Nghị quyết và Cuộc sống

Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân: “Chìa khóa” củng cố niềm tin

Hà Vũ 27/10/2023 - 06:13

LTS: Đối với bất kỳ địa phương nào, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Nơi nào cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu quan tâm, có trách nhiệm đối với công tác này, thường xuyên tiếp, đối thoại trực tiếp với người dân thì nơi đó tình hình ổn định, tạo được sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, và ngược lại.

Thực tiễn tại Hà Nội cho thấy, cấp ủy - nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp - phải thực sự xem trọng nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp tham gia tiếp dân, trực tiếp đối thoại với dân, bởi đây là “chìa khóa” tháo bỏ bức xúc, củng cố niềm tin. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài: “Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân: “Chìa khóa” củng cố niềm tin”.

Bài 1: Câu chuyện 6 năm và cuộc gặp với Bí thư Thành ủy

Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2023, bà Bùi Thị Thanh (tổ dân phố Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) và gia đình có một niềm vui lớn. Sau hơn 6 năm phải đi ở nhờ tại Khu tập thể Trường Trung học cơ sở thị trấn Quốc Oai, bà Thanh có ngôi nhà của riêng mình khi vừa được chính quyền địa phương cấp cho mảnh đất, còn hỗ trợ một khoản kinh phí để xây nhà.

Đây là kết quả chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi tiếp và giải quyết đơn của bà Thanh cách đó 15 ngày.

bi-thu.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tiếp và giải quyết đơn thư của bà Bùi Thị Thanh (huyện Quốc Oai) ngày 11-7-2023. Ảnh: Nhật Nam

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Đứng trước mảnh đất vừa được giao với khuôn mặt rạng ngời niềm vui, bà Thanh kể: "Ngày 11-7-2023, tôi được mời lên trụ sở Ban Tiếp công dân UBND thành phố Hà Nội (số 34 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) gặp đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng để trình bày đơn.

Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường báo cáo về phương án giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật...".

Sau khi trực tiếp nghiên cứu kỹ hồ sơ và lắng nghe ý kiến các bên liên quan, kết luận chỉ đạo giải quyết vụ việc, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cấp đất ở cho hộ gia đình chính sách như trường hợp gia đình bà Bùi Thị Thanh là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Bí thư Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, huyện Quốc Oai và các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện nhanh các thủ tục để giao đất cho gia đình bà Thanh trước ngày 27-7-2023.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, ngay sau buổi tiếp công dân, các cơ quan chức năng đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Ngày 12-7, Ban Nội chính Thành ủy ra Thông báo số 139 về kết luận của Bí thư Thành ủy; đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình, giám sát, đôn đốc việc thực hiện. UBND huyện Quốc Oai đã giao cho UBND thị trấn Quốc Oai chuẩn bị mặt bằng, xác định ranh giới, mốc giới. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai hướng dẫn bà Thanh hoàn thiện các thủ tục để được nhận đất theo quy định.

Và đúng như chỉ đạo của đồng chí Đinh Tiến Dũng, đáp ứng niềm mong đợi của gia đình bà Thanh, ngay trước Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, chiều 26-7, chính quyền địa phương đã tổ chức tạm giao đất cho bà Bùi Thị Thanh. Thửa đất số 6, rộng 43,7m2 tại tổ dân phố Du Nghệ, vừa thuận tiện về giao thông, lại giáp với chợ thị trấn Quốc Oai, thực sự càng làm cho niềm vui của gia đình nhân lên.

Chia sẻ với phóng viên về niềm vui sau 6 năm chờ đợi, bà Bùi Thị Thanh nói: “Gia đình tôi rất phấn khởi. Bà con lối xóm ai cũng hỏi thăm động viên, chung vui. Quả thực những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng rất đúng đắn, kịp thời”.

Cũng như trường hợp gia đình bà Bùi Thị Thanh, từ đầu năm 2023 đến nay, đồng chí Đinh Tiến Dũng đã tiếp công dân, giải quyết 4 vụ việc khác. Tại các buổi tiếp, trước những phân tích có lý, có tình, các công dân đều đồng thuận và cảm ơn sự quan tâm của người đứng đầu Thành ủy Hà Nội. Mặc dù đây đều là các vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài, nhưng đến nay tất cả đã được giải quyết xong. Bí thư Thành ủy Hà Nội còn trực tiếp tham gia 4 cuộc đối thoại với sự tham gia của 33.000 đại diện các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy Hà Nội đã ủy quyền cho Ban Nội chính Thành ủy tiếp 24 buổi với 62 lượt công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố và tiếp nhận 4.251 đơn, thư của công dân để xử lý.

