(HNM) - Quan hệ giữa Washington và Islamabad tiếp tục có những rạn nứt không đáng có.
Căng thẳng này, tiếp nối sau vụ không kích qua biên giới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm vào hai trạm kiểm soát của Pakistan, làm 24 binh sĩ nước này thiệt mạng tháng 11-2011, đã đẩy Mỹ, phương Tây với đồng minh chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố tại Nam Á vào cuộc khủng hoảng quan hệ. Trước đó, Pakistan đã chính thức bác bỏ các kết quả điều tra của Mỹ trong vụ tấn công của NATO. Quân đội nước này tuyên bố họ không đồng ý với nhiều điểm trong báo cáo điều tra, cho rằng báo cáo này "căn cứ vào những dữ kiện không chính xác". Trong khi đó, giới chức quân sự Mỹ đổ lỗi cho sự phối hợp thiếu chính xác giữa các lực lượng của Pakistan và lực lượng do Mỹ lãnh đạo trong vụ tấn công hôm 26-11-2011. Kết quả điều tra của Mỹ cho rằng, lực lượng của nước này đã hành động để tự vệ và đã dùng hỏa lực thích hợp sau khi bị bắn.
Việc Mỹ dùng máy bay không người lái không kích vào lãnh thổ Pakistan đã gây phẫn nộ đối với người dân nước này. |
Vấn đề cơ bản nhất theo giới chức Pakistan là Mỹ đã vô trách nhiệm. Mặc dù các quan chức Lầu Năm Góc và NATO gọi vụ việc này là một sai lầm nghiêm trọng nhưng Nhà Trắng không xin lỗi cho đến khi có kết quả điều tra. Chính giới tại Islamabad đã tỏ rõ sự giận dữ. Căng thẳng trong việc Pakistan bị gạt sang một bên khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden trong một cuộc tập kích bí mật vào Pakistan (hồi tháng 5-2011) chưa lắng dịu, vụ việc này như "đổ dầu vào lửa". Thậm chí, chỉ huy quân đội Pakistan còn cho phép binh sĩ của mình bắn trả nếu còn bị tấn công. Giới chức nước này còn ra lệnh đóng cửa những tuyến đường chính dẫn đến Afghanistan, chặn những nguồn cung cấp nhiên liệu và nhu yếu phẩm cần thiết được vận chuyển bằng xe tải từ Pakistan. Trên khắp lãnh thổ Pakistan đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Mỹ, một số người còn yêu cầu phải có những cuộc tấn công quân sự trả đũa nhằm vào lực lượng liên quân ở Afghanistan...
Vấn đề ở đây là niềm tin giữa hai bên đã mai một. Đồng minh chiến lược của Mỹ tại Nam Á đã từng thiệt hại hàng nghìn binh sĩ trong các cuộc giao tranh với phiến quân, tiêu hao tiền của trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, những sự việc vừa diễn ra đã phản ánh thực tế rằng, nỗ lực ấy của Islamabad không được Mỹ và phương Tây đánh giá cao. Thậm chí, trong khi căng thẳng diễn ra, máy bay không người lái của Mỹ vẫn tổ chức những đợt không kích vào sâu trong lãnh thổ của Pakistan để tìm và diệt thành trì của phiến quân Taliban và al-Qaeda giáp biên giới Afghanistan.
Thêm vào đó, trong mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là tiến trình hòa đàm với Taliban ở Afghanistan, giữa Washington và Islamabad cũng xuất hiện nhiều bất đồng. Theo lịch trình được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố, ngày 1-2, binh lính Mỹ và các lực lượng quân sự của NATO sẽ chấm dứt các hoạt động tác chiến tại Afghanistan trong năm tới để chuyển sang làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng của Afghanistan đến hết năm 2014. Bởi vậy, Mỹ muốn hòa đàm với Taliban để bảo đảm cho sự yên bình của Afghanistan khi binh sĩ phương Tây rút đi. Tuy nhiên, trong một báo cáo bị rò rỉ, NATO đã cho biết, Taliban được sự hậu thuẫn của Pakistan, dự kiến quay trở lại chiếm đóng Afghanistan sau khi quân đội Mỹ và NATO rút đi vào năm 2014. Ngày 1-2, Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar đã bác bỏ báo cáo này. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân dẫn đến việc cả Mỹ và Pakistan đều tiến hành các cuộc gặp riêng rẽ với lực lượng Taliban. Trong khi Chính phủ Afghanistan và Pakistan đang tìm kiếm các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban tại Saudi Arabia thì các nhà thương thuyết của Taliban có cuộc gặp với các quan chức Mỹ tại Qatar, ngày 29-1, để thảo luận những biện pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan.
Dư luận cho rằng, căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Pakistan khó có thể hàn gắn trong tương lai gần. Vết rạn đó chắc chắn sẽ kéo theo những hệ lụy mà cả Washington lẫn Islamabad đều không mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.