Chính trị

Hà Nội sẽ đi đầu trong “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

Đình Hiệp 06/12/2024 10:46

Đảng bộ Hà Nội là địa phương gương mẫu, đi đầu trong thực hiện tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự hội nghị. Ảnh: Quang Thái
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Sáng 6-12, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã truyền đạt những nội dung chính về tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Chủ trương có tầm chiến lược phát triển đất nước

Mở đầu bài giảng, GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá cao sự chủ động của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong việc triển khai đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm.

GS.TS Phùng Hữu Phú trình bày các nội dung chính tư tưởng lớn của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm về
GS.TS Phùng Hữu Phú trình bày các nội dung chính tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: Quang Thái

“Điều đó cho thấy Đảng bộ Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước trong triển khai thực hiện chủ trương lớn này của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm, trong khi các địa phương khác đang chuẩn bị tổ chức thực hiện” - GS.TS Phùng Hữu Phú khẳng định.

Theo GS Phùng Hữu Phú, tời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều bài viết, bài nói đã đề cập chủ trương lớn của Đảng ta về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định.

Đây là một chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao.

Từ yêu cầu cấp thiết trên, GS.TS Phùng Hữu Phú phân tích các nội dung quan trọng liên quan đến chủ trương lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Cụ thể là các khái niệm về Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình; Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Trong đó, ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Trong gần 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhìn tổng quát, dân tộc Việt Nam đã trải qua hai kỷ nguyên vẻ vang. Bây giờ, Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà thời điểm mở đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986-2026).

ph1.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Thái

7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

GS.TS Phùng Hữu Phú nêu bật 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm gồm: Việc cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; cán bộ; chống lãng phí và về kinh tế.

Thứ nhất, về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng, theo Tổng Bí thư, trong hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

ph3.jpg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Trong đó, cần thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ "tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.

Đồng thời, phải đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các "tế bào" của Đảng; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng...

Thứ hai, về tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Tổng Bí thư nêu rõ sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, theo Tổng Bí thư, thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn", đặt ra yêu cầu cấp thiết phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư nhấn mạnh, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Thứ ba, về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng Bí thư khẳng định nhiệm vụ này đang đặt ra rất cấp thiết. Nêu chủ trương chiến lược, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu," đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.

ph4.jpg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Thứ tư, về chuyển đổi số, Tổng Bí thư phân tích, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số" - trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số…

Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị sẽ sớm nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia để lãnh đạo thực hiện quyết liệt trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị.

Thứ năm, về chống lãng phí, dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô", Tổng Bí thư chỉ ra, lãng phí hiện nay diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Chỉ ra một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt, Tổng Bí thư đồng thời nêu các giải pháp chiến lược để giải quyết tình trạng này trong những năm tới.

Trong đó cần giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện", "cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày".

Thứ sáu, về cán bộ, khẳng định cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề "rất trọng yếu", "quyết định mọi việc," "cán bộ là cái gốc của mọi công việc," là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, Tổng Bí thư nhắc nhở, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết.

Trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số.

Thứ bảy, về kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận, tổng thể kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng liên tục từ khi thực hiện Cương lĩnh 1991, thường xuyên ở trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới, đưa Việt Nam từ nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình.

Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tập trung xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh của Đảng đã xác định (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo)…

ph2.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Thái

Hà Nội hội tụ đầy đủ nhất những yếu tố để đi đầu

Kết thúc bài giảng, GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá, thành phố Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ nhất những yếu tố để đi đầu trong sự nghiệp kiến tạo “Kỷ nguyên mới - Kỳ nguyên vươn mình của dân tộc”. Chưa bao giờ Hà Nội có những điều kiện thuận lợi như bây giờ để đi tiên phong trong kiến tạo kỷ nguyên mới.

Trong đó, Hà Nội đã làm được những việc rất quan trọng. Cụ thể, với Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô (sửa đổi) là hành lang pháp lý quan trọng, tạo nhiều cơ chế đặc thù để phát huy vai trò chủ động, nhất là Luật Thủ đô lại được thực hiện theo tư duy “Hà Nội quyết, Hà Nội làm, Hà Nội tự chịu trách nhiệm”.

GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, Hà Nội đang triển khai nhiều điểm theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; sắp tới là Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Cùng với đó, thành phố ngày càng chú trọng phát triển văn hóa, chú trọng đổi mới căn bản, cải cách hành chính, từng bước thực hiện quy hoạch, nhất là hệ thống giao thông. Mục tiêu có một Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là một khả năng hiện thực. Tất cả phụ thuộc vào nhận thức, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

“Sau 70 năm Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã làm được nhiều việc rất quan trọng. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, hy vọng Hà Nội dứt khoát có thể, phải đi đầu trong kiến tạo kỷ nguyên mới để có một Hà Nội vươn mình trong một dân tộc Việt Nam vươn mình”, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sẽ đi đầu trong “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.