Thế giới

Bất ổn trên chính trường Gruzia: Phủ bóng tối lên triển vọng kinh tế

Thùy Dương 15/12/2024 - 06:34

Việc đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội gây tranh cãi vào tháng 10-2024 và hoãn các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) đã làm bùng lên một làn sóng biểu tình kéo dài ở Tbilisi.

Trong ngày 14-12, Quốc hội Gruzia bầu Tổng thống mới, các nhà đầu tư lo ngại bất ổn chính trị tiếp tục gia tăng sẽ phủ bóng tối lên triển vọng kinh tế ở quốc gia bên bờ Biển Đen này.

cac-cuoc-bieu-tinh-va-bat-on-chinh-tri-anh-huong-nghiem-trong-den-phat-trien-kinh-te-cua-gruzia.-anh-rtvi.jpg
Các cuộc biểu tình và bất ổn chính trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế của Gruzia. Ảnh: RTVI

Cuộc bầu cử ở Gruzia có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên kể từ lần cải cách hiến pháp năm 2017, Tổng thống nước này sẽ được Quốc hội lựa chọn thay vì bỏ phiếu phổ thông.

Theo đó, Tổng thống Gruzia sẽ được bầu bởi một đoàn đại cử tri 300 người, bao gồm 150 đại diện của Quốc hội mới được bầu và 150 đại biểu khu vực.

Đảng Giấc mơ Gruzia vừa chiếm đa số trong Quốc hội, vừa có ảnh hưởng đáng kể tại các khu vực nên ứng cử viên đối lập không có cơ hội chiến thắng. Mặt khác, phe đối lập tẩy chay cả Quốc hội mới được bầu và cuộc bầu cử Tổng thống, do vậy, Giấc mơ Gruzia là đảng duy nhất đưa ra ứng cử viên.

Ứng cử viên Tổng thống mà đảng cầm quyền đề cử là ông Mikheil Kavelashvili, một cựu cầu thủ bóng đá, có thái độ chống phương Tây. Mikheil Kavelashvili cũng là người ủng hộ luật "đặc vụ nước ngoài" gây tranh cãi, đã được Quốc hội thông qua trong bối cảnh biểu tình dữ dội.

Tổng thống đương nhiệm Salome Zourabichvili, đại diện cho phe đối lập ủng hộ gia nhập Liên minh châu Âu đã từ chối công nhận kết quả bầu cử Quốc hội và cho rằng Chính phủ mới là không hợp pháp.

Tổng thống Salome Zourabichvili tuyên bố, với tư cách là "thể chế hợp pháp duy nhất" của đất nước, bà sẽ không rời nhiệm sở sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 16-12.

Tuy nhiên, Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze nêu rõ, bà Salome Zourabichvili “sẽ phải rời” dinh thự Tổng thống ở Tbilisi trước ngày 29-12, thời điểm Tổng thống mới dự kiến nhậm chức. Tình hình Gruzia trước cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống vô cùng căng thẳng. Ngày 13-12 là ngày thứ mười sáu liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình chống Chính phủ.

Quyết định trì hoãn tiến trình gia nhập EU của Gruzia cho đến năm 2028 và các cuộc biểu tình đã phủ bóng lên triển vọng kinh tế của nước này. Gruzia từng là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Âu.

Tuy nhiên, theo cơ quan thống kê Geostat, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Gruzia trong quý III năm nay đã giảm 55,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành ngoại tệ dài hạn (IDR) của nước này từ ổn định sang tiêu cực, đồng thời nhận định, điều này phản ánh những rủi ro ngày càng tăng do bất ổn chính trị và mối quan hệ xấu đi với các đối tác quốc tế quan trọng.

Báo cáo của Fitch cho thấy, “sự phân cực chính trị và xã hội đã tăng đáng kể” và cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng đang diễn ra có thể làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư, làm suy yếu các thể chế công và gây căng thẳng cho thanh khoản bên ngoài.

Trước đó, Ủy ban châu Âu cũng đã khuyến cáo, tình hình chính trị bất ổn của Gruzia và việc hoãn các cuộc đàm phán gia nhập EU có thể ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hiện tại, các khoản tài trợ của EU cho quốc gia này đã bị đình chỉ. Nhiều nước phương Tây, các quốc gia vùng Baltic và Canada cho biết đã có kế hoạch trừng phạt các quan chức chủ chốt của Gruzia. Trong khi đó, Mỹ đã đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia này.

Cộng đồng doanh nghiệp đã phản ứng mạnh mẽ trước thông báo đình chỉ tiến trình gia nhập EU của Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze. Các công ty hàng đầu như Công ty Viễn thông MagtiCom và Silknet, đã lên án hành động của Chính phủ, đồng thời mô tả tư cách thành viên EU là "con đường duy nhất để tiến về phía trước". Các ngân hàng lớn nhất của Gruzia như TBC và Bank of Gruzia, cũng tỏ ra lo lắng khi ngày càng có nhiều nhận định cho rằng, việc từ bỏ quá trình hội nhập EU của Gruzia đang làm lung lay lòng tin của các nhà đầu tư.

Đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia có kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng nền kinh tế trong bốn năm tới, như Thủ tướng Irakli Kobakhidze đã tuyên bố khi công bố Chính phủ mới vào ngày 2-12. Tuy nhiên, việc đình chỉ các cuộc đàm phán gia nhập EU đến năm 2028 đã tác động nhiều mặt đến nền kinh tế và có nguy cơ phá hỏng nhiều năm nỗ lực của Tbilisi. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, động thái này sẽ cô lập đất nước khỏi các đối tác phương Tây và gây nguy hiểm cho sự ổn định kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất ổn trên chính trường Gruzia: Phủ bóng tối lên triển vọng kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.