Nghị quyết và Cuộc sống

Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân: “Chìa khóa” củng cố niềm tinBài cuối: Bài học kinh nghiệm và những việc cần làm

Hà Vũ 31/10/2023 - 06:42

Với kết quả tích cực và cả những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân" tại Hà Nội thời gian qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết.

Ý kiến của các đồng chí lãnh đạo thành phố về vấn đề này cần phải được tiếp thu, quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất.

t3-nguoi-dungdau-doithoai.jpg
Người dân phát biểu tại Hội nghị đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn quận Đống Đa, tháng 10-2023. Ảnh: Nguyệt Ánh

Kiểm tra, xử lý trách nhiệm

Bài học đầu tiên để thực hiện tốt không gì khác chính là nắm chắc nội dung Quy định số 11-QĐi/TƯ của Bộ Chính trị, trước hết là nguyên tắc chung và về trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cấp ủy, với tinh thần như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng chia sẻ: “Phải thật lòng với dân và mình phải là dân”. Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Khi tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân, trên nguyên tắc dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền... Thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cấp trên trong công tác này.

Việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ cần phải gắn với thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, nhưng phải tránh chung chung, chồng lấn. Bởi thực tế, ngay trong phát biểu tham luận tại Hội nghị giao ban quý III-2023 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với các quận, huyện, thị xã vừa qua, một đồng chí Bí thư cấp xã đã bộc lộ vấn đề này.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức lưu ý, Bí thư cấp ủy cần nhận thức sâu sắc nội dung căn bản của Quy định số 11-QĐi/TƯ, đồng thời tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức trong tập thể cấp ủy và tổ chức Đảng; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh chồng chéo, nhầm lẫn với các nội dung tiếp dân, giải quyết đơn, thư của khối chính quyền.

“Bí thư cấp ủy các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trước hết phải thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, đối thoại định kỳ theo đúng quy định. Đặc biệt, sau tiếp công dân và đối thoại phải có kết luận cụ thể, rõ ràng bằng văn bản, gắn với tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện, bảo đảm thực chất, hiệu quả, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo”, đồng chí Nguyễn Quang Đức nói.

Một bài học không thể thiếu là cần làm tốt công tác dự báo và chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ngay từ đầu năm. Trên thực tế, để có kết quả thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TƯ như vừa qua, hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy đều ban hành kế hoạch cụ thể gắn với các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cũng cho thấy, công tác dự báo, nắm tình hình, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã có thời điểm còn chưa kịp thời.

Các quận ủy, huyện ủy, thị ủy chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo cấp ủy; Bí thư cấp cơ sở gặp gỡ đối thoại với nhân dân chưa nhiều; chất lượng công tác tiếp công dân của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ của Bộ Chính trị, Kế hoạch hằng năm của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ ở một số cấp ủy còn chậm, thiếu phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm giải quyết từng vụ việc khiếu kiện phức tạp, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho rằng, thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TƯ, thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với công dân sẽ giúp người đứng đầu cấp ủy cập nhật được thông tin, kiến thức, nắm được tình hình địa phương, nhất là những vấn đề phức tạp, nổi cộm cần tập trung giải quyết. Và khi đã tiếp rồi thì cần lưu ý phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đến nơi đến chốn. Bởi thực tế, Bí thư cấp ủy tiếp công dân, nhưng lại không có thẩm quyền giải quyết, nên phải chỉ đạo chính quyền cùng cấp giải quyết. Phải tránh để xảy ra tình trạng tiếp nhưng không giải quyết làm cho dân bức xúc thêm.

“Người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân giải quyết đơn, thư sẽ tránh được việc đùn đẩy, né tránh của các cấp, các ngành. Trước cứ người nọ đùn đẩy người kia, giờ có đồng chí Bí thư cấp ủy kết luận chỉ đạo rồi, ấn định thời hạn cụ thể, lại kiểm tra, đôn đốc thực hiện thì không thể đùn đẩy được nữa”, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nói, đồng thời khẳng định, nơi nào Bí thư cấp ủy quan tâm thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TƯ thì nơi đó yên, tình hình tốt.

Đồng chí Vũ Đức Bảo cũng cho biết, tới đây, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ chủ trì phối hợp tổ chức kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, trong đó sẽ xem xét, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ.

“Quy định rõ như thế rồi, anh vi phạm một trong 25 nhận diện của Chỉ thị số 24-CT/TU, như thiếu trách nhiệm, không tiếp dân, đối thoại với dân thì anh sẽ bị xử lý tùy theo mức độ”, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nói.

Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhận định, thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở những địa bàn liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư; những khu vực triển khai nhiều dự án liên quan đến việc giao đất, thu hồi đất, công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng... Không loại trừ khả năng các thế lực thù địch, phần tử xấu sẽ lợi dụng để kích động người dân tham gia vào các hoạt động khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự, trở thành “điểm nóng” gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Vì vậy, đồng chí yêu cầu, để công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ của Bộ Chính trị đạt hiệu quả, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành của thành phố, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản của Trung ương, Thành ủy liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân, nhất là tại những địa bàn phát sinh nhiều đơn, thư hoặc đơn, thư vượt cấp kéo dài; tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác hòa giải, vận động, thuyết phục công dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Từng cấp, từng ngành phải tăng cường đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm túc việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường đối thoại với người dân để tiếp nhận thông tin, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân về hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc, đồng thời chỉ đạo, giải quyết kịp thời những nội dung còn vướng mắc; kịp thời thực hiện các giải pháp ổn định tình hình, không để phát sinh “điểm nóng”.

Cùng với việc thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ theo quy định, tăng cường đối thoại với công dân nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở, tránh kéo dài, vượt cấp, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan nội chính trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư.

“Đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, đồng chí Bí thư các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy theo chức năng nhiệm vụ cần rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để giải quyết khiếu nại, tố cáo, các vụ việc khiếu kiện có yếu tố phức tạp, nổi cộm trong phạm vi thẩm quyền; chủ động phối hợp với các sở, ngành giải quyết các vụ việc khiếu kiện liên quan đến đông người; chỉ đạo cơ quan chức năng kịp thời xử lý các tình huống phức tạp phát sinh gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý, phụ trách”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu rõ.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng lưu ý, các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thông tin tình hình giải quyết đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người dân... Việc này là căn cứ để cấp trên nắm tình hình, từ đó có chỉ đạo, định hướng giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân: “Chìa khóa” củng cố niềm tin Bài cuối: Bài học kinh nghiệm và những việc cần làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.