Điểm đến

Tủa Chùa: Biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển du lịch

Bảo Khánh 06/05/2024 - 06:05

Tủa Chùa là huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, nằm cách thành phố Điện Biên Phủ gần 130km. Nơi đây có 3/4 diện tích tự nhiên là đồi núi có độ dốc lớn nên giao thông khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển.

Tuy thế, Tủa Chùa được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ quanh năm cùng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Đây còn là nơi tập trung sinh sống của 7 dân tộc anh em, tạo nên những sắc màu văn hóa đặc sắc và dấu ấn riêng cho vùng đất này...

ta-sin.jpg
Chợ phiên Tả Sìn Thàng, nơi hội tụ những nét văn hóa độc đáo của Tủa Chùa.

Một điểm đến, nhiều trải nghiệm

Nằm ở độ cao từ 800 - 1.800m so với mực nước biển, khí hậu ở Tủa Chùa quanh năm trong lành, mát mẻ. Nơi đây sở hữu cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với những điểm nhấn ấn tượng như rừng thông, rừng hoa ban Tà Si Láng, rừng chè shan tuyết cổ thụ với gần 8.000 cây chè hàng trăm năm tuổi, trong đó có 100 cây đã được công nhận là cây Di sản Việt Nam; cao nguyên đá cổ Tả Phìn dài 4km, hùng vĩ không kém Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Cùng với đó là hệ thống hang động kỳ vĩ, thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá. Hiện nay, Tủa Chùa có 5 hang động đã được công nhận là thắng cảnh quốc gia, gồm hang Xá Nhè, hang Khó Chua La (xã Xá Nhè), hang Pê Rang Ky (xã Huổi Só), hang Thẳm Khến (xã Mường Đun)...

Một điểm nhấn ấn tượng khác của Tủa Chùa là hệ thống ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, được xếp vào “top” đầu của vùng Tây Bắc, tiêu biểu là ruộng bậc thang Đề Dê Hu (xã Sính Phình), cánh đồng Chiếu Tính (Tả Phìn) hay cánh đồng Mâm nổi tiếng tại Háng Khúa (Sín Chải)... Tủa Chùa còn sở hữu một “Hạ Long trên núi” là hệ sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La với 50km đường thủy nội địa chảy qua vùng núi đá soi bóng xuống lòng hồ xanh biếc, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình đầy mê hoặc. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm.

Tủa Chùa là nơi tập trung sinh sống của 7 dân tộc anh em gồm: Kinh, Mông, Thái, Khơ Mú, Dao, Phù Lá, Xạ Phang, trong đó người Mông chiếm hơn 70%. Bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của các dân tộc đã góp phần làm giàu thêm tài nguyên du lịch cho huyện. Tủa Chùa có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, gồm 6 di tích được xếp hạng (4 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh) và 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Có thể kể tới những di sản tiêu biểu như di tích kiến trúc nghệ thuật thành Vàng Lồng, nhà cổ Thống Lý; không gian văn hóa chợ phiên Xá Nhè, Tả Sìn Thàng; các lễ hội truyền thống như lễ Tủ Cải của người Dao, hội chọi dê; các nghề thủ công truyền thống: Rèn, thêu thổ cẩm, làm khèn của người Mông, nghệ thuật thêu giày của người Xạ Khoang... Đến Tủa Chùa, du khách đừng quên thưởng thức đặc sản độc đáo như rượu Mông Pê, dê núi đá, cá sông Đà, gà đen, lợn cắp nách, khoai sọ tím, đậu huyết rồng...

Xây dựng thương hiệu trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa

Còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, đường giao thông nên du lịch Tủa Chùa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, từ năm 2018, Huyện ủy Tủa Chùa đã ban hành Nghị quyết 32, định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; triển khai nhiều giải pháp như thu hút nhà đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí...; liên kết với các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang xây dựng tour tuyến kết nối các điểm du lịch; xây dựng Khu du lịch Tủa Chùa trở thành Khu du lịch quốc gia gắn với phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc, phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch thiên nhiên, văn hóa...

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa Đặng Tiến Công, nhờ quyết tâm khai thác nguồn tài nguyên sẵn có gắn với phát triển du lịch nên năm 2023, Tủa Chùa đã đón trên 22.000 lượt khách; từ đầu năm đến nay, huyện đón trên 10.000 lượt khách du lịch. Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tủa Chùa xác định đón trên 40.000 lượt khách/năm, trong đó khoảng 10% là khách quốc tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, trước mắt, Tủa Chùa tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa, trong đó thị trường khách lớn nhất là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với các sản phẩm du lịch khám phá cảnh quan vùng núi kết hợp tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Thị trường khách quốc tế bao gồm các nước Tây Âu, Đông Bắc Á gắn với loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái; chú trọng các trải nghiệm địa phương như làm nông, thưởng thức ẩm thực... nhằm khuyến khích khách chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.

Đặc biệt, Tủa Chùa chú trọng đổi mới phương thức, nội dung và ứng dụng công nghệ vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhiều du khách nội địa cho biết, họ mong muốn đi du lịch Tủa Chùa vì được xem các đoạn phim, hình ảnh quảng bá về thiên nhiên, văn hóa, con người nơi đây thông qua trang Facebook mang tên “Vẻ đẹp Tủa Chùa” hay kênh YouTube và website của tỉnh Điện Biên.

Theo ông Đặng Tiến Công, thời gian tới, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, huyện tiếp tục chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên việc kết hợp lợi thế về thiên nhiên với sự đa dạng về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; phát triển các mô hình du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù, song song với bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa để phát triển du lịch bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tủa Chùa: Biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.