Là đô thị có tốc độ đô thị hóa cao với khoảng 10 triệu người sinh sống, Hà Nội phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án.
Trước nhiệm vụ khó này, việc thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân” là “chìa khóa” để giải quyết kịp thời, hiệu quả. Thực tiễn công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cho thấy điều đó.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Mặc cho nắng nóng gay gắt nhưng đội thợ xây ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) vẫn miệt mài hoàn thiện từng phần mộ cho các hộ dân thuộc diện phải di dời để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Những dãy mộ ngay ngắn, được chia theo dòng họ, gia đình đang dần hình thành... Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hồng Hà Trần Ngọc Chiến cho biết: “Địa phương có 304.460m2 đất phải thu hồi để triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, trong đó có 1.050 ngôi mộ thuộc diện di dời. Ngay khi có kế hoạch của thành phố, huyện, xã về giải phóng mặt bằng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, việc di dời mộ đã cơ bản hoàn thành”.
Bí quyết làm nên sự đồng thuận của nhân dân mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hồng Hà đã áp dụng là trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, tuyên truyền, vận động. “Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã xác định tuyên truyền, vận động phải đúng trọng tâm. Vì vậy, Mặt trận đã tổ chức cuộc tọa đàm tang văn minh, mời chức sắc tôn giáo về nói chuyện, trao đổi về đạo, củng cố tâm lý cho nhân dân để công tác di chuyển mộ thực hiện được đúng tiến độ”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hồng Hà Trần Ngọc Chiến chia sẻ thêm.
Còn tại huyện Hoài Đức, từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, gia đình ông Lê Văn Long ở xã Minh Khai cùng nhiều hộ dân khác đã nghiêm túc di chuyển mộ chí phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Cách đây vài tháng, gia đình ông lại khẩn trương thu dọn hoa màu, cây ăn quả trên đất nông nghiệp để bàn giao đất cho Nhà nước. Ông Lê Văn Long cho biết: “Từ khi có chủ trương thu hồi đất thực hiện Dự án đường Vành đai 4, chúng tôi đã được cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động; được đối thoại với lãnh đạo xã để trình bày những băn khoăn, vướng mắc. Khi được giải đáp thông suốt, chúng tôi rất đồng tình ủng hộ và chấp hành nghiêm”.
Thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) có 3,2ha đất của 53 hộ gia đình và 24 ngôi mộ nằm rải rác ở các xứ đồng cũng thuộc diện phải di dời, giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa Hà Văn Quyết cho biết: “Hiểu được tầm quan trọng của dự án, cán bộ xã, thôn thường xuyên nắm tình hình, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền tổ chức các hội nghị đối thoại và hỗ trợ để người dân yên tâm thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong việc xác định mốc giới và triển khai công tác đền bù, hỗ trợ theo chỉ đạo của xã, huyện, thành phố”.
Với tinh thần nêu gương, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Kim Tiền Hà Văn Quyết cùng gia đình đi đầu bàn giao toàn bộ hơn 1.000m2 đất nông nghiệp gia đình đang canh tác để thực hiện dự án. Bằng sự kiên trì, gần gũi, khéo léo vận động của cấp ủy, chính quyền, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể, thôn Kim Tiền trở thành thôn đầu tiên của xã Kim Hoa di dời được toàn bộ 24 ngôi mộ.
Khi lòng dân đồng thuận
Để Dự án đường Vành đai 4 được khởi công đúng tiến độ, ngay từ những ngày đầu triển khai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội xác định phải tiếp tục nắm bắt dư luận nhân dân để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: “Năm 2023, Mặt trận đặc biệt quan tâm đến công tác đối thoại để nắm tình hình và gỡ khó cho cơ sở trong quá trình triển khai Dự án đường Vành đai 4. Cùng với đó là giám sát kết quả, tiến độ thực hiện các cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình thực hiện để không phát sinh điểm nóng”. Vì vậy, Mặt trận các cấp đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nắm bắt tình hình tại các quận, huyện nơi dự án đi qua.
