Với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái gắn với khai thác tiềm năng du lịch, huyện Ba Vì đang từng bước nâng tầm nông sản chủ lực, trong đó nổi bật là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt từ 3 sao trở lên.
Việc kết hợp giữa phát triển nông nghiệp với du lịch, dịch vụ đã và đang tạo "cú hích" trong xây dựng thương hiệu địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Những năm qua, nhiều nông sản của huyện Ba Vì như: Miến dong Minh Hồng (xã Minh Quang), sữa tươi, chè Ba Trại, gà đồi, thịt đà điểu, khoai lang Đồng Thái... đã khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ đầu tư nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, kết nối hiệu quả với hoạt động du lịch, dịch vụ. Những sản phẩm đặc trưng này được người tiêu dùng ưa chuộng, trở thành điểm nhấn trong các tour du lịch tại Ba Vì.
Huyện Ba Vì đã phát triển được 19 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản tiêu biểu như: Chuỗi miến dong Minh Quang, chuỗi chè Ba Trại, chuỗi gà đồi, chuỗi thuốc nam xã Ba Vì, chuỗi sữa tại Tản Lĩnh. Đây chính là nền tảng để kết nối sản xuất nông nghiệp với du lịch trải nghiệm, giúp du khách không chỉ tham quan mà còn trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, tìm hiểu văn hóa bản địa, mua, sử dụng nông sản đặc sắc của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Tuyến, chủ cơ sở sữa Sang Tuyến (xã Tản Lĩnh) chia sẻ, trước đây, bà con chỉ bán sữa cho đơn vị thu mua, nhưng giờ khách du lịch ngày một đông, sản phẩm từ sữa của Ba Vì ngày càng được ưa chuộng và bán chạy hơn. Chị Nguyễn Thị Thiết, chủ hộ kinh doanh chè xanh Tri Kỷ ở xã Yên Bài cũng chia sẻ, nhờ được công nhận OCOP, sản phẩm chè dễ tiếp cận thị trường hơn. Đặc biệt, khi kết hợp với các tour du lịch sinh thái, khách tham quan được trực tiếp thưởng thức và mua sản phẩm từ địa phương, doanh thu tăng rõ rệt.
Ba Vì cũng chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Hiện nay, tổng đàn bò sữa đạt gần 12.000 con, sản lượng sữa đạt 28.000 tấn/năm; gia cầm gần 6 triệu con; nuôi trồng thủy sản phát triển tại các vùng ven sông và hồ Suối Hai với trên 200 lồng bè. Về du lịch, dịch vụ, Ba Vì hiện có hơn 130 cơ sở lưu trú, thu hút gần 3 triệu lượt khách mỗi năm, doanh thu đạt khoảng 430 tỷ đồng. Các điểm du lịch như: Vườn Quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, hồ Suối Hai... đang trở thành điểm đến hấp dẫn nhờ gắn với văn hóa ẩm thực và sản phẩm địa phương.
Nhờ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch kết hợp thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, kinh tế huyện Ba Vì chuyển biến mạnh mẽ. Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm bình quân đạt 10,3%/năm, trong đó thương mại - dịch vụ - du lịch tăng 11,9%, thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/ năm (khu vực nông thôn đạt 71 triệu đồng).
Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực tại Ba Vì là triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tính đến hết năm 2024, toàn huyện đã có 186 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao, trong đó có 97 sản phẩm đạt 4 sao, đến từ 50 đơn vị sản xuất, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Mới đây, huyện Ba Vì tổ chức hội nghị phân hạng 32 sản phẩm OCOP đến từ các xã: Vân Hòa, Tản Lĩnh, Thái Hòa, Sơn Đà, Yên Bài. Kết quả, 100% sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao, trong đó có 4 sản phẩm được đánh giá lại theo chu kỳ, thể hiện sự bền vững và cam kết nâng cao chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên đánh giá, Chương trình OCOP không chỉ là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn bền vững mà còn là nền tảng quan trọng gắn kết nông nghiệp với du lịch, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân. Ba Vì có lợi thế lớn về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng - đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, dịch vụ gắn với sản phẩm OCOP. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu gắn với bản sắc địa phương là nền móng để xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu gắn với kinh tế du lịch, dịch vụ. Huyện Ba Vì tiếp tục khẳng định vị thế là vùng đất có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thu hút du khách bằng giá trị văn hóa và chất lượng sản phẩm địa phương...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.