Công nghiệp văn hóa

Đánh thức "kho vàng" văn hóa bằng công nghệ sốCần một "cú hích" lớn

An Định 14/12/2024 17:35

Với vai trò là một trung tâm sáng tạo, thời gian gần đây Hà Nội tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa sáng tạo có quy mô lớn, với ý tưởng kết nối các giá trị văn hóa, mang đến một cái nhìn có tính chiều sâu từ quá khứ đến hiện tại.

Tuy nhiên, khi muốn tìm hiểu kỹ hơn, công chúng có phần tiếc nuối, hẫng hụt vì còn một lượng lớn tư liệu, tác phẩm quý đang “cất kho”, chưa được số hóa.

tu-lieu-1.jpg
Triển lãm trực tuyến chủ đề “Hỡi đồng bào Thủ đô” giúp công chúng tiếp cận kho tư liệu lịch sử quý một cách sinh động. Ảnh: Hoàng Trà

Khó tiếp cận “kho vàng”

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản (1917 - 1993) là một tên tuổi lớn của nhiếp ảnh Việt Nam. Ông ghi tên mình vào lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam với bộ tư liệu lịch sử bằng hình ảnh độc nhất vô nhị. Gia tài nhiếp ảnh của ông được ví như “biên niên sử bằng hình”, ghi lại những thời điểm trọng đại của lịch sử đấu tranh cách mạng. Chẳng hạn như bức ảnh 34 chiến sĩ đứng trang nghiêm dưới lá cờ đỏ sao vàng, nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc "Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân” trong khu rừng Trần Hưng Đạo; hay hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra lễ đài đọc “Tuyên ngôn Độc lập” giữa Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945...

Tuy nhiên, ngoại trừ một số tác phẩm rất nổi tiếng, còn rất nhiều tác phẩm của ông mà công chúng mới chỉ được... nghe kể. Trong thực tế, đã có những khó khăn trong việc bảo quản, lưu giữ kho di sản lên tới hàng chục nghìn tác phẩm của ông. Vợ ông, bà Cao Bích Thu từng kể rằng trong những năm tháng chiến tranh, lo sợ phim, ảnh của chồng bị thất lạc hoặc bị ẩm mốc nên bà đã gánh toàn bộ phim, ảnh của chồng về quê ngoại ở Ninh Bình cất trong chiếc vò sành, lót vôi bột ở dưới, bịt thật kín để chống ẩm. Sau này, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản đã hiến tặng hàng nghìn bức ảnh lịch sử quý giá cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Quân đội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh... Một số tác phẩm của ông được số hóa, được biết đến rộng rãi, nhưng còn rất nhiều ảnh vẫn đang im lìm trong kho.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, ngoài một lượng ảnh được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ ảnh, Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội Vụ), Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam)…, còn một phần không nhỏ ảnh đang được lưu giữ tại gia đình nghệ sĩ. Vì vậy, việc số hóa và cung cấp cho người xem cơ hội tiếp cận thường xuyên hơn với những bức ảnh chất lượng cao là nhu cầu không chỉ của công chúng mà còn của chính tác giả. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải chia sẻ, năm nay ông đã ngoài 90 tuổi và ông đang tìm nơi để gửi lại tư liệu, với mong muốn những tác phẩm của mình được lưu lại cho đời sau.

Công nghệ làm sống lại lịch sử

Thông qua hàng loạt hoạt động sáng tạo văn hóa, những năm gần đây, công chúng Hà Nội được thưởng thức rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa quý được trưng bày theo những phương thức hiện đại. Điều này cho thấy dấu ấn rõ nét của công nghệ đối với việc kết nối tác phẩm xưa với công chúng hôm nay.

Trong loạt hoạt động kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô vừa qua, nhiều triển lãm ảnh số hóa, ảnh 3D đã mang đến cho công chúng một kho tư liệu đồ sộ, hấp dẫn với cách thức hiện đại, mới mẻ. Chẳng hạn như triển lãm trực tuyến với chủ đề “Hỡi đồng bào Thủ đô” và trưng bày tư liệu tiêu biểu diễn ra tại Nhà khách Chính phủ (số 2 Lê Thạch, phường Tràng Tiền). Triển lãm này tích hợp ảnh cùng hiệu ứng kỹ xảo, âm nhạc, tiếng động cộng với hình ảnh minh họa được thiết kế hài hòa, góp phần dựng nên những câu chuyện lịch sử về Thủ đô Hà Nội. Để thực hiện triển lãm này, các cán bộ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 đã dùng kỹ thuật số hóa nhiều tác phẩm nhiếp ảnh quý và thiết kế xâu chuỗi lại thành câu chuyện. Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, đây là việc làm có ý nghĩa và phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng chuyển đổi số mạnh mẽ ngày nay.