Bài học quyết định

tiep-dan.jpg
Người dân phát biểu tại Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh, tháng 9-2023. Ảnh: Nguyễn Tuyền

Có thể nói, trách nhiệm của đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy trong thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị của dân” là tấm gương để cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cấp làm theo, chú trọng thực hiện tốt công tác này. Trên tinh thần đó, nhiều cấp ủy, người đứng đầu quận, huyện, thị xã đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp tiếp dân, đối thoại với dân; xử lý ý kiến, kiến nghị của người dân.

Tiêu biểu, tại quận Hai Bà Trưng, mặc dù địa bàn có nhiều dự án cần giải phóng mặt bằng, hầu hết đều khó khăn, phức tạp, nhưng tình hình đơn, thư khiếu kiện những năm gần đây đã giảm đáng kể. Những dự án quan trọng như đường Vành đai 1, Vành đai 2 dưới thấp và trên cao đều được giải phóng mặt bằng thông suốt. Giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng là quận đã tập trung tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Nam chia sẻ quan điểm: “Đối với quận, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đều phải xác định rõ, người dân là trung tâm, là chủ thể trong xây dựng và phát triển. Phục vụ cuộc sống người dân là mục tiêu, là động lực trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các phòng, ban, ngành phải tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân; lắng nghe, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ... Ngoài việc tiếp xúc, đối thoại, cần phải tăng cường nắm bắt tình hình dư luận nhân dân, duy trì công tác tiếp công dân và kịp thời giải quyết các đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo”.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức thông tin, trong 9 tháng của năm 2023, cấp ủy các quận, huyện, thị xã đã ban hành, triển khai 74 văn bản, 33 kế hoạch. Cấp ủy phường, xã, thị trấn đã ban hành triển khai 984 văn bản, hơn 600 kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ của Bộ Chính trị. Bí thư các quận, huyện, thị ủy đã tổ chức 273 cuộc tiếp 3.023 lượt công dân, tiếp nhận 2.520 đơn, thư. Bí thư các xã, phường, thị trấn đã tiếp 2.052 cuộc với 6.708 lượt công dân... Các cấp ủy, các ngành của thành phố đã chủ động phân công và công khai lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo; tổ chức đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền. Một số đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ này là các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoài Đức, Mê Linh, Long Biên, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Trì...

Có thể nói sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện xuyên suốt từ thành phố xuống cơ sở đối với nhiệm vụ tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý ý kiến, kiến nghị của dân tại Hà Nội đã tạo ra bước chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, củng cố niềm tin trong nhân dân. Thống kê của Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cho biết, so với cùng kỳ năm 2022, số vụ khiếu kiện đông người, đơn, thư trên địa bàn Hà Nội đã giảm khoảng 15%.

(Còn nữa)

5 vụ việc được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trực tiếp giải quyết

1. Vụ việc bà Bùi Thị Thanh (tổ dân phố Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai) kiến nghị cấp đất cho hộ người có công chưa có đất ở: UBND thị trấn Quốc Oai đã cấp đất và hỗ trợ gia đình xây nhà.

2. Vụ việc ông Phạm Văn Sang và 3 hộ công dân khác phản
ánh việc UBND phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) cách đây
20 năm sử dụng đất làm trụ sở UBND phường, nhưng không giải quyết đền bù: UBND quận Hoàng Mai đã rà soát quỹ đất để bố trí cho các hộ dân tại ô đất số N5B Khu tái định cư X2A, phường Yên Sở, diện tích 416,7m2.

3. Vụ việc bà Phan Thị Nghĩa (ngõ chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa) tố cáo hộ liền kề vi phạm trật tự xây dựng: UBND quận Đống Đa đã giải quyết cơ bản xong các đề nghị của bà Phan Thị Nghĩa theo đúng quy định của pháp luật.

4. Vụ việc bà Nguyễn Thị Chức đề nghị UBND xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa trả lại gia đình bà 90,72m2 đất ở do UBND xã Hòa Nam mượn sử dụng từ năm 1983 để xây trường học (sau đó cải tạo xây dựng trụ sở làm việc) và 845,3m2 hiện UBND xã Hòa Nam đã san nền, xây tường bao: UBND huyện Ứng Hòa đã báo cáo UBND thành phố thu hồi 91m2 đất công do UBND xã Hòa Nam quản lý, giao cho UBND huyện Ứng Hòa để giao đất cho gia đình bà Nguyễn Thị Chức và giải quyết các khiếu nại khác theo quy định.

5. Vụ việc ông Nguyễn Văn Quang (thôn Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh) đề nghị giải quyết chế độ chính sách và trao Bằng truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: UBND huyện Đông Anh đã giải quyết xong, bảo đảm đúng quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân: “Chìa khóa” củng cố niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.