(HNM) - Kế hoạch 190/KH-UBND ngày 7-10-2016 của UBND TP Hà Nội về việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công (NCC) với cách mạng trên địa bàn TP Hà Nội theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân và đặc biệt là các gia đình NCC với cách mạng trong diện được thụ hưởng. Tất cả cùng mong muốn sớm được nhận tiền hỗ trợ để có cuộc sống ổn định hơn.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã tích cực triển khai chính sách xây, sửa nhà, hỗ trợ các hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn. |
Anh Nguyễn Văn Nam, cháu nội của mẹ liệt sĩ Lê Thị Tươi ở xã Trường Thịnh (Ứng Hòa) không giấu được niềm vui khi nghe thông tin thành phố có chủ trương hỗ trợ tiền cho NCC xây, sửa nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhà của bà anh đã xuống cấp nhiều lại thuộc diện được hưởng chính sách về sửa chữa nhà nên năm 2014, được dòng họ hỗ trợ và gia đình anh Nam vay mượn thêm để xây mới căn nhà. Nhưng từ đó đến nay bà Lê Thị Tươi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Tương tự, ông Lê Văn Hưng, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) cho biết: Mẹ tôi là mẹ liệt sĩ nên được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. Nhiều năm qua mỏi mắt trông ngóng, nay nghe tin lãnh đạo thành phố quyết tâm thực hiện, chúng tôi mừng lắm. Thế là mẹ tôi sắp có nhà mới để ở rồi.
Cùng với niềm vui của gia đình NCC trong diện được thụ hưởng chính sách xây, sửa nhà dột nát, cán bộ Ngành LĐ-TB&XH các quận, huyện, thị xã những ngày này cũng tất bật công việc rà soát, công khai danh sách, sẵn sàng chung tay thực hiện. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết: Qua rà soát thực tế, toàn huyện có 293 hộ cần hỗ trợ, trong đó có 41 hộ đã tự ứng tiền xây mới và 15 hộ tự ứng tiền sửa chữa. Như vậy, tổng kinh phí huyện Ba Vì cần là hơn 15 tỷ đồng, trong đó kinh phí của Trung ương và thành phố là khoảng 9 tỷ đồng, kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa là hơn 6 tỷ đồng. Hiện tại, huyện Ba Vì đang rà soát lại và niêm yết công khai cho người dân biết, nếu có thắc mắc sẽ giải quyết thấu tình đạt lý để khi nhận được kinh phí của thành phố sẽ triển khai ngay, bảo đảm đúng tiến độ.
Tại huyện Sóc Sơn, qua rà soát lại có 201 hộ thuộc diện được hỗ trợ xây, sửa nhà. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sóc Sơn Đặng Đình Trung cho biết: “Đây là chủ trương của Đảng và Nhà nước dành cho NCC vì vậy phải bảo đảm đúng người, đúng đối tượng, tránh gây thắc mắc, khiếu kiện. Để hoàn thành việc xây, sửa nhà cho NCC trên địa bàn huyện, Trung ương và thành phố sẽ hỗ trợ gần 6 tỷ đồng, vận động xã hội hóa 4,4 tỷ đồng...
Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến ngày 30-9-2016, toàn thành phố còn 7.298 hộ chưa được hỗ trợ xây, sửa nhà, bao gồm 3.520 hộ được hỗ trợ xây mới nhà ở (trong đó 1.649 hộ đã tự xây mới) và 3.778 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở (trong đó 1.190 hộ đã tự sửa chữa). Phó Trưởng phòng NCC, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Lê Minh Hương cho biết: Với chức năng là đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch số 190/KH-UBND, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính trong việc đưa ra mức hỗ trợ, tiêu chí hỗ trợ, mẫu thiết kế nhà ở tham khảo…
Ngân sách trung ương và thành phố sẽ hỗ trợ 3.520 hộ gia đình thuộc diện xây mới nhà ở với mức 40 triệu đồng/hộ và 3.778 hộ thuộc diện sửa chữa nhà ở với mức 20 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, tùy theo số kinh phí huy động thực tế từ nguồn vận động xã hội hóa, UBND thành phố sẽ hỗ trợ thêm 3.520 hộ thuộc diện xây mới nhà với mức 30 triệu đồng/hộ, 3.778 hộ thuộc diện sửa chữa nhà ở với mức 15 triệu đồng/hộ. Ngày 13-10 vừa qua, UBND thành phố đã gặp mặt các doanh nhân và vận động ủng hộ kinh phí xây, sửa nhà cho NCC đồng thời các quận, huyện, thị xã cùng ký cam kết sẽ hoàn thành trước ngày 27-7-2017.
Với sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của TP Hà Nội, tin tưởng rằng các hộ gia đình NCC với cách mạng trên địa bàn thành phố sẽ sớm được thụ hưởng chính sách về nhà ở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.