Cùng với đó, ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã ký giao ước thi đua giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua để góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện giao ước đã ký, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Oai Nguyễn Thị Bích Thủy thông tin: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã hướng dẫn ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng các địa phương có dự án đi qua tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về giải phóng mặt bằng, tái định cư... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên và UBND huyện tích cực đối thoại, giám sát, tiếp dân, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của nhân dân”.
Còn tại huyện Sóc Sơn, nhờ tăng cường đối thoại, gặp gỡ nhân dân mà phương án kiểm kê, đền bù giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 đã nhận được sự đồng thuận cao của đảng viên, nhân dân... Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Sóc Sơn Vương Nguyên Minh chia sẻ thêm: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện sẽ tiếp tục bám dân, công khai, minh bạch các thông tin về dự án. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các tổ chức tôn giáo trong tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị đại biểu nhân dân, ngày hội đại đoàn kết để bảo đảm hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng”.
Dự án đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh dài 11,2km, đi qua 5 xã, cần di dời 370 ngôi mộ và diện tích giải phóng mặt bằng là 140ha. Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm khẳng định: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm của hệ thống Mặt trận, huyện Mê Linh đã chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được 121,19ha, đạt 99,2% diện tích đất nông nghiệp, đất giao thông thủy lợi và đạt 85,6% diện tích toàn tuyến đoạn qua huyện, với tổng số tiền chi trả đạt trên 700 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao. Huyện phấn đấu đến tháng 12-2023 hoàn thành bàn giao mặt bằng 100% diện tích”.
Tại huyện Thường Tín, ngay khi triển khai dự án này, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện đã xác định công tác Mặt trận phải đi trước một bước. Trong đó, Trưởng ban Công tác Mặt trận là những người được huy động tham gia đầu tiên. Do đó, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2023, huyện Thường Tín đã bồi thường, di chuyển được hơn 1.700 ngôi mộ. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thường Tín Lê Tuấn Dũng cho biết: “Kết quả này có được là nhờ sự góp sức của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Riêng với Mặt trận các cấp của huyện, khi thực hiện nhiệm vụ của mình, chúng tôi đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện, các nhà chùa tại địa phương có dự án đi qua cùng vào cuộc tuyên truyền, vừa để bảo đảm yếu tố tâm linh vừa tạo sự tin tưởng cho nhân dân khi di chuyển mồ mả, nên kết quả đạt được rất tốt”.
Ngày 16-6-2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó xác định tiến độ trong tháng 6-2023 phải hoàn thành giải phóng mặt bằng ít nhất 70% diện tích và khởi công dự án. Chỉ có khoảng một năm là thời gian rất ngắn so với quy mô, tính chất của nhiệm vụ trên. Thế nhưng, như chúng ta thấy, Hà Nội đã khởi công dự án vào ngày 25-6-2023 và 7 quận, huyện đã hoàn thành vượt mức tiến độ giải phóng mặt bằng. Đến nay, 7 quận, huyện đã giải phóng mặt bằng được hơn 706ha, đạt 89,03%.
Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất làm nên kết quả đó thì chính là làm sao để có được sự đồng thuận của nhân dân. Và để được nhân dân đồng thuận thì Bí thư các quận, huyện ủy đã trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo, trực tiếp, thường xuyên xuống cơ sở tiếp xúc với dân, đối thoại với dân để tuyên truyền, vận động, giải thích.
Người dân các địa phương đều có chung nhận định, từ trước đến nay chưa có dự án nào mà công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện bài bản, thuyết phục như Dự án đường Vành đai 4. Đồng tình với nhận định đó, PGS.TS, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường khẳng định, công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 tại Hà Nội thực sự là kiểu mẫu. Có thể khẳng định, bài học quyết định, “chìa khóa” thành công chính là ở chỗ người đứng đầu cấp ủy quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên trực tiếp tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại và xử lý ý kiến, kiến nghị của nhân dân.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.