Luật Thủ đô năm 2024 đã tạo “chìa khóa” giúp Hà Nội tháo gỡ nhiều vướng mắc về khai thác quỹ đất nông thôn, thu hút nhà đầu tư chiến lược... Đây là tiền đề hiện thực hóa mục tiêu đưa nông nghiệp trở thành một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế Thủ đô.
Nhiều năm kể từ ngày Luật Thủ đô năm 2012 đi vào cuộc sống, Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Song bên cạnh các điểm sáng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Thủ đô còn thấp và chưa ổn định. Nông nghiệp công nghệ cao còn ít; chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa theo kịp yêu cầu.
Bên cạnh đó, mặc dù chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô đã đạt được những kết quả nổi bật nhưng kinh tế nông thôn vẫn còn nhiều bất cập.
Trước hết là mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã quy mô nhỏ, năng lực tiếp thu tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới còn thấp; chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế- xã hội của nông thôn. Công tác quản lý xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế. Chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo lao động nông thôn chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị chậm cải thiện.
Theo Bộ Tư pháp, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Luật Thủ đô năm 2012 còn thiếu quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô, làm ảnh hưởng lớn đến tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện của hệ thống chính sách về Thủ đô. Luật chưa có “cây gậy pháp lý” để mở đường cho việc đổi mới và phát triển các mô hình tổ chức kinh tế nông thôn, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp sinh thái.
Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, Luật Thủ đô năm 2024 phân quyền mạnh mẽ cho HĐND thành phố Hà Nội quy định các biện pháp đặc thù về sử dụng đất nông nghiệp; áp dụng ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển khu công nghệ cao.
HĐND thành phố còn được trao thẩm quyền quy định phạm vi, đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên trong các lĩnh vực như: Giống, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...
Đặc biệt, Luật trao cho HĐND thành phố quyền quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan.
Luật Thủ đô năm 2024 cũng trao quyền cho UBND thành phố được quyết định cho phép sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê, cấp phép xây dựng công trình tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy định.
Đây được xem là hành lang pháp lý vững chắc, hứa hẹn tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới.
Không chỉ vậy, Điều 32 của Luật Thủ đô năm 2024 còn có cách đặt vấn đề rất mới đó là, định hình rõ về việc phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng sinh thái, bền vững; chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, nông thôn; phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao.
Trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung được sử dụng đất kết hợp đa mục đích, được bố trí đất nông nghiệp sử dụng vào việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giáo dục trải nghiệm, du lịch sinh thái...
Theo Tiến sĩ Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Luật Thủ đô năm 2024 đã mở ra hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên, để việc triển khai thi hành Luật thực sự mang lại hiệu quả, cần có các chính sách cụ thể hóa rõ và mạnh mẽ nhằm tháo gỡ những tồn tại kéo dài, thúc đẩy các xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Để thực hiện mô hình nông nghiệp bền vững, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị thành phố Hà Nội cần chú trọng đến yếu tố con người, có những giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Song song với đó, đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu từng đối tượng, hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”, đồng thời hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.
Ở góc nhìn khác, Phó giáo sư, Tiến sĩ Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái và gắn với nhu cầu thị trường là đòi hỏi cấp thiết đặt ra. Từ đây, không chỉ giúp định hình nông nghiệp Thủ đô, mà còn tạo động lực thu hút các nguồn lực: Vốn đầu tư, công nghệ và nhân lực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển lĩnh vực này trong những năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.