Xã hội

Hà Nội: Ba mô hình quản lý người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú

Vũ Minh 07/12/2023 - 16:26

Hiện nay, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội duy trì, triển khai ba mô hình quản lý người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Các mô hình “vận hành” hiệu quả, góp phần tạo điểm tựa cho người sau cai nghiện ma túy tránh xa con đường từng lầm lỡ.

Ngày 7-12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả triển khai các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2023.

mo-hinh.jpg
Đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng cùng trao đổi, đánh giá hiệu quả triển khai những mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, mô hình có nhiều người tham gia nhất là “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng” với đội ngũ nòng cốt là Đội công tác xã hội tình nguyện. Mô hình này có mạng lưới gần 1.800 tình nguyện viên, hoạt động ở 330 xã, phường, thị trấn.

Giai đoạn 2021-2023, các tình nguyện viên đã tiếp cận, tư vấn cho gần 3.300 trường hợp có liên quan đến ma túy, qua đó chuyển gửi gần 300 người điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, cai nghiện ma túy tự nguyện, điều trị rối loạn tâm thần. Ngoài ra, lực lượng này còn thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán…

Đáng ghi nhận, các tình nguyện viên, các địa phương đã hỗ trợ 21 người sau cai nghiện ma túy tham gia học nghề để có việc làm, hòa nhập xã hội; đồng thời, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho gần 200 người với nhiều vị trí công việc khác nhau.

Mô hình phổ biến khác được triển khai là “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”. Đến nay, mô hình này hình thành ở 36 xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì...

tu-van.jpg
Hoạt động tư vấn cho người sau cai nghiện ma túy tại điểm tư vấn phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân).

Điểm tư vấn cộng đồng đặt tại Trạm y tế của xã, phường, thị trấn, hoạt động với phương châm coi người nghiện, người sử dụng ma túy cũng như các trường hợp có nguy cơ cao là “khách hàng”. Mô hình này có sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng ở cơ sở, tạo sự phối hợp liên ngành trong công tác điều trị cai nghiện ma túy, nên phát huy hiệu quả khá tích cực.

Dẫn chứng là, thông qua mô hình điểm tư vấn, các lực lượng chức năng đã tổ chức tư vấn về nhiều mặt cho hơn 2.000 lượt người; giúp 156 người sau cai nghiện ma túy tiếp cận với cơ hội học nghề, có việc làm. Ngoài ra, các điểm tư vấn hỗ trợ khám sức khỏe, điều trị bệnh phổ biến cho hàng trăm lượt người; chuyển gửi 49 người đi cai nghiện tự nguyện…

Mô hình thứ ba là Câu lạc bộ quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng (CLB B93). Hoạt động với mục đích tạo môi trường thân thiện, lành mạnh cho những người sau cai nghiện ma túy tham gia sinh hoạt, qua đó, giúp họ hình thành suy nghĩ tích cực, nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng, CLB B93 ngày càng khẳng định rõ vai trò là điểm tựa của những người từng lầm lỡ.

Nhận được sự quan tâm về nhiều mặt, số lượng câu lạc bộ B93 đi vào hoạt động ngày một tăng, hiện có 98 CLB với hơn 700 hội viên. Tham gia sinh hoạt, hội viên các câu lạc bộ B93 được hưởng nhiều quyền lợi, rõ nhất là họ được tư vấn miễn phí về tâm lý, xã hội liên quan đến phòng, chống ma túy, tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, họ được tư vấn về pháp lý, y tế, sức khỏe; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ học nghề theo quy định. Với một số trường hợp đặc biệt, hội viên còn được giới thiệu, chuyển gửi tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ xã hội. Riêng giai đoạn 2021-2023, các CLB B93 hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho hơn 100 hội viên; hỗ trợ 45 gia đình có thành viên là người sau cai nghiện ma túy vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh với kinh phí gần 1,4 tỷ đồng…

Kiên trì đồng hành với người sau cai nghiện ma túy trên bước đường hòa nhập, hiện nay, các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn Hà Nội duy trì và triển khai thực hiện 465 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại 450 xã, phường, thị trấn, đạt 129% chỉ tiêu thành phố giao trong năm 2023, đạt 77,7% chỉ tiêu của cả giai đoạn 2021-2025.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, việc duy trì hoạt động các mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy góp phần củng cố niềm tin cho người sau cai nghiện, gia đình và người dân địa phương, giúp người sau cai ổn định cuộc sống, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn. Vì thế, các cơ quan chức năng cần chủ động khắc phục những hạn chế, đưa các mô hình hoạt động hiệu quả hơn trong những năm tới.

Nhân dịp này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khen thưởng cho 5 tập thể, 15 cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Ba mô hình quản lý người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.