Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2019: Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu

Hà Hiền| 27/06/2019 06:49

(HNM) - Nhằm khơi dậy ý thức chủ động phòng, chống ma túy trong mỗi người, Tháng hành động phòng, chống ma túy năm nay (diễn ra từ ngày 1 đến 30-6-2019) đã truyền đi thông điệp: Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu.

Tư vấn việc làm cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội).


Không thử ma túy, dù chỉ một lần

Đến một số cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thời gian gần đây, phóng viên Báo Hànộimới ấn tượng với khuôn mặt thư sinh, ánh mắt sáng, nhưng chất chứa nỗi buồn của Nguyễn Văn T. ở khu vực cai nghiện tự nguyện.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, T. cho biết, em sinh năm 1991, trú tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy). Từ nhỏ đến lớn, T. luôn là con ngoan, trò giỏi. Tốt nghiệp trung học phổ thông, T. thi đỗ Trường Đại học Y Hà Nội với số điểm khá cao. Trong một cuộc vui, T. nghe bạn bè rủ và đã thử sử dụng ma túy.

“Lỡ thử rồi mới nhận ra, muốn thoát khỏi ma túy rất khó và vì nó em đã đánh mất ước mơ được chữa bệnh cứu người. Nhưng ân hận hơn cả là em đã khiến những người thân yêu nhất của mình thất vọng. Vì vậy, em muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ: Không được thử ma túy, dù chỉ một lần”, T. bộc bạch.

Trường hợp khác chúng tôi gặp là anh Đoàn Thanh T., trú tại phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm). Trái ngược với vẻ bề ngoài luôn tỏ ra bất cần, khi kể về gia đình, giọng anh chùng xuống: “Tôi đã có vợ và ba con nhỏ, nhưng vẫn mải chơi nên vướng vào ma túy lúc nào không hay. Chỉ vì những phút sống buông thả mà tôi đang làm khổ cả gia đình”...

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội), trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 13.000 người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, tập trung chủ yếu ở độ tuổi thanh niên. Còn trên phạm vi cả nước, vào thời điểm tháng 6-2017, cả nước ghi nhận gần 211.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó số người nghiện ma túy tổng hợp chiếm hơn 60%, số người nghiện có tiền án, tiền sự chiếm khoảng 35%...

Hiện tại, số người nghiện có hồ sơ quản lý tăng lên khoảng 230.000 người, số người nghiện ma túy tổng hợp hoặc sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy chiếm từ 70% đến 75%; số người nghiện có tiền án, tiền sự tăng lên hơn 40%... Đó là số có hồ sơ quản lý, trên thực tế con số này còn lớn hơn nhiều.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, ma túy tổng hợp và các loại chất hướng thần xuất hiện ở nhiều địa phương, vừa để lại hậu quả khôn lường cho người sử dụng, gia đình và xã hội, vừa gây khó khăn cho công tác phòng, chống, giảm thiểu tác hại của ma túy. Nhiều trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần có biểu hiện rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi, gây ra những vụ án nghiêm trọng, khiến người dân lo lắng.

Tác động để thay đổi nhận thức

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, những giải pháp phòng, chống, giảm thiểu tác hại của ma túy đang triển khai như: Hỗ trợ điều trị cai nghiện, tư vấn, hướng nghiệp, định hướng việc làm cho người nghiện sau cai… là cần thiết, nhưng mới tập trung giải quyết phần ngọn của vấn đề. Để ma túy xa dần đời sống xã hội, mỗi người dân, nhất là giới trẻ cần suy nghĩ về những hệ lụy do ma túy gây ra, từ đó chủ động tránh xa.

Trong các gia đình, phụ huynh phải dành thời gian quan tâm nhiều hơn đến con cái, trang bị cho con kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội. Với những người đã vướng vào ma túy, gia đình, cộng đồng cần động viên, giúp đỡ họ cai nghiện, tránh kỳ thị, xa lánh khi họ cai nghiện trở về.

Nghiên cứu về tâm lý, sức khỏe của những người trẻ sử dụng ma túy, bà Nguyễn Thùy Linh, quản lý Chương trình trẻ em và thanh niên của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho biết, không có cách nào phòng, chống, giảm thiểu tác hại của ma túy hiệu quả hơn là mỗi gia đình phải là nơi an toàn đối với giới trẻ. Bởi, nguyên nhân chủ yếu khiến thanh, thiếu niên sử dụng ma túy là muốn khẳng định bản thân hoặc do bị bạo hành, bị lạm dụng…

Nhằm lan tỏa thông điệp “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu”, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội đang tổ chức nhiều hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy theo cả chiều rộng và bề sâu. Những ngày này, điểm tư vấn phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) luôn mở cửa đón tiếp tất cả mọi người có nhu cầu.

Ông Trần Văn H. ở phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) tâm sự: “Nhờ sự động viên, tư vấn tận tình của các bác sĩ, tôi không còn e ngại mọi người biết gia đình mình có thành viên sử dụng ma túy. Tôi sẽ động viên người thân tự nguyện đi cai”...

Theo ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, các điểm tư vấn tại cộng đồng ở các phường: Cầu Diễn, Mỹ Đình 1, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) đã giúp hàng chục người sử dụng ma túy và gia đình họ sớm tiếp cận, sử dụng các dịch vụ điều trị phù hợp để cai nghiện ma túy hiệu quả. Còn trên hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn của huyện Thạch Thất thường xuyên tuyên truyền về tác hại của ma túy.

Với cách tuyên truyền và những việc làm cụ thể nêu trên, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tin tưởng, tình trạng sử dụng trái phép các chất ma túy trên địa bàn thành phố sẽ từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2019: Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.