(HNM) - "Luật Dược ra đời 10 năm, dường như không có tác dụng gì, ngành Dược vẫn thế..." - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói như vậy sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày dự án Luật Dược sửa đổi (ngày 18-9).
Nhận xét: Không ngành nào ở nước ta phát triển chậm như ngành Dược... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: Dự án luật này phải mở ra được chiến lược phát triển ngành Dược chứ không chỉ là việc đưa ra các quy định về cấp phép, tiêu chuẩn hành nghề... Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng: Thị trường thuốc ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% thuốc để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong khi nguồn dược liệu ở Việt Nam hết sức đa dạng, kể cả các dược liệu quý hiếm, chất lượng tốt...
"Người Việt Nam sống trên đống thuốc mà không biết sử dụng thuốc" cũng là một nhận định rất đáng để suy nghĩ. Theo một thống kê, Việt Nam có hơn 3.800 loại cây làm thuốc. Trong số đó có hàng trăm loài dược liệu chứa hàm lượng lớn hoạt chất quý (Rutin có trong hoa hòe, curcumin có trong nghệ...), hàng nghìn loại thảo dược được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian, chữa bệnh hiệu quả... Thế giới công nhận Việt Nam có tiềm năng phát triển về dược liệu và y học cổ truyền... Vậy, tại sao chúng ta phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu chế biến thuốc và 50% thuốc?
Có một thực tế, từ nhiều năm nay, thị trường dược liệu, thị trường thuốc Đông y đã bị buông lỏng. Một dạo, khai thác dược liệu cung ứng cho các công ty xuất khẩu trở thành phong trào ở một số địa phương. Hậu quả là thiên niên kiện ở Bình Phước; hậu phác, ô dước ở Tây Ninh... bị lùng sục đến mức kiệt quệ, không còn khả năng phục hồi. Khai thác tràn lan, nhiều khi bán với giá "như cho" nhưng khi mua lại rất đắt. Và đáng nói hơn, nhiều dược liệu từng là thế mạnh của Việt Nam như sa nhân, ý dĩ... đã phải nhập khẩu từ nước ngoài. Mặt khác, các "thượng đế" đến với thị trường dược liệu, thị trường thuốc Đông y đều có cảm giác như lạc vào "ma trận", hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán tràn lan. Đông trùng hạ thảo không biết chất lượng thế nào bởi không nhãn mác, không rõ nguồn gốc; hoàng kỳ, nhân sâm nhiều khi chỉ còn là... rác, bởi bị tách chiết hết hoạt chất trước khi được nhập vào Việt Nam. Chưa kể, việc người ta lợi dụng tính chất giữ nguyên hình dạng sau khi ngâm rượu hay sắc của một số thuốc quý để "tái chế" bã dược liệu rồi tung ra thị trường... Trong khi đó, có hàng trăm loại dược thảo đã chứng minh được hiệu quả nhưng lại không được nghiên cứu một cách bài bản để có định hướng phát triển.
Nguồn dược liệu vô cùng phong phú, nhưng không những không khai thác được nguồn lực này mà còn bỏ ngỏ thị trường cho dược liệu, thuốc nước ngoài tràn vào lũng đoạn... Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là tạo ra hành lang pháp lý và những chính sách đủ mạnh để thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu trong nước. Bên cạnh đó là những quy định đặc thù nhằm gìn giữ các bài thuốc gia truyền cũng như các bài thuốc do các cơ sở y học cổ truyền sản xuất... Sửa đổi Luật Dược nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển của ngành Dược là cần thiết, nhưng sửa đổi thế nào, triển khai thực hiện ra sao để ngành này có thể bảo đảm nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu mới là điều người dân thực sự quan tâm.
Rõ ràng, không thể để một quốc gia được thế giới đánh giá có tiềm năng phát triển về dược liệu phải nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc và người dân "sống trên đống thuốc" mà vẫn phải nhập khẩu tới 50% thuốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.