tu-lieu-2.jpg
Bức tranh tường trên mái vòm của tòa nhà Đại học Tổng hợp Hà Nội (số 19 Lê Thánh Tông) được “phục dựng” bằng công nghệ 3D Mapping, mang đến cho người xem ấn tượng thị giác đặc biệt. Ảnh: Linh Tâm

Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 mới đây, công chúng có cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật quý theo một cách thức đặc biệt ấn tượng nhờ công nghệ. Chẳng hạn như các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm “Cảm thức Đông Dương” - diễn ra tại ngôi trường hơn trăm năm tuổi - Đại học Tổng hợp Hà Nội (số 19 Lê Thánh Tông). Trong đó, đặc biệt nhất là hai tác phẩm: Bức tranh tường lớn tại giảng đường chính của họa sĩ Victor Tardieu (tác phẩm phục dựng) và bức tranh tường trên mái vòm được tái hiện bằng công nghệ 3D Mapping. Qua thời gian, cả hai tác phẩm đều đã xuống cấp, thậm chí tác phẩm tranh tường của họa sĩ Victor Tardieu trước đó đã biến mất hoàn toàn và được phục dựng lại vào năm 2006. Tác phẩm đôi chim phượng hoàng trên mái vòm hiện nay cũng đã xuống cấp, nhiều nét vẽ bị phai mờ, khó quan sát bằng mắt thường. Các nghệ sĩ đã nghiên cứu tỉ mỉ, “vẽ” lại những đường nét đó bằng ánh sáng, tái hiện bằng công nghệ để mang đến một cảm xúc mới lạ cho người xem. Hai tác phẩm này giống như lời nhắc nhở rằng chúng ta cần đẩy mạnh việc số hóa, ứng dụng công nghệ để có thể tái hiện, quảng bá những tác phẩm mang tính di sản.

Số hóa nhanh và chất lượng hơn nữa

Các sự kiện văn hóa sáng tạo được tổ chức liên tục gần đây cũng cho thấy chúng ta còn một khối lượng tư liệu, tác phẩm nghệ thuật đồ sộ có tính di sản đang chờ khám phá dần.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô vừa qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 đã công bố gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ gốc đang bảo quản liên quan tới mốc lịch sử Ngày tiếp quản Thủ đô. Theo bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, hiện Trung tâm đang lưu giữ, bảo quản hàng nghìn mét giá tài liệu, lớn nhất trong các đơn vị đang lưu giữ tài liệu, hình ảnh liên quan đến ngày 10-10-1954. Tuy nhiên, để số hóa hết kho tư liệu thì có lẽ cần một khoảng thời gian dài nữa, và công chúng thỉnh thoảng sẽ lại được thưởng thức những tác phẩm “lần đầu được công bố”.

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, có một sự kiện liên quan tới điện ảnh khá thú vị, đó là buổi tọa đàm với chủ đề “Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh các thời kỳ”. Tại đây, các học giả đã đưa ra một sự kết nối về hình ảnh Hà Nội trong các tác phẩm điện ảnh từ xưa đến nay. Tuy nhiên, với những người tham dự tọa đàm - chủ yếu là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên thì tiếp cận sâu hơn những bộ phim đen trắng cách đây 3 - 4 thập kỷ sẽ là việc khá khó khăn. Một con số ở Viện phim Việt Nam chứng minh điều này: Kho phim tại Viện phim Việt Nam đang lưu trữ gần 80.000 cuốn phim, mỗi năm Viện chỉ số hóa được 600 - 700 cuốn phim. Với trang thiết bị và nhân lực hiện tại, để số hóa được hết kho phim này thì cần rất nhiều thời gian.

Theo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, từ năm 1997 Viện được giao quản lý và thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam. Đến nay, Viện đã số hóa được hơn 700 báo cáo khoa học, hơn 1.100 băng phim khoa học và tư liệu, 40.000 ảnh, và đang tạo lập cơ sở dữ liệu dự án văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, việc số hóa di sản phi vật thể, lễ hội truyền thống cũng đang được Cục Di sản văn hóa, Viện Bảo tồn di tích tích cực thực hiện.

Nỗ lực là thế, nhưng theo đánh giá của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Đức, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam, hầu hết việc số hóa hiện nay mới chỉ dừng ở công tác tích hợp dữ liệu, xây dựng ngân hàng ảnh, còn việc khai thác chưa được quan tâm đúng mức. Để đẩy mạnh việc số hóa và đa dạng kênh tiếp cận cho công chúng thì cần có thêm những “cú hích” cả về đầu tư, công nghệ lẫn quyết tâm của những chuyên gia đang nắm giữ tư liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức "kho vàng" văn hóa bằng công nghệ số Cần một "cú hích" lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.