Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã để lại một quy luật và cũng là kinh nghiệm quý báu: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước, xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc.
Góp phần gìn giữ và phát huy kinh nghiệm quý báu đó, Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22-12 hằng năm là đỉnh cao của việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi thể hiện quân với dân một ý chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Quyết định mang tầm chiến lược của Đảng
Cách đây 80 năm, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là một mốc son chói lọi đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là tiền thân của một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Đó là quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, luôn gắn bó máu thịt, “đồng cam, cộng khổ” với nhân dân. Một quân đội kiểu mới không ngừng lớn mạnh, đã đánh thắng hai cường quốc thực dân, đế quốc xâm lược là Pháp và Mỹ, giành lại nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và luôn thủy chung với bạn bè quốc tế.
Từ trong những tháng năm khói lửa của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại, một tập quán mới và tốt đẹp đã nảy nở, phát triển, trở thành sinh hoạt bình dị nhưng rất sâu nặng nghĩa tình, đó là những ngày hội đoàn kết quân dân, vun đắp tình quân dân cá - nước. Tiếp đó, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đề ra tại Đại hội VI (12-1986) và nhằm phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, truyền thống đánh giặc giữ nước, biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thể theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22-12 thực sự là ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, nơi thể hiện quân với dân một ý chí - nét độc đáo của văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Việc lấy ngày 22-12 hằng năm làm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là quyết định đúng đắn, sáng tạo của Đảng, thể hiện ý Đảng hòa quyện với lòng dân - chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; trong đó, Quân đội nhân dân làm nòng cốt. Ngày 22-12-1989 - Ngày hội Quốc phòng toàn dân lần đầu tiên được tổ chức ở tất cả các địa phương trong cả nước, trở thành ngày hội lớn, ngày hội quy tụ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của toàn dân tộc.
Ngày hội lớn của toàn dân tộc
Từ đó đến nay, Ngày hội Quốc phòng toàn dân luôn được tổ chức chu đáo, trang trọng, sáng tạo, với các hoạt động đa dạng, phong phú tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị như: Tổ chức các buổi lễ kỷ niệm, mít tinh, các cuộc diễu hành, diễu binh của lực lượng vũ trang, đoàn thể và học sinh, sinh viên để thể hiện sức mạnh quốc phòng và tình yêu đất nước. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị còn tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, đi đôi với các hoạt động thăm hỏi và tặng quà gia đình thương, bệnh binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo để tri ân và giáo dục lòng biết ơn cho thế hệ trẻ. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật; các cuộc thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, nhằm gắn kết cộng đồng và nâng cao sức khỏe; kết hợp các hoạt động trưng bày, triển lãm các hiện vật, hình ảnh về lịch sử quân đội và những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta gắn với hoạt động nói chuyện chuyên đề, thông báo về tình hình, chia sẻ kiến thức về an ninh, quốc phòng, phát động phong trào thi đua yêu nước...
Thông qua các hoạt động đa dạng và phong phú, Ngày hội Quốc phòng toàn dân thể hiện ý nghĩa thiết thực đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước qua nhiều khía cạnh quan trọng. Trước tiên, Ngày hội là dịp để toàn dân ôn lại và tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó nhắc nhở mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, về lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, giúp duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Ngày hội còn nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của mỗi công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khẳng định sức mạnh quốc phòng là sự kết hợp của toàn dân. Thông qua các hoạt động, người dân nâng cao nhận thức về an ninh và quốc phòng, từ đó thấy rõ trách nhiệm bảo vệ đất nước, góp phần xây dựng một xã hội có ý thức quốc phòng vững chắc. Các hoạt động giáo dục và giao lưu trong Ngày hội giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh của cha ông, từ đó kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh. Như vậy, Ngày hội Quốc phòng toàn dân không chỉ là một sự kiện kỷ niệm trọng đại của đất nước, mà còn là hoạt động mang ý nghĩa chiến lược nhằm củng cố, nâng cao sức mạnh của toàn dân đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước trong thời đại mới, nơi thể hiện quân với dân một ý chí.
Giá trị to lớn
Hiện nay, tình hình thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chiến tranh thế giới ít có khả năng xảy ra, nhưng những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố còn xảy ra ở nhiều khu vực với tính chất phức tạp ngày càng gia tăng. Tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có sự phát triển năng động, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nhân tố gây mất ổn định. Đáng chú ý, trên thế giới và khu vực xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng và đan xen lợi ích chiến lược mới; tình hình tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo ngày càng trở nên gay gắt. Vấn đề an ninh sinh tồn và an ninh phát triển đang đặt ra cho chúng ta bài toán phải giải quyết một cách hài hòa, hữu hiệu. Những nguy cơ đối với đất nước mà Đảng ta đã chỉ ra, đến nay vẫn là những thách thức lớn.
Đặc biệt, âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của các thế lực thù địch nếu không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh kịp thời, hiệu quả, sẽ trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa, đến việc giữ vững thành quả cách mạng. Vì vậy, Ngày hội Quốc phòng toàn dân thực sự có ý nghĩa to lớn và sâu sắc, nơi thể hiện quân với dân một ý chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Đặc biệt, chúng ta vô cùng tự hào và bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cảnh giác cách mạng cao độ, ý chí quyết tâm sắt đá, đã xây nên bức tường thành của “Thế trận lòng dân” vững chắc; đây chính là cội nguồn sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, tự hào với những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong gần 40 năm đổi mới đất nước, mỗi người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay đang công tác, làm ăn sinh sống, định cư ở nước ngoài, hãy cùng hướng về Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, cũng đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân bằng tất cả tình cảm và hành động yêu nước thiết thực, ý nghĩa. Đó thực sự là ngày hội phát huy truyền thống yêu nước và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ngày hội của niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi “con Lạc, cháu Rồng” đối với cội nguồn dân tộc, đối với truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, truyền thống 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.