Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khoảng 25 tỉnh của nước ta có dừa, tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 200.000ha.
Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích trồng dừa, năng suất khoảng 2 triệu tấn/năm. Trong đó, hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang có diện tích trồng dừa lớn nhất với hơn 100.000ha.
Xuất khẩu dừa được phân thành 4 nhóm doanh nghiệp với sản phẩm chính.
Thứ nhất, doanh nghiệp, sản phẩm ngành thực phẩm, mỹ phẩm và y dược. Nhóm ngành dừa này hiện có hơn 45 loại sản phẩm, hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu, đóng góp khoảng 43% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa cả nước.
Thứ hai, doanh nghiệp và sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, gỗ và giá thể nông nghiệp từ dừa với hơn 30 loại sản phẩm đa dạng. Cụ thể, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ, mụn dừa giá thể, than gáo dừa, chất xử lý môi trường từ than và các loại máy móc cơ khí sản xuất chuyên ngành dừa. Loại hình này đang có khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trực tiếp, còn lại là doanh nghiệp thương mại không ổn định, đóng góp khoảng 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Thứ ba, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nguyên liệu như dầu dừa thô, bột béo từ nước dừa, dừa cấp đông, nước cốt dừa cấp đông… Nhóm này hiện có 5 doanh nghiệp trong nước và 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đóng góp khoảng 18% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Thứ tư, nhóm các doanh nghiệp và sản phẩm sản xuất, kinh doanh dừa tươi, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.