(HNMO) – Chiều 28/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tiếp công dân.
Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tiếp công dân.
Theo đó, dự luật đã nhấn mạnh trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhất là người đứng đầu. Hoạt động tiếp công dân phải là hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; quy định về việc tiếp công dân cần đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với các quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Dự thảo Luật đã dành một chương riêng quy định về việc tiếp công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, trong đó nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức công tác tiếp công dân tại cơ quan, đơn vị, trực tiếp tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất để lắng nghe, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền.
Dự thảo Luật cũng có sự phân biệt giữa trách nhiệm của các cơ quan hoạt động theo nguyên tắc hành chính với các cơ quan hoạt động theo nguyên tắc tập thể; quy định thống nhất thời gian tiếp định kỳ của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phù hợp với thực tiễn và quy định hiện hành của Luật khiếu nại.
Đối với tiếp công dân mang tính tập trung tại các Trụ sở tiếp công dân, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng gắn hoạt động tiếp công dân tại các Trụ sở này với trách nhiệm của các cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở; quy định thêm việc thành lập các Ban tiếp công dân để làm nhiệm vụ quản lý các Trụ sở tiếp công dân và chủ trì, phối hợp cùng một số cơ quan giúp các cơ quan trung ương của Đảng, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ hoặc các cơ quan của Đảng và Nhà nước ở địa phương tổ chức và thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại các Trụ sở tiếp công dân.
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm công khai lịch tiếp công dân, thành phần tiếp công dân, phạm vi, định hướng nội dung tiếp công dân trong mỗi buổi tiếp công dân định kỳ; bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của người tiếp công dân trong việc thông báo cho người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh biết về kết quả xử lý, thụ lý bước đầu đối với các khiếu nại, tố cáo nhận được và cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân.
Bản dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã nhận được sự đánh giá cao từ các đại biểu. Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân. Theo các đại biểu, dự luật nên linh hoạt quy định, nếu người đứng đầu không tiếp công dân được vì vướng công tác khác thì có thể giao cho cấp phó, có thông báo lịch tiếp công khai. Đồng thời, cần có chế tài đối với người tiếp công dân không hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, việc tiếp công dân không nhất thiết chỉ thực hiện ở cơ quan, có thể bổ sung thêm quy định tiếp công dân ở khu dân cư để cán bộ, lãnh đạo gần dân hơn.
Dự luật Tiếp công dân sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 25/11 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.