, Đỗ Động… Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa và phát triển hạ tầng giao thông nên quy hoạch vùng trồng lúa phải điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển chung của huyện và thành phố.
Bảo đảm hài hòa các yếu tố
Từ thực tế trên, có thể thấy, quy hoạch nông nghiệp cần có cái nhìn tổng quan và gắn với sự phát triển chung của Thủ đô. Về vấn đề này, GS.TS Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Hà Nội đang triển khai đồng thời hai quy hoạch quan trọng, đó là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trong các quy hoạch này, Hà Nội cần chú trọng quy hoạch nông nghiệp, nông thôn nhằm bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và phát triển kinh tế.
Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho rằng: Hà Nội cần xác định rõ các lĩnh vực để phát triển, từ đó có quy hoạch vùng phù hợp, bảo đảm, hài hòa với các yếu tố chung của quy hoạch Thủ đô như không gian xanh, môi trường, phát triển văn hóa làng xã, làng nghề truyền thống, quy hoạch rừng, quy hoạch các bãi sông.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Chinh, định hướng xây dựng và quản lý quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tuân theo tiêu chí sinh thái, công nghệ cao và hữu cơ. Nhiều vùng nông nghiệp gắn với các sản phẩm đặc sản như cốm làng Vòng, đào Nhật Tân, quất Tứ Liên… phải được coi là nguồn lực văn hóa, góp phần phát triển Thủ đô. Do đó, Hà Nội phải xác định có những làng 100 năm nữa vẫn là vùng nông thôn phát triển. Đặc biệt, Hà Nội là "đất trăm nghề", trong quy hoạch cần bố trí đất cho làng nghề, tạo khu, vùng sản xuất. Quy hoạch nông nghiệp Hà Nội cần chú trọng cả đến yếu tố văn hóa, du lịch. Bởi, đây là nguồn lực lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với quy hoạch vùng sản xuất. Hà Nội xác định giảm dần diện tích lúa và quy hoạch các vùng chăn nuôi; đồng thời sẽ căn cứ vào quy hoạch chung để có kiến nghị những quy hoạch phù hợp. “Yếu tố cốt lõi vẫn là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái. Từ định hướng này, các địa phương sẽ xây dựng quy hoạch cụ thể cho ngành Nông nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, trải nghiệm”, ông Tạ Văn Tường cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.