(HNM) - UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030...
Hà Nội đang phát triển cụm công nghiệp hiện đại, giảm thiểu gây ô nhiễm. Ảnh: Sơn Hà |
- Ông có thể cho biết những nội dung quan trọng của Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030?
- Quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; từ đó thực hiện định hướng phát triển công nghiệp hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phát triển công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao; đồng thời, phối hợp với đào tạo ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo sự phân bố dân cư hợp lý, giảm áp lực về dân số và kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho trung tâm Thủ đô.
Bên cạnh đó, phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội được gắn kết với việc phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có, tạo sự liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, giải quyết hợp lý mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ… để vừa bảo đảm phát triển mới, vừa phục vụ việc di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội đô và khu vực dân cư.
Giai đoạn đến năm 2020, trên địa bàn thành phố có 138 cụm công nghiệp, với diện tích khoảng 2.622ha. Trong đó, giữ nguyên, điều chỉnh, mở rộng, hoàn thiện, chuẩn hóa 64 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 1.598ha. Tiếp tục cho tồn tại nhưng hạn chế phát triển, về lâu dài thực hiện theo quy hoạch 22 cụm công nghiệp đang tồn tại trong khu vực vành đai xanh, với tổng diện tích khoảng 429ha. Thành lập mới nhưng có chọn lọc 52 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 596ha.
Các cụm công nghiệp sẽ thu hút các doanh nghiệp phát triển sản xuất mà không phải mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận hoặc bó hẹp sản xuất trong khuôn khổ hiện có.
- Để đồng bộ về cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường, thành phố đã đặt ra yêu cầu thế nào, thưa ông?
- Khi hình thành các cụm công nghiệp mới, thành phố sẽ có chính sách để yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phân tán trong khu dân cư, không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường phải di dời vào các cụm công nghiệp, không để hình thành mới các cơ sở sản xuất như vậy.
Trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng cụm công nghiệp, yêu cầu bắt buộc là phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các cụm công nghiệp mới hình thành phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ chất thải của hoạt động sản xuất công nghiệp, bụi, tiếng ồn đều phải giải quyết triệt để. Hiện tại, thành phố đang xem xét lựa chọn một nhà đầu tư để thực hiện việc xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm nước thải tại các cụm công nghiệp trên toàn thành phố, nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư, đồng thời có cơ hội ứng dụng những thành tựu mới nhất của thế giới vào xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp. Cùng với việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm môi trường tại các cụm công nghiệp, thành phố cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tuân thủ pháp luật về môi trường và xử lý nghiêm các vi phạm.
- Vậy việc đầu tư phát triển các cụm công nghiệp được thực hiện từ nguồn vốn nào? Nếu kêu gọi xã hội hóa thì thành phố có cơ chế gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp?
- Việc triển khai quy hoạch sẽ sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, như ngân sách thành phố, ngân sách các quận, huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nhưng chủ yếu là nguồn vốn của các doanh nghiệp làm chủ đầu tư các cụm công nghiệp.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, thành phố sẽ thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 28 và 32 của Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp cũng được hỗ trợ từ ngân sách theo quy định.
- Hà Nội hiện có nhiều làng nghề môi trường bị ô nhiễm từ hoạt động sản xuất. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
- Thành phố đã thực hiện một số chính sách, như đầu tư xây dựng công trình hạ tầng ngoài hàng rào, hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải và kinh phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 để hình thành các cụm công nghiệp làng nghề… Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đang giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các địa phương xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 28 và 32 của Nghị định 68/2017/NĐ-CP. Việc hình thành các cụm công nghiệp làng nghề sẽ góp phần giải phóng sức sản xuất cho các làng nghề Hà Nội, để các làng nghề phát triển bền vững trong xu thế hội nhập, khắc phục ô nhiễm môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời giải quyết những bất cập trong quá trình đô thị hóa nông thôn hiện nay.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.