Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã xác định 7 nhóm chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đến năm 2025 đạt trên 70% (hiện đang ở mức 46%). Để đạt mục tiêu này đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, trong đó, công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ đóng vai trò then chốt.
406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ có thế mạnh về khoa học công nghệ, nguồn lực, hệ thống cơ chế, chính sách, Hà Nội đã phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đến nay, Hà Nội có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 262 mô hình lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình lĩnh vực thủy sản; tập trung ở các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Thành phố có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; khoảng 20 doanh nghiệp bước đầu đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có duy nhất 1 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức).
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội quy mô chưa lớn nhưng đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập cao và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, công nghệ được lựa chọn ứng dụng chưa đa dạng và chưa có tính đột phá. Trên thực tế chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao của thành phố; việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà trong việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp các vướng mắc về vốn và quỹ đất.
Phát triển theo hướng sinh thái, hiện đại
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, theo yêu cầu của UBND thành phố, Sở đang xây dựng, hoàn thiện “Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030” với mục tiêu thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu này, kế hoạch đặt ra một số nhiệm vụ chính như: Phấn đấu đến năm 2030, tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao để có thể ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội trong sản xuất giống, canh tác và sơ chế sản phẩm nông nghiệp; điều hành, quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ, duy trì và phát triển các điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nhằm tạo tiền đề thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.
Thành phố cũng sẽ hỗ trợ hình thành, duy trì, phát triển khoảng 30 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Phấn đấu đến năm 2030, toàn thành phố có 250 mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thành phố sẽ hình thành và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch được phê duyệt; hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định.
“Chúng tôi cũng đặt tiêu chuẩn sản phẩm của các đơn vị tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường phải đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm, môi trường, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, khu vực hoặc quốc tế khi xuất khẩu”, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.