Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tín hiệu khả quan

Quỳnh Dương| 25/02/2017 06:50

(HNM) - Đúng như dự đoán, vòng đàm phán hòa bình về Syria, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), diễn ra ngày 23-2 tại Geneva (Thụy Sĩ) chưa đạt được đột phá và chỉ là sự khởi đầu cho một tiến trình đàm phán kéo dài.

Cuộc nội chiến tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn thường dân.


Tranh cãi hiện nay giữa các bên vẫn là tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Trong khi phe đối lập yêu cầu nhà lãnh đạo quốc gia Trung Đông phải từ bỏ quyền lực trước khi thành lập một chính phủ chuyển tiếp, Chính phủ Syria lại kiên định lập trường rằng vai trò của ông B.Al-Assad không thể được đưa ra thảo luận. Đây là vấn đề khó nhượng bộ và thỏa hiệp giữa các phe phái đối địch tại Syria trong bối cảnh xung đột và chiến tranh tại quốc gia Trung Đông này sắp bước sang năm thứ 7. Ngay cả nội dung hòa đàm cũng là một vấn đề khó thống nhất. Trước khi cuộc gặp mặt diễn ra, đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria Staffan de Mistura vẫn còn khẳng định về việc đưa quá trình chuyển tiếp chính trị vào chương trình nghị sự, điều mà Damascus bác bỏ.

Mâu thuẫn về số phận của Tổng thống B.Al-Assad từng là nguyên nhân khiến 3 vòng đàm phán diễn ra vào năm ngoái đổ vỡ. Tuy nhiên, vị thế của nhà lãnh đạo Syria đã thay đổi rất nhiều kể từ vòng hòa đàm đầu tiên diễn ra vào tháng 4-2016. Dưới sự hỗ trợ của Nga, Chính phủ Syria đã chiến thắng trên nhiều mặt trận quan trọng, giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, đặc biệt là tại Aleppo.

Theo một số dữ liệu mới công bố, hiện tại, các lực lượng đối lập chỉ còn kiểm soát 13% lãnh thổ Syria. Ngày 24-2, các máy bay chiến đấu của quân đội chính phủ đã tiến hành không kích các khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở các tỉnh Deraa, Hama và Aleppo. Tại tỉnh miền Nam Deraa, nơi giao tranh bùng phát dữ dội trong tuần qua, các máy bay trực thăng của lực lượng chính phủ ném bom xuống mục tiêu của quân nổi dậy. Lực lượng chính phủ cũng nã pháo vào những khu vực ngoại ô phía Tây TP Aleppo. Những chiến thắng quan trọng trên chiến trường đã tạo lợi thế không nhỏ cho chính quyền ông B.Al-Assad trên bàn đàm phán hiện nay và cả sau này.

Bên cạnh đó, hai quốc gia hậu thuẫn lớn nhất cho lực lượng đối lập tại Syria là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có dấu hiệu thay đổi lập trường, làm dấy lên những quan ngại trong lực lượng nổi dậy rằng yêu cầu của họ về việc ông B.Al-Assad phải ra đi sẽ không tiếp tục được "lắng nghe", nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Không ít lần, ông chủ mới của Nhà Trắng tuyên bố sẽ xem xét lại mọi vấn đề liên quan đến sự can dự của Mỹ tại Syria. Còn Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước tuyên bố rằng nước này không còn theo đuổi một giải pháp cho cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng, theo đó yêu cầu ông B.Al-Assad phải từ bỏ quyền lực.

Một lý do nữa khiến các bên liên quan cần nhanh chóng tìm ra giải pháp kết thúc xung đột đó là mối lo ngại ngày càng gia tăng trước sự phát triển của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 3 năm trở lại đây, nhờ cuộc nội chiến Syria, các tay súng IS đã có cơ hội mở rộng địa bàn hoạt động, chiếm tới 30% lãnh thổ nước này. Trong bối cảnh cuộc chiến chống IS tại Iraq đang được đẩy mạnh, nếu tình hình tại Syria không được cải thiện, nhóm tàn quân IS tại Iraq sẽ đổ về nước này khiến cho tình hình quốc gia Trung Đông này càng thêm phức tạp.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, các bên liên quan trên “bàn cờ” Syria sẽ tích cực hợp tác để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đàm phán rồi thất bại, ngừng bắn rồi lại giao tranh. Cơ hội để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hơn 6 năm qua, làm hơn 310.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải tản cư đang lớn dần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những tín hiệu khả quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.